Lục Ngạn mùa xuân về

 

Một mùa xuân mới lại về trên quê hương Lục Ngạn. Trong khí xuân phơi phới, ta lắng nghe đâu đây tiếng cựa mình của vạn vật, của những trồi non, lộc biếc đang vươn mình trỗi dậy đón lấy hơi xuân ấm áp. Vượt qua bao trông gai, trở ngại của năm Mậu Tuất, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn vẫn vững vàng đưa con thuyền đổi mới đi đến bến bờ thắng lợi. Trong thời khắc giao hoà của đất trời vào xuân, chúng ta có quyền tự hào về kết quả đã đạt được trên mọi lĩnh vực của năm 2018- năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, (nhiệm kỳ 2015- 2020). Bước sang năm Kỷ Hợi, với tâm thế vững vàng sẽ là điểm tựa vững chắc để Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc Lục Ngạn tự tin vượt qua khó khăn thách thức, giành nhiều kết quả to lớn hơn, toàn diện hơn.

 

Trung tâm thị trấn Chũ hôm nay

 

Khi đất trời rạo rực vào xuân, lòng người như rộn rã; từ nơi địa đầu Sa Lý đến cuối nguồn của dòng Cấm Sơn thơ mộng, nơi đâu cũng rộn ràng một âm hưởng tươi mới của mùa Xuân căng đầy nhựa sống. Trong khí lạnh của đông tàn, ta lắng nghe đâu đây hơi thở ấm áp khi đất trời vào xuân. Những nụ hoa mới hôm qua còn e ấp trong màn sương sớm để tránh đi cái giá lạnh của mùa đông, thì hôm nay đã cựa mình tỉnh giấc khoác trên mình bộ áo mới rực rỡ sắc màu, tô điểm cho mùa xuân Lục Ngạn ngập tràn hương sắc. Tất cả vạn vật và lòng người như bừng lên sức sống mới đang hối hả, rộn rã đón xuân sang.

 

Năm cũ qua đi nhường chỗ cho một năm mới tốt đẹp hơn. Quy luật của đất trời vẫn vậy, vẫn hiền hoà và thân thiện cho vạn vật sinh sôi nảy nở. Duyên đất và tình người Lục Ngạn vẫn cần mẫn, chắt chiu cho những mùa vàng quả ngọt. Năm Mậu Tuất vừa qua, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc Lục Ngạn đã đoàn kết một lòng vượt qua bao trông gai, thử thách để rồi giờ đây trước thềm xuân mới này, khi nhìn lại ta luôn tin tưởng về những thành tựu mà chúng ta đã giành được. Với truyền thống đoàn kết và sự quyết tâm cùng tinh thần sáng tạo không ngừng, Lục Ngạn đã phấn đấu hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm trên mọi lĩnh vực KT- XH của năm 2018, góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV.

 

Chúng ta, những người con được sinh ra, lớn lên và đang sống trên vùng quê Lục Ngạn lại càng thêm tự hào về vùng đất đã viết nên bao huyền thoại, với những địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, những thắng cảnh nguyên sơ mà thơ mộng và hôm nay, cũng chính duyên đất và tình người trên mảnh đất này đã chắt chiu làm cho vùng quê này biết bao những sản vật mang tiếng thơm Lục Ngạn bay đi khắp gần xa như Vải thiều, Mỳ Chũ, rồi mới đây là hương vị ngọt ngào của Nhãn Lồng, Cam ngọt, Cam lòng vàng, Bưởi ngọt, bưởi Da xanh và Táo Đài Loan... để giờ đây, Lục Ngạn được biết đến với vùng cây ăn quả nổi tiếng cả nước.

 

Năm 2018 với điều kiện thời tiết thuận lợi, vải thiều của huyện được mùa. Với trên 15 nghìn ha, sản lượng đạt trên 141 nghìn tấn, mang lại cho người dân Lục Ngạn nguồn thu nhập trên 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 54 tỷ đồng so với năm 2017. Cây vải thiều không chỉ là sản phẩm của sự cần lao mà giờ đây, thương hiệu vải thiều Lục Ngạn được tạo nên từ kinh nghiệm được đúc kết từ bao mùa vàng kết hợp với quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGap đã đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu ra các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và các nước EU. Đặc biệt năm 2018 vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu đi 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ vài chục ha vải thiều VietGAP ban đầu, chúng ta đã nhân rộng lên trên 11,4 nghìn ha, với hàng nghìn hộ nông dân tham gia sản xuất ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện được cấp chứng nhận sản xuất vải thiều theo quy trình này. Đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng ta cũng đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà còn được mở rộng ra nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó là việc chỉ đạo đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, chuyển dần từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang liên kết, hợp tác trong sản xuất, tạo thành chuỗi khép kín trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả, với 21 Hợp tác xã, 30 Chi hội, 455 Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được thành lập và đi vào hoạt động. Những tổ, nhóm liên kết sản xuất này được hình thành đã từng bước tạo đầu ra ổn định và đưa thương hiệu sản phẩm cây ăn quả của Lục Ngạn bay xa. Cùng với đó, năm 2018, chúng ta cũng đã tổ chức thành công “Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, thu hút hàng vạn lượt người tham dự. Trong đó nổi bật là đưa ra đấu giá các sản phẩm trái cây có múi đạt giải thi chất lượng trái cây, qua đó đã nâng tầm giá trị, chắp cánh thương hiệu, kết nối cung cầu cho sản phẩm trái cây của huyện.

Gần 30 năm trước, người Lục Ngạn rất đỗi tự hào vì đã biến vùng đất đồi cằn đá sỏi thành những miệt vườn trù phú với cây vải thiều, để Lục Ngạn được ví như viên ngọc xanh khu vực phía Bắc của Tổ quốc. Từ đó không nhưgx vậy, mảnh đất bên bờ sông Lục hiền hoà giờ đây còn được biết đến với một vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản có múi mang lại giá trị kinh tế cao như: Cam ngọt, cam lòng vàng và bưởi ngọt Lục Ngạn... những loài cây một thời nức tiếng của đất Kinh kỳ, phố Hiến và nơi miệt vườn cây trái Nam Bộ được di thực về đây đã bén dễ, xanh cây trên vùng đất này đã và đang tạo dựng nên cho người dân Lục Ngạn một cuộc sống ấm no, đủ đầy…

 

Sự đa dạng về các sản vật mang đậm hương vị Lục Ngạn đã tô điểm thêm cho bức tranh miền sơn cước những gam màu ấm áp và tươi sáng đến diệu kỳ. Cùng với đó, bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi phù hợp đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn huyện lên trên 3 nghìn 400 tỷ đồng. Giá trị sản xuất đạt 107,3 triệu đồng/ha. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,55%, giảm 3,85% so với năm 2017. Diện mạo nông thôn mới đang khởi sắc từng ngày. Đi đôi với đầu tư khai thác, tiềm năng, thế mạnh của ngành nông nghiệp, năm 2018, Lục Ngạn cũng đặc biệt quan tâm đầu tư cho phát triển CN-TTCN và ngành nghề nông thôn coi đây là một trong những mục tiêu lớn để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, song những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng đã dần tạo hành lang thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, mở mang ngành nghề, dịch vụ. Cùng với đó là sự vươn mình trỗi dậy của một số ngành, nghề thủ công đang chiếm được ưu thế trong tỷ trọng của ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp huyện nhà như: sản xuất Mỳ gạo, đá cây, mộc dân dụng, cơ khí và sản xuất gạch ép xi măng... đã góp phần đưa nhanh giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn lên 1.294 tỷ đồng.

 

Năm cũ qua đi, Lục Ngạn đang quyết tâm tiến tới mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo với nhiều chính sách an sinh xã hội được triển khai, cùng với đó là hàng loạt dự án, chương trình hỗ trợ đầu tư của nhà nước về đào tạo nghề nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị đã tạo đà cho huyện nhà bứt phá đi lên. Điều này thể hiện cụ thể ở tổng giá trị sản xuất các ngành trên 10 nghìn 229 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 17% (cao nhất từ trước tới nay); bình quân thu nhập đầu người đạt trên 63,3 triệu đồng/người/năm.

 

Mùa xuân này, về với Lục Ngạn ta cảm nhận được sự hiện hữu của một vùng quê đổi mới, với sức lan tỏa mạnh mẽ từ phong trào Lục Ngạn chung sức xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, cùng với chính sách đầu tư của nhà nước, cấp ủy, chính quyền huyện Lục Ngạn cũng đã phát huy tốt nội lực, vận động nhân dân hiến tặng hàng nghìn m2 đất và đóng góp trên 9 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, cứng hóa đường giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị. Cùng với đó là chủ trương hỗ trợ xi măng cứng hóa đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 07, 06 của HĐND tỉnh cũng đã và đang khơi dậy được nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, với tổng số 279 km đường giao thông được cứng hóa, nâng tổng số đường giao thông được cứng hóa trong toàn huyện lên 399 km. Đặc biệt, một số tuyến đường giao thông lớn như đường tỉnh 293 nối Cảng Mỹ An, đường tỉnh 289 từ thị trấn Chũ đi Đồng Đỉnh, Lục Nam, đường liên xã Kiên Lao- Quý Sơn, được khởi công xây dựng... Cùng đó, thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, trong đó nổi bật là dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghiệp MDF của Công ty Thiên Lâm Đạt tại Cụm Công nghiệp Mỹ An; dự án khu du lịch tổng hợp của Tập đoàn FLC tại hồ Khuôn Thần (xã Kiên Lao); dự án xây dựng Nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt tập trung tại thôn Cai Lé, xã Kiên Thành của Công ty Cổ phần Cơ khí môi trường Việt Nam đang khởi động. Công tác quản lý và phát triển đô thị có chuyển biến rõ nét, nhiều dự án khu dân cư được triển khai thực hiện đồng loạt cùng với việc hoàn thành các dự án chỉnh trang đô thị như lát vỉa hè, làm rãnh thoát nước, cải tạo Quảng trường… góp phần từng bước phát triển đô thị của huyện.

 

Năm 2018 toàn huyện đã huy động trên 35,6 tỷ đồng để đâu tư xây dựng nông thôn mới. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã Giáp Sơn, thôn Đồng Quýt xã Tân Mộc về đích nông thôn mới; thôn Ngọt xã Hồng Giang đạt nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới lên 4 xã và 4 thôn đạt thôn nông thôn mới.

 

          Các lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó có kết quả nổi bật trong phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh, với trên 85% gia đình văn hoá, trên 72% làng, bản, khu phố và 83,76% cơ quan, đơn vị đạt văn hóa; có 8 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn Chũ đạt chuẩn văn minh đô thị. Hoạt động văn hoá quần chúng phát triển rộng khắp ở các vùng, miền gắn với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá các dân tộc. Từ đó đã góp phần làm cho đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện thêm đa dạng. Cùng với đó là kết quả đáng mừng từ Đề án thực hiện lộ trình tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2020, bởi sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị đã góp phần nâng tỷ lệ bao phủ thẻ BHYT toàn huyện lên 98,4%, vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao.

 

Mùa xuân này, về với Lục Ngạn ta cảm nhận được hơi ấm của cộng đồng, của Đảng và nhà nước đang lan toả bao trùm lên khắp các xóm làng, thôn bản, suởi ấm cho đồng bào nghèo. Cùng với chính sách an sinh xã hội, chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, những chuyến hàng tết từ khắp nơi đang tấp nập hướng về Lục Ngạn, mang theo niềm tin của Đảng, Nhà nước và cộng đồng gửi đến đồng bào nghèo trong những ngày tết đến xuân về.

 

Quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chiến lược phát triển lâu dài. Trong năm, huyện đã quan tâm đầu tư kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất và kiên cố hóa trường, lớp học. Theo đó tỷ lệ phòng học kiên cố trong toàn huyện hiện nay đạt 82,5%, với gần 1 nghìn 600 phòng học kiên cố, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và phát triển sự nghiệp trồng người. Nhờ những chính sách đầu tư mạnh mẽ này mà chất lượng giáo dục được nâng lên đáng kể, với 89/96 trường học đạt chuẩn Quốc gia. Chất lượng giáo dục mũi nhọn năm sau cao hơn năm trước, với trên 145 giải học sinh giỏi các cấp...

 

Bên cạnh những kết quả đạt được trên các lĩnh vực, nhìn lại năm 2018 chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận kết quả đạt được ở một số nhiệm vụ còn hạn chế như: Chưa xây dựng được lò đốt rác tại xã Biển Động, Phượng Sơn nên công tác xử lý rác thải, bảo vệ môi trường chưa có cơ sở vững chắc; hoạt động thu phí vệ sinh môi trường của các xã, thị trấn chưa đạt kết quả, tình trạng tồn lưu rác vẫn xảy ra; an ninh trật tự vẫn tiềm ẩn những dấu hiệu phức tạp như: xuất cảnh trái phép, cờ bạc, tranh chấp rừng và đất lâm nghiệp, tín dụng đen, trộm cắp... Đây cũng là bài toán khó, đòi hỏi Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn phải có sự đoàn kết, quyết tâm cao và đề ra nhiều quyết sách đúng đắn hơn để chèo lái con thuyền Lục Ngạn đi đến bến bờ thắng lợi. Đó là “sức xuân” của vùng quê Lục Ngạn. “Sức xuân” này sẽ tạo tâm thế vững chắc, tiếp sức cho đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện làm nên nhiều thắng lợi mới.

 

Trong đó, tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá; tăng hiệu quả, thu nhập, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Song song với đó là quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyên canh mang tính đặc sản từng vùng đi đôi với đó là xây dựng và bảo vệ thành công các thương hiệu của cây ăn quả đặc sản. Phát huy năng lực của các thành phần kinh tế, xây dựng các yếu tố cần thiết cho kinh tế thị trường, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ đề lãnh đạo của Huyện ủy năm 2018 “làm chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý và phát triển đô thị, cứng hóa đường giao thông nông thôn, thu gom và xử lý rác thải, tăng cường công tác cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm người đướng đầu, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Vì những nhiệm vụ đó, bước vào năm mới 2019 phải là năm quyết tâm cao, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt.

 

Chia tay với năm 2018, chào đón xuân 2019, năm nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, với những niềm vui, kỳ vọng, thời cơ, vận hội và cả khó khăn mới, nhưng chúng ta có cơ sở để tin rằng, với truyền thống đoàn kết của Đảng bộ cùng với ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV sẽ là điểm tựa để Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc Lục Ngạn sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách làm nên nhiều kỳ tích, đưa Lục Ngạn phát triển to đẹp hơn, bền vững hơn./.

 

Quang Huấn

 

 

 

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.