Chuyện những người “gác rừng” trên hồ Cấm Sơn

Gần 26  năm gắn bó với công việc bảo vệ rừng phòng hộ trên lòng hồ Cấm Sơn ông Vi Văn Pảo và các thành viên của Tổ bảo vệ rừng thôn Ao Vường, xã vùng cao Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn đã không quản ngại khó khăn ngày đêm bám rừng, bảo vệ màu xanh cho hơn 105ha rừng phòng hộ đầu nguồn Cấm Sơn. Với công việc thầm lặng nhưng đầy trách nhiệm ấy của ông đã góp phần cùng các thành viên tham gia bảo vệ hệ sinh thái cho khu vực lòng hồ này.

 

Một buổi tuần tra, quản lý bảo vệ rừng của Tổ bảo vệ rừng cộng đồng trên  lòng hồ Cấm Sơn

 

Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi theo chân ông Vi Văn Pảo và những thành viên Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Ao Vường, xã Cấm Sơn đến thăm cánh rừng tự nhiên nằm ven lòng hồ Cấm Sơn về phía bờ đập. Nhìn những tán cây rừng rậm rạp vươn cao soi bóng xuống mặt hồ mới thấy hết ý nghĩa việc làm thầm lặng nhưng đầy trách nhiệm của Tổ bảo vệ rừng nơi đây. Là người có thâm niên gần 26 năm tham gia  công tác bảo vệ rừng, ông Vi Văn Pảo, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thôn Ao Vường bộc bạch: Trước đây do đời sống của người dân lòng hồ còn nhiều khó khăn, việc đi rừng hái củi diễn ra thường xuyên, những lúc đó anh em đến tuyên truyền, nhắc nhở người dân không được chặt phá rừng thì bà con không hài lòng, thậm chí còn bị đe dọa nhưng anh em vẫn kiên trì bám rừng, thường xuyên tuần tra, có khi cả đêm tối. Những lần đi tuần tra như thế ngoài việc ngăn chặn, nhắc nhở chúng tôi lại tuyên truyền vận động bà con không đốt, phá rừng, dần dà bà con cũng hiểu và ủng hộ...Với cách làm như vậy mà trong nhiều năm qua, các diện tích rừng do các anh phụ trách đều được bảo vệ an toàn.

 

Có lẽ hơn ai hết, những người như ông Pảo mới là người thấu hiểu những khó khăn, vất vả của công việc bảo vệ rừng trên lòng hồ này. Bởi bảo vệ rừng trên cạn đã khó, việc tuần tra, bảo vệ rừng trên hồ lại càng khó khăn gấp bội, việc đi lại chủ yếu bằng tuyền chèo tay trên hồ; nếu đi tuần tra hết diện tích rừng phải mất cả nửa ngày trời chèo thuyền trên hồ. Khó khăn, trở ngại là vậy nhưng không khi nào các ông thấy nản lòng. Cũng như Tổ bảo vệ rừng Ao Vường, xã Cấm Sơn, 4 thành viên của Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Tam Chẽ, xã Sơn Hải cũng thường xuyên bám địa bàn để bảo vệ màu xanh cho 160ha rừng phòng hộ đầu nguồn ngay trong lòng hồ Cấm Sơn. Do phần lớn diện tích đều bám ven hồ, giao thông đi lại hoàn toàn bằng thuyền tay nên công tác bảo vệ rừng gặp nhiều trở ngại, có ngày tổ phải chèo 30 lượt để tuần tra. Qua đó đã kịp thời ngăn chặn hàng chục vụ chặt trộm cây rừng hoặc phát nương ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ. Điển hình năm 2011, phát hiện một số người dân ở xã lân cận đến chặt trộm cây rừng để lấy củi, Tổ đã nhanh chóng có mặt ngăn chặn và thông báo cho Trạm bảo vệ rừng Sơn Hải để hỗ trợ.

 

Anh Nguyễn Văn Khoa - Trạm trưởng Trạm bảo vệ phát triển rừng xã Cấm Sơn thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn cho biết: Tổ bảo vệ rừng thôn Ao Vường, xã Cấm Sơn có tổng số 4 thành viên, nhận khoán bảo vệ hơn 105 ha rừng phòng hộ khu vực vùng hồ Cấm Sơn thuộc địa phận thôn Ao Vường, giáp ranh với xã Sơn Hải và một số xã của huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Nhân dân khu vực quanh rừng hầu hết là hộ nghèo khó khăn thiếu đất sản xuất. Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn nên tình trạng đốt nương làm rẫy hoặc chặt trộm gỗ rừng để làm nhà vẫn diễn ra. Không những thế do phần lớn diện tích rừng phòng hộ của đơn vị bám ven hồ, giao thông đi lại của các thành viên hoàn toàn phải bằng thuyền tay nên công tác bảo vệ rừng khá phức tạp, khó khăn. Mặc dù thù lao thấp nhưng các ông đều nhiệt tình, sẵn sàng có mặt để bảo vệ kịp thời. Ngoài việc tuần tra, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng; phòng chống cháy rừng, các thành viên trong tổ còn bền bỉ tuyên truyền, vận động, phân tích tác hại từ việc phá rừng trong các buổi họp dân, tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, vì vậy thành viên trong tổ luôn được nhân dân tín nhiệm bầu chọn.

 

Ban quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn hiện đang quản lý và bảo vệ trên 10ha rừng trên địa bàn 7 xã vùng cao của huyện Lục Ngạn. Để góp phần bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái ở khu vực lòng hồ Cấm Sơn và một số xã vùng cao, Ban quản lý đã thành lập và duy trì 10 tổ bảo vệ rừng ở 7 xã. Hàng năm chúng tôi thường xuyên tổ chức tập huấn tuyên truyền, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ bảo vệ rừng trên địa bàn. Điển hình như Tổ bảo vệ rừng Ao Vường, Bả, xã Cấm Sơn; Tổ bảo vệ rừng Tam Chẽ, Đấp, Sơn Hải; Tổ bảo vệ rừng xã Kiên Lao; Tổ bảo vệ rừng xã Phong Minh, Sa Lý… Qua đó đến nay, các tổ đều duy trì và hoạt động tốt, góp phần bảo vệ an toàn cho diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn huyện.

 

Gần 26 năm gắn bó với công việc “gác rừng” vùng hồ Cấm Sơn thì cũng là ngần ấy thời gian những người như ông Pảo luôn đau đáu về một hệ sinh thái trong lành ở vùng lòng hồ Cấm Sơn được bảo vệ sẽ mang lại cho dân bản nơi các ông đang sinh sống một cuộc sống ấm no, đủ đầy. Ông Pảo mong muốn có thêm nhiều sức khỏe để tiếp tục làm công việc bảo vệ cho những cánh rừng thêm xanh.

Vũ Đoàn

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.