Lục Ngạn nóng hoạt động tín dụng trên địa bàn

Thời gian gần đây, hoạt động “tín dụng đen”, “vay không cần thế chấp”... thực chất là cho vay nặng lãi có nhiều diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện Luc Ngạn. Không chỉ ở thị trấn, các đường dây cho vay nặng lãi còn vươn vòi khắp hang cùng ngõ hẻm, len lỏi về tận bản làng vùng cao, miền núi. Thực trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT, đẩy nhiều gia đình đã khó khăn lại càng lâm cảnh bi đát, tán gia bại sản khi trót “dính” vào món nợ “trả không hồi kết” này.

 

Nạn nhân B bị các đối tượng côn đồ “Tín dụng đen” đánh trọng thương đang điều trị

tại Bệnh viện đa khoa Lục Ngạn

 

Trên mọi nẻo đường, trên những trụ điện, cột đèn báo tín hiệu giao thông, bờ tường... đâu đâu chúng ta cũng thấy dán những tờ quảng cáo với nội dung “cho vay không cần thế chấp”, “cho vay trả góp” kèm số điện thoại liên hệ. Đằng sau những dòng chữ đen trên giấy trắng đơn giản ấy là cả một “thế giới ngầm” liên minh ma quỷ của những đối tượng giang hồ, xã hội đen, đòi nợ thuê “kết nối” khắp toàn huyện thậm chí liên minh cả bên ngoài huyện. Minh chứng rõ nhất cho thực trạng này là “điểm nóng” thị trấn Chũ, đầu tháng 9.2018 Ông Lê Quyết C ở khu Trần Phú, thị trấn Chũ kể câu chuyện bi đát của gia đình: Trong 2 ngày 7 và 8/9 gây rối, đe dọa vợ chồng ông để đòi khoản nợ 60 triệu đồng mà con trai ông C vay trước đó 2,5 tháng, được tính lãi 8000 đồng/1 triệu/ngày, nay số tiền nợ trên lên đến 120 triệu đồng.

 

Trường hợp anh Lưu Văn B, sinh năm 1971, ở thôn Chão Mới, xã Giáp Sơn  cũng trở thành con nợ của những kẻ cho vay nặng lãi là một điển hình về sự tinh vi của liên minh ma quỷ cho vay cắt cổ. Chuyện là vào cuối tháng 8/2018 một nhóm đối tượng từ 5 đến 7 người dùng gạch đá ném vào nhà ông B, khiến ông B bị thương tích nặng phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Lục Ngạn. Nhận được tin báo, Đội cảnh sát hình sự Công an huyện đã nhanh chóng cử lực lượng tổ chức khám nghiệm hiện trường, xác minh vụ việc. Qua điều tra, xác minh được biết, trong thời gian tháng 4 năm 2017, con trai ông B có vay nợ số tiền 120 triệu đồng. Bản thân ông B đã gặp người cho vay hứa sau vụ vải sẽ thanh toán. Đến ngày 27/8/2018, một số đối tượng đến đòi nợ, tại đây hai bên có sự xích mích, ông B đã đuổi một số đối tượng ra khỏi nhà; sau đó nhóm đối tượng gọi thêm người mang theo gậy, dao, phớ đến nhà ông B và dùng gạch, đá ném vào nhà khiến cho ông Bảo bị thương tích. Hiện cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ.

 

Trường hợp của anh Vũ  Văn T, sinh năm 1990 trú tại thôn Thanh Hùng, xã Trù Hựu bị vướng vào vòng nợ lần do tham gia chơi số đề chịu với số tiền nợ ban đầu là hơn 20 triệu đồng. Đáng nói là khi không có tiền trả, T bị chủ nợ bắt ký giấy tính lãi 5000 đồng/1 triệu/1 ngày, sau hơn 1 năm từ số tiền 20 triệu đồng nợ ban đầu T được chủ ghi đề thông báo phải trả món nợ lên đến hơn 200 triệu đồng. Trong suốt 1 năm qua, mỗi kỳ đến hạn trả gia đình anh T đã nhiều lần bị chủ nợ thuê người đến nhà gây áp lực khiến cuộc sống gia đình đảo lộn, đành phải nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp. Anh T cho biết: “Ban đầu cũng vì tâm lý ham ăn – thua, em cũng chỉ tham gia cho vui nhưng không ngờ càng chơi càng u mê và lún sâu vào thua lỗ dẫn tới nợ nần, không có khả năng chi trả. Mặc dù gia đình đã vay mượn hơn 100 triệu đồng để trả cho chủ đề, nhưng không hiểu sao trả mãi vẫn không hết nợ mà liên tục bị chủ đề thuê mấy thanh niên xăm trổ đến ngồi trước cửa nhà, gây ảnh hưởng khôn nhỏ đến sinh họat của các thành viên trong gia đình”.

 

Ngoài ra, còn không ít các trường hợp do làm ăn thua lỗ, chưa có khả năng chi trả, liền bị chủ nợ thuê các đối tượng côn đồ ném chất bẩn, khóa trái cửa khiến mọi sinh hoạt làm ăn của cả gia đình bị đảo lộn. Trường hợp của chị Đỗ Thị Y, trú tại thôn Ổi, xã Nghĩa Hồ vài năm trước do sấy vải thiều thua lỗ, nên chị phải nợ lại chủ hàng một khoản tiền. Mặc dù, Chị đã cố gắng thu xếp trả dần đến nay số tiền nợ chỉ còn 25 triệu đồng. Nhưng do việc buôn bán không thuận lợi nên chị chưa thể trả dứt điểm khoản nợ trên, mặc dù chị Y đã  nhiều lần xin khất nợ để trả dần. Nhưng trong tháng 6/2018, gia đình chị đã 2 lần bị chủ nợ thuê người lên khóa cửa và chửi bới đòi nợ khiến cho vợ chồng, con cái không thể ra khỏi nhà và phải cầu cứu cơ quan chức năng đến phá khóa giải thoát giúp gia đình.

 

Chị Y - Nạn nhân bị nhóm đối tượng đòi nợ khóa trái cửa nhiều lần

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: “Tín dụng đen” thực chất là một hình thức cho vay nặng lãi, giữa những người dân với nhau, mức lãi suất vượt quá nhiều lần quy định của pháp luật. “Tín dụng đen” được thực hiện chủ yếu bởi một cá nhân, nhóm cá nhân. Khi đến hạn mà người vay chưa trả, chủ nợ lập tức bắt viết giấy vay tiền bao gồm cả gốc và lãi, khiến người vay tiền phải chịu “lãi chồng lãi”, với mức tiền gấp nhiều lần số tiền vay ban đầu. Để ép nạn nhân phải trả đủ số tiền, chủ nợ còn cho người đến đe dọa, chửi mắng, ném chất bẩn vào nhà người vay nợ. Tàn bạo hơn, các đối tượng hoạt động tín dụng đen khống chế, đánh đập, gây thương tích rồi ép nạn nhân bán nhà, tài sản với giá rẻ mạt. Trong các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, có hai dạng phổ biến, đó là cho vay nặng lãi (người có tiền cho vay lãi suất cao) và cho vay tiền để lấy lãi suất cao (chơi hụi, vay của người khác rồi cho vay lại để lấy lãi). “Tín dụng đen” ra đời kéo theo sự xuất hiện của lực lượng đòi nợ thuê bất hợp pháp, thậm chí, một số những công ty thu nợ được thành lập hợp pháp cũng bị cuốn vào vòng xoáy này. Theo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện,  “tín dụng đen” có xu hướng tăng. Những trường hợp cần tiền “nóng” để buôn bán, kinh doanh, người trẻ tuổi ham chơi lô, đề không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, họ bắt buộc phải nghĩ đến việc vay nóng của các chủ tiền ngoài xã hội cho nhanh, đỡ phiền hà về thủ tục...

 

Theo quy định của pháp luật: Việc đòi nợ là yêu cầu chính đáng của người cho vay nợ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Tuy nhiên việc đòi nợ cũng phải được tiến hành bằng các biện pháp như khởi kiện, đề nghị cơ quan chức năng can thiệp. Luật pháp cũng không cấm việc thuê người để thực hiện việc thu hồi nợ nhưng cũng phải thực hiện đúng pháp luật. Trường hợp dùng vũ lực, đe dọa khiến con nợ  rơi vào tình trạng lo sợ sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự. Người đòi nợ thuê có thể bị xử lý hình sự về tội “xâm phạm chỗ ở của người khác” theo điều 158 nếu tự ý vào nhà của người khác thì bị phạt đến 5 năm tù. Trường hợp dùng vũ lực để tước đoạt tài sản của con nợ thì có thể bị sử lý về tội “cướp tài sản”  theo điều 168, Bộ luật hình sự. Đặc biệt nếu đe dọa con nợ dẫn đến bị giết chết là phạm tội “đe dọa giết người”, theo điều 133 Bộ luật hình sự tùy vào mức độ mà bị phát tù đến 7 năm. Nếu gây thương tích cho con nợ  thì phải bồi thường và bị xử lý hình sự theo điều 134 bộ Luật hình sự về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác” sẽ bị phạt tù đến 20 năm hoặc chung thân.

 

 

Tại địa bàn huyện, qua điều tra cơ bản, lực lượng Công an đã có thông tin chi tiết về các đối tượng, cơ sở kinh doanh tài chính chuyên cho vay tiền theo kiểu “tín dụng đen”, các hiệu cầm đồ, các cơ sở không có giấy phép hoạt động. Trong năm 2017, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá hàng chục ổ, nhóm hoạt động “tín dụng đen” vi phạm pháp luật. Hiện tại, các đơn vị trong lực lượng Công an huyện đang tiếp tục rà soát, xử lý nghiêm những vi phạm như dán các tờ rơi quảng cáo cho vay theo kiểu “tín dụng đen” ở các địa bàn công cộng trên địa bàn huyện. Thiếu tá Phan Thanh Hải, Đội phó đội cảnh sát điều tra hình sự, công an huyện cho biết: “Trước những diễn biến phức tạp của “tín dụng đen”, Đội cảnh sát hình sự Công an huyện Lục Ngạn đã triển khai đợt cao điểm bảo đảm an ninh, trật tự những ngày đầu năm 2018, trong đó: Tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh các ổ, nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", hoạt động có tổ chức kiểu xã hội đen, núp bóng doanh nghiệp để bảo kê, đòi nợ thuê. Đồn thời yêu cầu các đơn vị phải lập hồ sơ tất cả những đối tượng, ổ, nhóm nghi vấn, gọi hỏi những đối tượng nằm trong diện này để răn đe, phòng ngừa, yêu cầu cam kết không vi phạm. Bên cạnh đó, lực lượng Công an huyện sẽ phối kết hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị trường học, đoàn thanh niên cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại và hệ lụy của việc vay nóng tiền của các chủ hiệu cầm đồ, cho vay với lãi suất cao ngoài xã hội trên hệ thống loa truyền thanh xã để mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động quan tâm giáo dục con, em mình tránh ham chơi, đua đòi và sa ngã vào những tệ nạn xã hội dẫn tới phải vay nóng, không may bị sập bẫy, trở thành nạn nhân của những hoạt động vay và cho vay  bất hợp pháp cuả các đối tượng này./.

 

Bùi Được – Quỳnh Nga

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.