Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Cấm Sơn “ Bám địa bàn... để giữ rừng”

Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn quản lý, bảo vệ trên10 nghìn ha rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn 7 xã trong huyện là Cấm Sơn, Sơn Hải, Hộ Đáp, Tân Sơn, Phong Vân, Phong Minh và Sa Lý. Mặc dù diện tích rừng lớn, nằm rải ở các xã vùng cao và lòng hồ khó khăn, song đơn vị luôn bám địa bàn, phát huy tốt vai trò của cộng đồng dân cư tham gia chăm sóc, bảo vệ an toàn nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng nên hầu hết diện tích rừng do đơn vị quản lý luôn được bảo vệ an toàn.

 

Kiểm tra diện tích cây lim xanh (bản địa) được trồng bổ sung làm giàu rừng phòng hộ

 

Ông Nguyễn Văn Canh - Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Cấm Sơn cho biết: Với tổng diện tích trên 10 nghìn ha rừng phòng hộ nằm ở địa bàn 7 xã vùng cao của huyện Lục Ngạn là Cấm Sơn, Tân Sơn, Phong Vân, Phong Minh, Sa Lý và xã Sơn Hải. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên gần 6 nghìn 600ha. Phần lớn diện tích rừng tự nhiên nằm rải rác tại những địa bàn giáp ranh. Xác định công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, do vậy, hàng năm Ban quản lý đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên, nâng cao ý thức phòng chống cháy rừng cho người dân. Riêng năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã tổ chức trên 16 cuộc tập huấn, tuyên truyền phòng chống cháy rừng, cho gần 700 lượt người dân tham gia. Đồng thời đầu tư trên 100 triệu đồng làm mới gần 9km đường ranh cản lửa tại khu vực xã Tân Sơn, nơi có nguy cơ cháy rừng cao. Riêng năm 2018, đơn vị đã tổ chức 3 Hội nghị tuyên truyền pháp luật bảo vệ phát triển rừng cho 130 lượt người tham gia tại các xã Kiên Lao và Phong Vân. Nội dung tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật Lâm nghiệp; một số Nghị định của Chính phủ quy định về phòng cháy chữa cháy rừng; về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và của huyện về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

 

Thông qua hội nghị nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cho các hộ gia đình, cá nhân; các Tổ bảo vệ rừng cộng đồng. Từ đó nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân, thành viên các Tổ bảo vệ rừng cộng đồng trong công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Để tạo sự phối hợp chặn chẽ giữa người dân với đơn vị trong công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng, đơn vị đã giao nhiệm vụ cho các Trạm bảo vệ rừng địa bàn cùng các Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thường xuyên tuần tra, kiểm tra diện tích rừng, nhất là những diện tích rừng tự nhiên có nguy cơ cháy cao.

 

Diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn Cấm Sơn luôn được bảo vệ xanh tốt

 

Để duy trì và phát triển vốn rừng, năm 2018, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Cấm Sơn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt kế hoạch trồng mới, trồng bổ sung trên diện tích rừng nghèo kiệt của đơn vị. Do vậy, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã trồng mới 60ha rừng; trong đó có 40ha rừng kinh tế và 20ha rừng phòng hộ. Đặc biệt để góp phần phát triển bền vững rừng phòng hộ trong vùng lòng hồ Cấm Sơn, Ban quản lý đã phối hợp với Chi cục kiểm lâm trồng thí điểm 10ha rừng Lim Xanh trên diện tích rừng nghèo kiệt tại thôn Tam Chẽ - xã Sơn Hải. Đây là mô hình nằm trong Đề án phát triển rừng cây gỗ lớn của tỉnh Bắc Giang được triển khai thí điểm tại huyện Lục Ngạn.

 

Đi đôi với những biện pháp trên, Ban quản lý cũng đã kiện toàn và duy trì hoạt động của 10 Tổ bảo vệ rừng cộng đồng, với tổng số 56 thành viên tham gia bảo vệ trên 1,3 nghìn ha rừng và đây cũng là lực lượng nòng cốt tham gia chăm sóc, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng tại chỗ. Do vậy, trên diện tích rừng phòng hộ do đơn vị quản lý, bảo vệ nhiều năm không để xảy ra tình trạng chặt phá hoặc cháy rừng.

 

Vũ Đoàn - Đức Hoàng

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.