Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020

 Sáng 14-7, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã chủ trì hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn (2018-2020). Về Dự có 600 đại biểu các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước; Chủ tịch Hiệp hội OVOP Nhật Bản và đại diện một số tổ chức quốc tế. Về dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Hội Nghị

 

Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn (2018-2020) gọi tắt là (OCOP), là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ then chốt trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020. Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Đây là chương trình được học tập từ Nhật Bản, với những hiệu quả tích cực chương trình này đã được 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thới giới triển khai thực hiện. 

 

Bắc Giang là 1 trong 6 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Trung ương phê quyệt xong đề án OCOP. Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh đã chỉ rõ mục tiêu của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018 - 2020, hướng đến năm 2030 sẽ có khoảng 170 loại sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, trong đó, nhóm thực phẩm với 114 loại; dịch vụ du lịch, bán hàng có 16 loại sản phẩm; lưu niệm, nội thất, trang trí có 16 loại; thảo dược có 15 loại; đồ uống có 8 loại; vải may mặc có 01 loại. Cùng đó, xây dựng mục tiêu cụ thể là chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có; phát triển 5 - 6 sản phẩm đạt hạng 5 sao; phát triển 06 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm trên địa bàn tỉnh gắn với hoạt động du lịch tại một số huyện; triển khai thực hiện từ 1 - 3 mô hình làng văn hóa du lịch.

 

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh cho biết, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh Bắc Giang đang chỉ đạo các ngành, địa phương lập kế hoạch triển khai đồng bộ từ tỉnh đến xã. Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP và các tổ chức kinh tế tham gia. Tập trung đào tạo nâng cao kiến thức sản xuất, kỹ năng quản lý, bán hàng cho chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất. Rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp.

 

Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế đã thảo luận về các nội dung, kinh nghiệm, kế hoạch để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình.

 

Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Văn phòng Điều phối NTM Trung ương với Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế; Hiệp hội hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn (2018 – 2020)

 

Đồng thời tại đây cũng diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Văn phòng Điều phối NTM Trung ương với Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế; Hiệp hội hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn (2018 – 2020).

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh OCOP là chương trình tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, động lực cho phát triển bền vững của đất nước. OCOP tác động mạnh mẽ tới thương hiệu, chất lượng hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp Việt Nam. Bởi “OCOP là sản phẩm của địa phương nhưng phải được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia, toàn cầu. Vì vậy các địa phương hết sức coi trọng khâu tổ chức sản xuất các sản phẩm OCOP.

 

Cũng như Chương trình xây dựng NTM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, OCOP là một quá trình thực hiện, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Sau năm 2020, Chính phủ sẽ tổng kết việc thực hiện để tiếp tục triển khai lâu dài.

 

Để triển khai hiệu quả OCOP, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí tập trung truyền thông về Chương trình; Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện và đánh giá, xếp hạng các sản phẩm OCOP. Các Bộ, ngành, địa phương phải thống nhất tư tưởng, nhận thức, nắm rõ quan điểm định hướng, mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ của Chương trình. Đồng thời xây dựng hệ thống quản lý, điều hành thực hiện ở các địa phương.

 

Hải Yến

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.