Lục Ngạn hút lao động ngoại tỉnh trong vụ thu hoạch vải thiều

Vụ vải thiều đến, mỗi ngày Lục Ngạn có hàng trăm lượt lao động từ các nơi đổ về tìm kiếm việc làm. Từ bẻ vải, đóng gói, bốc xếp đến sấy vải, một lao động thủ công cũng kiếm được từ 180 đến 500 nghìn đồng/ngày tùy theo từng loại việc và thỏa thuận với chủ hộ. Năm nay, do sản lượng vải thiều lớn nên nhu cầu sử dụng lao động tăng cao, do vậy đã có hàng nghìn lao động ngoại tỉnh tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định trong thời vụ vải thiều. 

 

Nhiều chủ vườn tìm lao động về thu hái vải thiều

 

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lục Ngạn, năm nay sản lượng vải thiều ước đạt trên 90 nghìn tấn quả. Do thời tiết nắng nóng kèm theo mưa nên vải chín nhanh. Không những thế, với những hộ dân có lượng vải lớn từ 10 đến 30 tấn thường phải sử dụng lao động làm thuê bên ngoài để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch.

 

Chị Vi Thị Hán ở thôn Đèo Cạn, xã Kiên Thành, có 20 tấn vải thiều đã bắt đầu chín rộ, để đảm bảo thời vụ thu hoạch, sau khi đi bán xọt vải đầu tiên, chị Hán đã về “chợ” lao động ở thị trấn Chũ (nơi tập trung lao động lớn nhất huyện) để tìm thuê 2 người bẻ vải. Tuy nhiên, do mới đầu vụ nên thị trường lao động đổ về Lục Ngạn còn ít, hơn nữa nắm bắt tâm lý người dân đang cần nhân lực nên lao động đòi giá cao hơn so với mọi năm nên chị phải chờ nhiều tiếng  đồng hồ mà chưa tìm được lao động.

 

Cũng giống như gia đình chị Hán, gia đình anh Cao Xuân Định, ở thôn Sậy To xã Trù Hựu, vụ này cho sản lượng khoảng trên 10 tấn quả. “Do sản lượng vải nhiều, 4 nhân lực trong gia đình làm không xuể nên cứ đến thời vụ gia đình lại phải thuê lao động thu hái vải mới đáp ứng được nhu cầu công việc. Bản thân anh cũng phải đợi đến cả buổi sáng mới đón được người.

 

Hiện nay vụ vải thiều đang ở giai đoạn chính vụ, toàn huyện có khoảng trên 400 điểm cân lớn nhỏ. Đối với những điểm cân lớn và các cơ sở sản xuất đá cây thường xuyên sử dụng từ 20 đến 30 lao động hàng ngày mới đáp ứng được nhu cầu tuyển lựa, đóng gói và bốc xếp hàng. Phần lớn lao động là người dân ở một số huyện trong tỉnh và ở các tỉnh như Lạng Sơn, Hưng Yên, Hà Nam và Hải Dương…Ngoài ra còn có số ít lao động là người địa phương ở một số xã vùng cao có Vải chín muộn. Không những vậy, do thị trường lao động vụ vải thiều hấp dẫn nên nhiều lao động có sức khỏe ở những xã lân cận cũng gác lại việc gia đình để đi làm thêm để có thu nhập. Thời điểm này, ước tính mỗi ngày có hàng trăm lao động đã tìm được việc làm tại huyện Lục Ngạn. Những công việc họ được thuê làm là thu hái vải thiều, tuyển lựa, đóng gói, bốc xếp hàng hoặc sấy vải, thậm chí làm thêm cả thu hoạch lúa… Tuỳ theo công việc khác nhau mà người lao động được trả thù lao với các mức giá tương xứng. Để tạo mọi điều kiện cho tư thương và người lao động đến làm ăn tại địa phương, chính quyền các xã, thị trấn và ngành chức năng huyện Lục Ngạn đã đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tư thương, người lao động đến thgam gia thua hoạch, chế biến, tiêu thụ vải thiều. Bên cạnh đó, năm nay, để hỗ trợ người lao động nơi khác về địa phương tìm việc làm, huyện Lục Ngạn đã thành lập tổ tư vấn, giúp người lao động tìm việc làm thuận lợi hơn.

 

Thời điểm này, lượng lao động thủ công từ khắp nơi tiếp tục đổ về Lục Ngạn ngày một đông, xong với sự tạo điều kiện  thuận lợi tốt nhất của chính quyền địa phương và sức hút của “vựa vải” thiều Lục Ngạn thì người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tăng thu nhập.                

                                                                                    

Hải Yến - Vũ Đoàn

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.