Lục Ngạn thực hiện tốt chính sách dân tộc và miền núi

Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã có nhiều chính sách nhằm quan tâm, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Cùng với sự phát triển chung đó, công tác dân tộc miền núi của huyện Lục Ngạn cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ sự quan tâm thường xuyên của các cấp, các ngành Trung ương và địa phương, đến nay, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn miền núi đang khởi sắc từng ngày, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố bền chặt.
Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 30 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã vùng cao, với  141 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 49% với các dân tộc bản địa sinh sống từ lâu đời như: Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu, Hoa, Dao, Cao Lan sinh sống đan xen ở 394 thôn bản, khu phố...Do địa hình đồi núi nên điều kiện sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Những năm qua, được sự quan tâm thường xuyên của Đảng và Nhà nước, các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được huyện Lục Ngạn triển khai kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Một trong  những kết quả nổi bật đó là: Các hạng mục đầu tư thuộc dự án xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135, cũng như các hạng mục hỗ trợ kết cấu hạ tầng và kỹ thuật chăn nuôi được triển khai đảm bảo tính công khai, dân chủ, qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân vùng dân tộc, giảm tình trạng khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Từ năm 2010 đến nay, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trên địa bàn huyện, nhiều chương trình dự án nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc thiểu số được triển khai đồng loạt như chương trình 134, 135, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Quyết định 102 về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, Quyết định 1592 của thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn. Các chương trình, dự án giảm nghèo đối với các thôn bản đặc biệt khó khăn, các xã có thôn bản đặc biệt khó khăn, đối với đồng bào các dân tộc. Đặc biệt là Đề án hỗ trợ sản xuất cho 13 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% của huyện… được huyện Lục Ngạn triển khai, tổ chức thực hiện đảm bảo dân chủ, công khai, đúng đối tượng, đúng địa bàn người dân được hưởng lợi, người dân nhận đủ các nguồn hỗ trợ theo quy định. Các công trình xây dựng đảm bảo chất lượng và tiến độ thời gian. Trong 5 năm Lục Ngạn đã tiếp nhận và đầu tư trên 80 tỷ đồng xây dựng 214 công trình các loại cho các xã đặc biệt khó khăn và xã khu vực II có thôn bản đặc biệt khó khăn. Trong đó, 99 công trình đường giao thông và 37 công trình trường học, với tổng số vốn trên 30 tỷ đồng; còn lại là các công trình Điện, Trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng và Chợ. UBND huyện cũng đã đầu tư trên 5 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng 27 công trình. Riêng năm 2014, đã đầu tư sửa chữa 7 công trình, với số vốn 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra còn thực hiện lồng ghép việc triển khai có hiệu quả nguồn vốn từ các Dự án đầu tư nguồn viện trợ liên minh Châu Âu, viện trợ không hoàn lại của  Chính phủ Ailen đầu tư xây dựng 8 công trình phúc lợi tại 4 xã Phong Vân, Tân Sơn Hộ Đáp và xã Cấm Sơn, với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng. Nhìn chung các công trình được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác sử dụng đều đã và đang phát huy được hiệu quả, góp phần đắc lực cho sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện Quyết định 102, ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã thực hiện việc hỗ trợ gần 122 tấn thóc giống, gần 100 nghìn tấn phân bón và trên 9,7 tỷ đồng tiền mặt cho gần 52 nghìn lượt hộ, ở 23 xã thuộc vùng khó khăn và 21 xã khu vực II có thôn bản đặc biệt khó khăn và xã đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 22 tỷ đồng. Từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khu vực khó khăn đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất xóa đói giảm nghèo bền vững. Song song với đó là việc triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 32 và 54/2011-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, giai đoạn (2012 – 2015). Trên cơ sở đó, huyện đã phê duyệt danh sách tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho 681 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đặc biệt khó khăn vay gần 4 tỷ đồng. Nhờ vậy, nhiều hộ khó khăn đã có vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng cây ăn qủa và phát triển kinh tế đồi rừng từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện xuống còn 24,12% năm 2013. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo của 13 xã nghèo giảm xuống 53,9%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Bộ mặt nông thôn vùng cao đàn khởi sắc từng ngày.
Điển hình như gia đình ông Luân Văn Hảo thuộc hộ nghèo ở thôn Chằm Khon, xã Cấm Sơn. Trước kia do thiếu vốn, thiếu kiến thức sản xuất nên cuộc sống của gia đình gặp rất khó khăn. Năm 2009, nhờ được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, ông đã mạnh dạn đầu tư thâm canh cây vải thiều và trồng rừng hiệu quả. Đến nay cuộc sống của gia đình ông đã trở nên khấm khá và thoát nghèo.
Hay như gia đình anh Trần Văn Hành, dân tộc Sán Dìu ở xã Giáp Sơn cũng là một trong những hộ dân tộc thiểu số điển hình trong phát triển kinh tế vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên chính mảnh đất quê hương. Với bản tính cần cù, sáng tạo, ham học hỏi cùng với ý chí nghị lực không cam chịu đói nghèo, anh Hành đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm hay trong sản xuất, phát triển kinh tế vườn đồi, đặc biệt anh còn là người đi đầu áp dụng quy trình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VIETGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, với hơn 600 cây vải thiều, hàng năm gia đình anh cho thu nhập khoảng 300 đến 500 triệu đồng và trở thành hộ có kinh tế khá giả ở thôn. Giờ đây, với cương vị là Chủ tịch Hội nông dân xã, anh còn thường xuyên đưa các loại cây, con giống mới về cho bà con nông dân, đồng thời tích cực phổ biến kinh nghiệm phát triển kinh tế, vận động cán bộ, hội viên thi đua giúp nhau phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng. 
Có thể nói, với sự hỗ trợ của Đảng và nhà nước, sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp đã tiếp thêm sức mạnh giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lục Ngạn hăng hái đoàn kết thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo bền vững. Đời sống vật chất được nâng lên, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm. Công tác giáo dục, y tế được đầu tư thỏa đáng. Đến nay, toàn huyện đã có 85 trường học đạt chuẩn Quốc gia; 17 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Đây sẽ là điều kiện tốt để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân vùng cao nói chung, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện và nâng cao, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hôi được giữ vững, quyền bình đẳng giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố và tăng cường. 
Để chính sách đến được với đồng bào một cách hiệu quả nhất, căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của từng địa phương và nhu cầu của người dân, UBND huyện đã phân bổ chi tiết vốn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các thôn, bản ĐBKK thuộc các xã khu vực II. Giao cho UBND các xã làm chủ đầu tư thực hiện dự án chỉ đạo các thôn, bản tổ chức bình xét, lựa chọn đối tượng hưởng lợi, bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân  kiểm tra... Với những cách làm đó, từ năm 2010 đến nay huyện Lục Ngạn  đầu tư trên 80 tỷ đồng cho xây dựng 214 công trình tại 21 xã đặc biệt khó khăn, xã khu vực II có thôn, bản ĐBKK. UBND các xã lựa chọn danh mục công trình thiết yếu thông qua thường trực HĐND xã, đồng thời lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, tổng dự toán, lựa chọn nhà thầu trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt theo đúng quy định. Điển hình như các xã Cấm Sơn, Đèo Gia, Hộ Đáp, Sa Lý…
Thực hiện Quyết định số 1592/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn, từ năm 2011 - 2013, 3 xã Nghĩa Hồ, Cấm Sơn và xã Phú Nhuận đã được đầu tư trên 6,4 tỷ đồng xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 4 thôn Thác Dèo, Thích, xã Phú Nhuận, thôn Ao Vường và xóm Hố Dào, xã Cấm Sơn và trung tâm xã Nghĩa Hồ. Công trình hoàn thành giúp cho bà con dân tộc thiểu số vùng ĐBKK sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, các địa phương đã xây dựng cơ chế quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí.

Đưa thông tin đến với học sinh dân tộc thiểu số

Đi đôi với thực hiện các chương trình, dự án về hỗ trợ phát triển các dân tộc thiểu số, chính sách đối với già làng người DTTS luôn được Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt. Hàng năm, nhân dịp tết nguyên đán, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức đi thăm, tặng quà cho các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong hai năm 2012 – 2013, Lục Ngạn đã dành trên 350 triệu đồng cho công tác thăm hỏi, tặng quà cho gần 700 lượt già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.  Chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát bình xét người có uy tín trên địa bàn huyện. Phòng Dân tộc đã phối hợp cùng với Đảng ủy-HĐND-UBND-MTTQ các xã động viên người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tới nhân dân; động viên con cháu lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, đoàn kết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua việc tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc của huyện và một số xã trên địa bàn đã góp phần tôn vinh và khơi dậy những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn.

 Nhiều mô hình kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Không những vậy, việc hình thành các CLB hát dân ca các dân tộc đã trở thành sân chơi văn hóa giàu truyền thống, nơi lưu giữ và bảo tồn được trang phục, ngôn ngữ và những làn điệu dân ca đặc trưng của từng dân tộc như: Dân ca dân tộc Nùng, Tày, Sán Chí, Cao Lan và Sán Dìu...
Từ kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc, các xã có thôn bản đặc biệt khó khăn đã từng bước tạo tiền đề cơ bản để các địa phương có những chuyển biến rõ rệt về mọi mặt. Từng bước giải quyết một phần nhu cầu bức thiết về cơ sở hạ tầng ở các thôn bản đặc biệt khó khăn; trang bị phương tiện và kiến thức làm kinh tế nông, lâm nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ thay đổi dần tập quán canh tác manh mún, lạc hậu, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên để giúp đồng bào phát triển bền vững, trước hết, cấp ủy, chính quyền huyện Lục Ngạn cần tiếp tục thực hiện và phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ của chính phủ cho đồng bào dân tộc thiểu số như chính sách văn hoá, y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi; tập trung hỗ trợ về sinh kế cho đồng bào thông qua trợ giúp các điều kiện và dịch vụ sản xuất, đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập; Tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhất là đầu tư cho các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để đồng bào các dân tộc thiểu số tự tin vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng huyện miền núi Lục Ngạn giàu mạnh, văn minh.\..
 
 
Vũ Đoàn
 
 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.