Mượt mà làn điệu Soọng Cô

Xuân đã về, một mùa hát hội lại đến với đồng bào các dân tộc huyện Lục Ngạn. Đã từ lâu không chỉ trong ngày hội mà cả những ngày làng, xã tổ chức lễ hội đồng bào các dân tộc của Lục Ngạn nói chung và đồng bào dân tộc Sán Dìu nói riêng đều tổ chức những canh hát dân ca của dân tộc mình. Làn điệu Soọng Cô ngân lên giữa núi rừng đã làm nên nét riêng, độc đáo của đồng bào các dân tộc huyện Lục Ngạn. 

 

Các thành viên của CLB hát Soọng Cô xã Giáp Sơn giao lưu

 

Không khí mùa xuân bắt đầu bằng hạt mưa phùn đậu trên vai áo, đậu nhẹ nhẹ lên những búp non còn đang e thẹn núp mình sau cành lá xanh mơn mởn. Mùa xuân bắt đầu bằng chút ẩm ướt râm ran của khí trời, bằng những lộc xanh vừa cựa mình thức dậy trên thân cây mới ngày nào còn giấu mình trong lớp vỏ già nua, khô khốc của mùa đông giá rét. Xuân bắt đầu bằng cánh én liệng chao nghiêng dưới trời xanh, bằng cả trăm hoa vỡ nụ rực rỡ khoe sắc trước nắng vàng. Và, xuân cũng bắt đầu bằng cả những khúc nhạc, lời ca rạo rực, nồng nàn, căng tràn sức sống của một mùa mới, một năm mới. Lời ca Soọng Cô ấy, được ấp ủ suốt mùa đông lạnh giá nay đã bắt đầu chớm những nụ đầu tiên, chỉ còn đợi ướp thêm chút gió, sưởi thêm chút nắng và tắm thêm một chút mưa phùn lất phất là sẽ nở bừng tất cả. Tất cả những điều ấy đều đang râm ran nơi làng quê Lục Ngạn thanh bình.

 

Đã từ lâu lắm rồi, năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ xuân về tết đến, cũng như các dân tộc anh em khác trên khắp làng quê của vương quốc vải thiều, đồng bào dân tộc Sán Dìu lại rộn ràng khăn áo, chuẩn bị những ngày hội hát mừng xuân. Và cũng đã từ lâu lắm rồi, trong cách vui xuân đón tết của người Sán Dìu, Soọng Cô là không thể thiếu, nó tồn tại như một nét đẹp văn hoá đã ngự trị trong nếp nghĩ, cách hưởng thụ cuộc sống của đồng bào tự bao giờ không ai hay biết. Soọng cô là loại hình văn hóa, văn nghệ độc đáo của người dân tộc Sán Dìu. Trong khi nhiều nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc thiểu số đang bị mai một dần thì ở Lục Ngạn  những làn điệu Soọng cô mượt mà vẫn còn mãi ngân vang. Những câu hát ấy đã hòa nhịp trong từng hơi thở của người Sán Dìu nơi đây, trở thành tập quán, thành món ăn tinh thần không thể thiếu cả những lúc vui mừng hay đau thương.

 

Hát Soọng cô đã có trong văn hóa tinh thần của người Sán Dìu từ bao giờ không ai hay biết chỉ biết rằng nó đã gắn liền với sự có mặt của người Sán Dìu trên mảnh đất này và được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Khác với hát Soong hao của người Nùng chỉ bắt đầu khi mỗi độ xuân về, khi công việc đồng áng, mùa màng đã xong xuôi, trong những phiên chợ xuân, ngày lễ hội mừng đón năm mới, thì hát Soọng cô của người Sán Dìu không phụ thuộc vào không gian và thời gian. Những câu hát Soọng cô được ngân vang ngay từ các buổi sáng, sau những giờ lao động mệt nhọc, trên nương rẫy, quanh bếp lửa và sau những bữa cơm chiều. Họ lấy lời ca để chào hỏi nhau, để thổ lộ tình yêu, để mừng đám cưới, mừng sinh nhật, mừng năm mới…Vì vậy, Soọng cô là làn điệu hát đối đáp giao duyên trong đó có hát ru, hát chào hỏi, hát mời khách và tiễn khách. Lời ca Soọng cô mộc mạc, ngọt ngào, đằm thắm với lối ví von giản dị, dễ hiểu nhưng lại rất giàu sự biểu cảm và dễ làm rung động lòng người cho nên nhiều đôi trai gái nhờ tiếng hát Soọng cô đã đem lòng yêu thương và gắn kết thành đôi lứa.

 

Lục Ngạn là huyện có đồng bào dân tộc Sán Dìu đông nhất tỉnh Bắc Giang nên những nét sinh hoạt văn hóa của người Sán Dìu nơi đây rất đậm nét. Vì vậy phong trào giữ gìn, phát huy và thành lập các câu lạc bộ hát dân ca Sán Dìu của huyện trong những năm qua phát triển mạnh mẽ. Đến nay, toàn huyện có 30 câu lạc bộ hát dân ca của các dân tộc thiểu số thì có tới 8 câu lạc bộ hát dân ca của người Sán Dìu. Các câu lạc bộ được thành lập đều có quyết định của chính quyền cấp cơ sở, cùng với đó là lòng thiết tha yêu tiếng mẹ đẻ, yêu lời ca tiếng hát của dân tộc mình.  Bà Đặng Thị Hưởng, Thành viên CLB Soọng Cô thôn Bến Huyện xã Nam Dương chia sẻ: “Tôi rất thích hát Soọng Cô, hội hát, canh hát nào làng và huyện tổ chức tôi cũng tham gia. Tôi mong làn điệu dân ca của dân tộc Sán Dìu chúng tôi sẽ mãi được lưu truyền”.

 

Vòng qua những con đường làng được trải bê tông sạch sẽ nằm men theo những đồi vải thiều ngợp màu xanh mát, chúng tôi tìm đến câu lạc bộ hát Soọng cô thôn Bến Huyện, xã Nam Dương. Con đường vào thôn buổi sáng như ấm lên bởi những tiếng hát Soọng cô trầm bổng của các đôi nam nữ. Mới đặt chân đến con dốc trước Nhà văn hóa thôn, chúng tôi đã nghe thấy những câu hát đối đáp, giao duyên ngọt ngào nhưng lại rất yêu đời, vui tươi, dí dỏm của các nghệ nhân. Câu lạc bộ được thành lập từ năm 2008 với mục đích nhằm bảo tồn, truyền bá lại những làn điệu dân ca của dân tộc Sán Dìu. Đến nay, câu lạc bộ có 58 thành viên. Các thành viên tham gia sinh hoạt không phân biệt tuổi tác, có những thành viên ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn hát say sưa và tâm huyết, có cả những thành viên nhỏ tuổi trước là đi theo ông bà để học hát sau là thành viên chính thức của câu lạc bộ để tham gia biểu diễn trong nhiều dịp giao lưu. Ông Diệp Văn Lâm, Chủ nhiệm CLB hát Soọng Cô xã Nam Dương cho biết: “Hiện Nam Dương có 3 làng thành lập câu lạc bộ hát Soọng Cô, các CLB đã đi vào sinh hoạt nền nếp, các thành viên tích cực sưu tầm và sáng tác nhiều làn điệu Soọng Cô, đồng thời tích cực truyền dạy cho thế hệ các cháu nhỏ để lưu giữ làn điệu dân ca của dân tộc mình”.

 

Câu lạc bộ hát dân ca Sán Dìu của xã Nam Dương sinh hoạt thường xuyên và có quy chế hoạt động theo tôn chỉ mục đích rõ ràng. Trong mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên thường ôn lại các bài hát đã được tập luyện, cùng hát đối đáp giao duyên với nhau. Tiếng hát Soọng cô có mặt trong mọi sinh hoạt của người Sán Dìu, người Sán Dìu có những phong tục như thế nào thì cũng có những câu hát Soọng cô phản ánh những phong tục ấy như thế. Vào đầu xuân, người Sán Dìu hát với nhau những bài để chúc mừng năm mới. Cuộc hát mừng năm mới thường được bắt đầu bằng những bài ca ngợi làng bản, sau đó đến nội dung tìm hiểu về quê hương, làng bản, gia đình. Đến gà gáy, họ hát những bài về gà gáy. Khi trời sáng hẳn, họ lại hát những bài nói rằng trời đã sáng rồi. Người Sán Dìu ở đây thường hát 3 đêm liền như vậy. Họ hát thâu đêm suốt sáng, ngày nghỉ làm việc, đêm lại hát. Dường như sự ngọt ngào, ngân nga của từng khúc hát Soọng cô đã cuốn hút họ, khiến họ say mê hát và có thể hát thâu đêm.

 

Thành viên CLB Soọng Cô xã Nam Dương chăm sóc vườn cây ăn quả

 

Để tiếng hát Soọng cô không bị mai một theo thời gian, để thế hệ trẻ của người dân Sán Dìu biết và hiểu thêm về nét văn hóa của dân tộc, lớp dạy hát cho các em nhỏ đã được câu lạc bộ thành lập. Tham gia lớp học này là mọi lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Các em được dạy cách hát Soọng cô, được giải thích nhiều từ cổ trong từng câu hát từ đó các em hiểu rõ hơn ý nghĩa của từng bài. Và người truyền dạy cho các em nhỏ không ai khác là những nghệ nhân trong câu lạc bộ, là những người thành thạo câu hát và chữ Sán Dìu. Đối với thế hệ trẻ như các em thì việc được học làn điệu dân ca của dân tộc mình không chỉ là niềm vui, niềm tự hào mà đó còn là trách nhiệm của những chủ nhân tương lai trong việc lưu truyền và gìn giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Em Chu Thị Huyền, thành viên nhí có nhiều triển vọng của câu lạc bộ tâm sự: Được các thầy cô dạy hát, dạy chữ dân tộc mình em và các bạn rất vui. Em sẽ cố gắng hát thật hay những ca khúc Soọng cô để tự hào với các dân tộc khác về nét văn hóa của người Sán Dìu và sau này truyền dạy lại cho những thế hệ nối tiếp em. Bà Hoàng Thị Tư, Nghệ nhân truyền dạy Soọng cô xã Nam Dương cho biết: “Tôi tham gia CLB hát Soọ hơn 10 năm nay rồi. Trong thời gian này tôi cũng dạy được 26 cháu nhỏ hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Các cháu rất thích hát, và tích cực tập luyện lắm”.

 

Đã thành thông lệ, tết đến, với khí xuân nồng nàn, CLB còn tham gia giao lưu ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc…, đặc biệt là tham gia ngày hội văn hoá thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn được tổ chức giữa tháng 2 âm lịch hằng năm. Để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc trong vùng, nhất là tục hát Soọng cô của người Sán Dìu, từ năm 1996 đến nay huyện Lục Ngạn đã khôi phục và duy trì Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc trong huyện. Hi vọng, với những nỗ lực đó, một nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Sán Dìu sẽ tiếp tục được giữ gìn và phát huy.

 

Lời ca đã dứt, canh hát đã tan, hội hát cũng tan mà dư âm Soọng Cô vẫn vương vấn đâu đây biếc khắp núi rừng, khắp làng quê yêu dấu; như vẫn theo bước chân tiếp sức người nông dân ra đồng trên những đường cày đảm đang, trên những vườn đồi, nương bãi  hẹn ngày trĩu quả./.

 

Bùi Được

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.