THANH NIÊN LỤC NGẠN TIẾN CÔNG VÀO KHOA HỌC KỸ THUẬT

Mùa xuân đến, cây cối đâm chồi nảy lộc. Hoa đưa hương và kết thành những trái ngọt lành. Cách đây tròn 72 năm, trong bức thư gửi thanh niên và nhi đồng cả nước nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Tuất năm 1946, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng viết:“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Và hôm nay đầu xuân măn mới, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại 1 năm với bao nỗ lực quyết tâm, luôn cầu tiến của tuổi trẻ huyện nhà trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện.

 

Thanh niên Kiều Văn Thuyết thôn Kép 3, Hồng Giang chia sẻ về cách chăm sóc bưởi ngọt

 

Sự liên tưởng giữa mùa xuân và tuổi trẻ trong lời viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức logic và thực tiễn, Bác đề cao vai trò của thanh niên trong xã hội hiện nay, thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng chính ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của mỗi địa phương. Trong những năm gần đây, thấm thía lời dạy của Bác, bên cạnh việc tổ chức, tham gia các hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, các cấp bộ Đoàn thanh niên trong toàn huyện đã tích cực vận động thanh niên ứng dụng tiến bộ KH- KT vào trong sản  xuất…Đến nay, đã có nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, nhiều điển hình thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng được biểu dương.

 

Điển hình như thanh niên Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1987 ở thôn Trong, xã Hồng Giang nhờ áp dụng kiến thức chăm sóc cây trồng cũng như vận dụng hiệu quả vốn vay NHCSXH huyện mạnh dạn trồng vườn cây ăn quả cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

 

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, thanh niên Nguyễn Văn Đức luôn tìm hướng đi riêng cho bảnthân. Sau khi tốt nghiệp THPT anh ra Hà Nội học Trung cấp nghề xây dựng với mong muốn cóp nhặt được chút kiến thức rồi về quê xin đi làm nhà nước. Tuy nhiên, năm 2012, sau khi tốt nghiệp tôi trở về quê, nhận thấy kinh tế gia đình còn khó khăn mà vườn nhà bỏ không nên Đức quyết định ở nhà giúp bố mẹ phát triển kinh tế.

 

Vừa tốt nghiệp, hai bàn tay trắng, chàng trai trẻ suy nghĩ về cách làm giàu. Nếu cứ bám lấy cây lúa thì khó mà phất lên được nên anh đã bàn với gia đình và quyết định trồng cây ăn quả. “Đang loay hoay với bài toán khó kinh tế thì có lần tình cờ mình xem trên tivi nói về mô hình trồng cam lòng vàng, cam ngọt mình thấy quả màu vàng cam rất đẹp, sai trĩu và được nhiều người tìm mua để bày mâm ngũ quả trong các dịp Tết. Ban đầu Đức cũng hơi băn khoăn khi chọn giống cam này, vì trong gia đình mình xưa nay chỉ trồng lúa, không có chút kiến thức nào về cây ăn quả.

 

Sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm từ những hộ trồng cam lân cân, năm 2013 anh Đức mạnh dạn vay 200 triệu từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để chuyển đổi từ 1 mẫu lúa sang trồng 600 cây cam lòng vàng. Bởi đất cạn màu nên anh phải mua thêm đất phù sa nên chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Năm đầu trồng vài trăm gốc cam sau đó thấy cây khá hợp khí hậu và thổ nhưỡng anh mới mở rộng trồng thêm. Đến nay, sau 2 năm bắt quả, trừ hết tri phí mỗi vụ thanh niên Nguyễn Văn Đức cũng thu 120 triệu đồng.

 

Có thể nói địa bàn xã Hồng Giang nói riêng và huyện Lục Ngạn nói chung xuất hiện rất nhiều những mô hình trồng cam như gia đình Nguyễn Văn Đức cho thu nhập cao. Việc khuyến khích các hộ cũng như đoàn viên thanh niên làm giàu, nhân rộng các mô hình trên địa bàn đặc biệt được Ban chấp hành đoàn xã chú trọng quan tâm. Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Đức đại diện cho bộ phận thanh niên nông thôn đã mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn thử thách trước mắt để có được những trái cam ngọt trên chính mảnh đất quê hương mình. Với ý chí, quyết tâm của anh Đức sẽ là nguồn cảm hứng cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn học tập và làm theo        

Chia tay vườn cam trĩu chịt của anh Đức, chúng tôi có dịp đến thăm và tìm hiểu cách làm sáng tạo của thanh niên Kiểu Văn Thuyết ở thôn Kép 3 thu tiền trăm triệu mỗi năm nhờ thâm canh 5 loại cây ẳn quả khác nhau trên cùng mảnh vườn, như: bưởi ngọt, cam lòng vàng, cam ngọt, ổi Đài Loan và vải thiều

Là anh cả trong một gia đình có 2 anh em trai, tốt nghiệp THPT, năm 2008 thanh niên Thuyết xung phong tham gia nghĩa vụ quân sự. Anh mang trong mình hoài bão lớn, sau khi ra quân, có thời gian Thuyết đi học một số nghề đồng thời tham gia công tác xã hội nhưng nhận thấy không gì thực tế bằng làm kinh tế tại gia nên năm 2013, anh trở về tập trung làm kinh tế cùng với gia đình.

Trước đây, trên diện tích 4 mẫu đất, gia đình Thuyết chủ yếu trồng số ít vải thiều và bưởi ngọt, đất thì rộng mà cây cối thì thưa, hiệu quả kinh tế mỗi năm không cao do thiếu vốn đầu tư và kiến thức sản xuất. Nhìn ra khúc mắc, Thuyết thuyết phục bố mẹ vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện số tiền 20 triệu mua thêm đất và quyết định thử nghiệm một số loại giống cây trồng mới như: cam ngọt, cam lòng vàng và ổi Đài Loan trồng xen canh. Hiệu quả rõ rệt, tiền lãi thu được sau mỗi năm Thuyết lại đầu tư mua thêm giống mới, giống cũ thoái hóa thì loại bỏ và được trồng thay thế. Cứ như thế, sau mỗi năm, số cây trồng nhà Thuyết cứ tăng dần và thu nhập cũng từ đó mà nhân lên.“Vườn nhà mình rộng, đằng nào mình cũng ở nhà làm thì tiện công chăm sóc một thể nên trồng nhiều loại cây, để mùa nào cũng có thứ mà thu hoạch” Thuyết hài hước nói

Đến thời điểm hiện tại, 1 mẫu bưởi ngọt nhà Thuyết đang vào kỳ cho thu hoạch, ước tính năm nay gia đình anh thu khoảng 5.000 quả, thương lái ở Hà Nội đến tận vườn để thu mua với giá xô là 25.000 đồng/quả. Như vậy, chỉ tính riêng cây bưởi trừ chi phí gia đình Thuyết cũng thu lãi 120 triệu đồng từ cây ăn quả.

 

Mẻ cá đầu tiên trong ngày của thanh niên Lê Văn Thanh, thôn Trại Giữa – Thanh Hải

 

Vừa là một nông dân 8x tiêu biểu lại vừa giữ vai trò là một Bí thư Chi đoàn năng nổ. Thời gian tới, Thuyết cùng BCH đoàn thanh niên xã sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động đến các hộ thanh niên được làm chủ gia đình, đặc biệt là thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang, góp phần tạo ra sản phẩm cung ứng cho thị trường, nâng cao thu nhập.

Cùng với các mô hình phát triển kinh tế cây ăn quả, nhắc đến “Vua cá Lăng” của Lục Ngạn không ai không biết đến ông chủ trang trại- Bí thư chi đoàn thôn Trại Giữa Lê Văn Thanh, xã Thanh Hải. Từ năm 2016 đến nay, vào mỗi vụ cá, trừ hết chi phí anh Thanh cũng bỏ túi trên 300 triệu đồng.

Quả không ngoa với danh xưng mĩ miễu mà nhân dân trong làng vẫn thường gọi, đến thăm trang trại vườn cam- ao cá rộng 15ha của “vua cá Lăng” Lê Văn Thanh vào một buổi sáng cuối năm. Anh Thanh đang thả lưới vớt mẻ cá đầu tiên trong ngày. Bàn tay thoăn thoắt gỡ lưới, trò chuyện cùng anh được biết trước đó anh Thanh gặp không ít khó khăn, không dưng mà anh có được cơ ngơi như ngày hôm nay.

Học xong THPT, anh Thanh có đi học và làm nghề sửa xe máy. Sau 6 năm bươn chải làm thuê với thu nhập hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Thiết nghĩ, không có địa điểm mở cửa hàng mà cứ làm thuê mãi thì không ổn định. Đến năm 2007 anh quyết định bỏ nghề, về làng làm kinh tế. Cầm trong tay 150 triệu, anh vay thêm ngân hàng CSXH huyện 20 triệu thầu lại hồ của HTX Thanh niên đồng thời mua giống. Với 6ha diện tích hồ đập anh Thanh chủ yếu thả 2 loại cá Lăng và trắm đen. Năm nay, sau khi thu hoạch trên 50 triệu tiền cam, trên 200 triệu tiền cá, gia đình anh cũng bỏ túi xấp xỉ 300 triệu từ trang trại

Có được những kết quả như vậy, hàng năm, BTV Huyện đoàn Lục Ngạn thường xuyên phối hợp với Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên của tỉnh Bắc Giang, Trung tâm hỗ trợ phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ các việc làm của Trung ương đoàn, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trạm khuyến nông huyện mở 38 lớp chuyển giao KH- KT, dạy nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ cây con giống, thức ăn, phân bón cho đoàn viên thanh niên. Qua đó, trong năm 2017, Huyện đoàn đã xây dựng mới 36 mô hình thanh niên phát triển kinh tế đặc biệt là thanh niên trồng keo, lát, mít thái siêu sớm, cam vinh, bưởi diễn, nuôi gà mía, gà đông tảo, cá rô phi đơn tính. Đối với Đoàn thanh niên các xã thị trấn, BTV Huyện đoàn thường xuyên chỉ đạo phát triển thanh niên làm kinh tế giỏi và thông qua đó đã giúp đỡ được 72 mô hình thanh niên phát triển kinh tế, tiêu biểu cho phong trào này là đoàn thanh niên các xã: Hổng Giang, Thanh Hải, Mỹ An, Tân Sơn, Hộ Đáp…Từ đó tạo sự lan tỏa mạnh mẽ thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế sôi nổi trong thanh niên, xây dựng những mô hình kinh tế mới hiệu quả, đóng góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội của địa phương.

Xác định nhiệm vụ thanh niên làm kinh tế giỏi là hoạt động hết sức có ý nghĩa và thiết thực thu hút đoàn viên thanh niên đặc biệt là thanh niên nông thôn. Năm 2018, BTV Huyện đoàn vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh niên về vốn vay ưu đãi, KH- KT, phân bón, cây con giống…để mỗi thanh niên có thể phát triển các mô hình phù hợp với sở thích cũng như điều kiện gia đình. Đồng thời, có những giải pháp phát triển và nhân rộng của các CLB thanh niên làm vườn, CLB thanh niên làm kinh tế giỏi để thu hút thanh niên được đông đảo hơn.

Cùng đó: Hàng năm, Huyện đoàn thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giáo tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp cho đối tượng là đoàn viên thanh niên. Tại các buổi tập huấn, với sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật đến từ các ngành, các học viên đã được tiếp cận và học tập được nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực qua các chuyên đề: kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch vải thiều theo tiêu chuẩn Vietgap, GlobalGap…

Có thể nói, những Thanh niên tiêu biểu đại diện cho Tuổi trẻ Lục Ngạn đang đang tổng tiến công vào KH- KT, xung kích phát triển kinh tế - xã hội. Bằng trí tuệ và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, lớp lớp thanh niên đã và đang quyết tâm làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh./.

 

Phương Thảo

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.