Sôi động thị trường Tết ông Công ông Táo

Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, thị trường phục vụ ngày Tết ông Công, ông Táo trên địa bàn huyện Lục Ngạn lại sôi động.

 

Cá chép sống có giá từ 7 đến 50 nghìn đồng/1 con tùy loại

 

Năm nay, các mặt hàng đồ cúng, ông Công, ông Táo được đánh giá là đẹp hơn, đa dạng hơn trong khi mức giá gần như không thay đổi so với năm trước. Tại khu vực chợ Chũ, các mặt hàng phục vụ Tết ông Công, ông Táo được bày bán rất nhiều, chủ yếu là đồ vàng mã truyền thống như: bộ táo quân, thần linh, quần áo, mũ, hài, cá chép giấy, tiền, vàng, hương, nến...

Bà Trần Thị Nhàn, ở khu Lê Duẩn, thị trấn Chũ, kinh doanh vàng mã tại chợ Chũ hơn chục năm nay cho biết, từ rằm tháng Chạp, người dân đã đi mua sắm đồ cúng cho ngày Tết ông Công, ông Táo và đêm giao thừa. Giá cả năm nay cũng chỉ tương đương năm ngoái. Một bộ đầy đủ gồm quần áo, tiền vàng, giấy... được bán giá từ 20 nghìn đồng.

Cá chép sống là vật phẩm không thể thiếu trong đồ lễ cúng ông Công, ông Táo được nhiều người dân mua để phóng sinh sau khi cúng. Theo chị Phương Anh, tiểu thương bán cá tại chợ Chũ, lượng cá năm nay ít hơn và đắt hơn so với năm ngoái do ao hồ bị san lấp nhiều. Muốn có hàng để bán vào ngày 23 tháng Chạp, các tiểu thương phải đặc trước các nhà cung cấp khoảng nửa tháng. Giá cả phụ thuộc vào từng loại cá to hay nhỏ có mức giao động từ 7 đến 50 nghìn đồng/1con.

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo. Phong tục của người Việt, ngày 23 tháng chạp, nhà nào cũng tiễn ông Táo lên chầu trời. Người ta coi đây là ngày "vua bếp" lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua.

 

Các điểm bán cá chép luôn có đông khách hành đến mua

 

Để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc thường còn cúng 3 con cá chép còn sống thả trong chậu nước, sau đó "phóng sinh" ra ao, hồ hay ra sông sau khi cúng. Ở miền Trung, người dân cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ. Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu, xào...) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...) để tiễn Táo Quân.

Ai cũng hối hả, lựa chọn cho mình những món đồ cần thiết. Với người dân, việc cúng ông Công ông Táo vừa muốn thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên và cũng là mong muốn tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời một cách bình an, báo cáo những việc đã và chưa làm được trong năm qua để sang một năm mới Mậu Tuất họ lại tiếp tục phấn đấu, mong muốn một cuộc sống thuận hòa, êm ấm, hạnh phúc đủ đầy./.

 

Quang Huấn- Phương Thảo

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.