Chủ động gác rừng để phòng chống “ giặc lửa”

Với địa hình chủ yếu là đồi núi, huyện Lục Ngạn có trên 45 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 43,8% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 19/30 xã, thị trấn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng xảy ra vào thời điểm mùa khô hanh hiện nay. Xác định công tác công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cấp ủy, chính quyền huyện Lục Ngạn đã tập trung chỉ đạo các địa phương và chủ rừng nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực “gác rừng”kịp thời thực hiện biện pháp PCCCR.

 

Người dân chủ động làm sạch thực bì trên diện tích rừng trồng

 

Tập trung, đẩy mạnh công tác tuyên truyền

 

Huyện Lục Ngạn hiện có trên 45,263ha rừng và  đất lâm nghiệp, trong đó có 12.579ha là rừng tự nhiên, 21.651ha rừng trồng được phân bố ở 26/30 xã, thị trấn. Bằng kinh nghiệm thực tế, huyện đã xác định rõ những vùng trọng điểm thường xảy ra cháy rừng. Từ đó chỉ đạo các đơn vị chủ rừng và xã chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ngay từ đầu năm và tập trung thực hiện biện pháp phòng chống cháy rừng hiệu quả.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, Lục Ngạn đã chủ động triển khai công tác PCCCR từ rất sớm. Năm 2016 - 2017, huyện đã củng cố, kiện toàn được 31 Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (BVR & PCCCR) với 522 thành viên; 164 tổ, đội với 1.752 thành viên ở thôn, xóm có rừng trọng điểm. Tại mỗi Tổ, đội, Trạm được bố trí từ 2 đến 3 thành viên thường xuyên túc trực, tuần tra 24/24 giờ, khi phát hiện đám cháy nhỏ thì huy động lực lượng tại chỗ tiến hành dập tắt.

 

Lãnh đạo Công ty NTHH một thành viên lâm nghiệp Lục Ngạn kiểm tra rừng

 

Huyện cũng xem xét cân đối nguồn ngân sách hợp lý để mua sắm các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho công tác PCCR cho Hạt kiểm lâm và các Trạm Kiểm lâm địa bàn; chỉ đạo tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng PCCR cho cán bộ và người dân trên địa bàn; xây dựng phương án, kế hoạch BVR&PCCCR sát với tình hình thực tế và được triển khai đến các thôn, bản, chủ rừng thực hiện. Cùng với đó, tập trung, đẩy mạnh công tác tuyên truyền BVR & PCCCR tới từng người dân.

Ông Phạm Văn Cường - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lục Ngạn cho biết, xác định người dân là lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ và phát triển rừng nhưng cũng là tác nhân chính gây ra tình trạng cháy rừng. Ngay từ đầu mùa khô năm 2016  -2017, Hạt kiểm lâm huyện, cùng với chính quyền xã thường xuyên cử cán bộ xuống bám, nắm địa bàn hướng dẫn, tuyên truyền ký cam kết tới tận các hộ gia đình, khuyến cáo nhân dân về nguy cơ cháy rừng trong mùa hanh khô để người dân chấp hành nghiêm túc những quy định. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phucjvuj cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tích cực củng cố đường băng cản lửa, thu gom thực bì, nguyên liệu dễ cháy trước mùa khô. Kiện toàn Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng ở tất cả các xã có rừng và 6 chủ rừng lớn, với tổng số trên 500 thành viên.

Cùng với đó, Ban chỉ huy cũng tổ chức 31 hội nghị tuyên truyền, tập huấn PCCCR trên địa bàn cho hơn 1.230 lượt người tham dự, trong đó Hạt kiểm lâm huyện đã chủ động và lồng ghép nội dung tuyên truyền với Ban Dân tộc tỉnh, Phòng dân tộc huyện mở 7 hội nghị thu hút 600 lượt người tới tham dự. “Được tuyên truyền về các nội dung PCCCR người dân đã nâng cao ý thức trách nhiệm với việc bảo vệ rừng, coi rừng là tài sản quý”. Ông Cường, nói.

Mặc dù trong năm, trên địa bàn huyện xảy ra 3 vụ cháy trên đất rừng trồng tại xã Nam Dương, Tân Mộc, Đèo Gia với diện tích 3,5ha. Song, với sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện nên các vụ cháy được xử lý kịp thời, không gây ra thiệt hại lớn về rừng.

 

Gắn trách nhiệm và quyền lợi của người dân với rừng

 

Trong các phương án mà huyện Lục Ngạn đề ra, ngoài công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ rừng thì việc gắn trách nhiệm của cấp ủy chính quyền và người dân trong bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng được huyện Lục Ngạn coi trọng và người dân là lực lượng chính tham gia bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, Hạt kiểm lâm huyện, các đơn vị chức năng như: Ban Quản Lý rừng phòng hộ đầu nguồn Cấm Sơn và các chủ rừng đã chủ động giao khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cho các hộ gia đình tại địa phương, từ đó gắn trách nhiệm của người dân đối với công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Bởi bảo vệ rừng chính là bảo vệ tài sản của chính họ.

Năm 2005, ông Lăng Văn Lọi, dân tộc Nùng, (thôn Cổ Vài, xã Sơn Hải) được nhận giao khoán trồng và bảo vệ 2,7ha rừng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lục Ngạn. Trong 3 năm đầu tiên, theo chu kỳ sản xuất, ông Lọi được Công ty trả 16 triệu đồng/1ha rừng, từ năm thứ 4 trở đi, mỗi năm nhận 200.000 đồng /1ha tiền nhận khoán bảo vệ.

 

Cán bộ Trạm bảo vệ rừng Sơn Hải (Ban quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn) tuần tra chỉ đạo phòng chống cháy rừng khu vực lòng hồ Cấm Sơn

Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng nhận thấy rõ được trách nhiệm của bản thân trong công tác BVR & PCCCR, hằng năm, ông Lăng Văn Lọi luôn là người đi tiên phong trong công tác chăm sóc,bảo vệ rừng. Bởi theo ông thì bảo vệ rừng chính là bảo vệ tài sản của chính gia đình. Ông thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cán bộ của Đội sản xuất rừng xã Sơn Hải tổ chức tuần tra và vệ sinh rừng, đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng và mua khô hanh như hiện nay. “Được các cán bộ của công ty đến tận thôn để tuyên truyền về việc BVR & PCCCR, cũng như lợi ích về rừng do đó người dân chúng tôi luôn có ý thức bảo vệ rừng, coi rừng như một phần tài sản của gia đình mình. Khi phát hiện những nguy cơ cháy rừng hay sự xâm hại rừng chúng tôi đều kịp thời báo cáo với chính quyền địa phương và đơn vị để có biện pháp xử lý”- ông Lọi chia sẻ.

Cũng như ông Lọi, những ngày này, ông Nông Văn Dưa và những thành viên Tổ bảo vệ rừng thôn Đấp, xã Sơn Hải đã thường xuyên cắt cử thành viên phối hợp với Trạm bảo vệ rừng Sơn Hải đi tuần tra, kiểm tra các diện tích rừng phòng hộ trong lòng hồ Cấm Sơn. Những nơi nào, điểm nào có nguy cơ cháy cao, ông kịp thời cảnh báo với người dân cảnh giác trong quá trình đi rừng và báo cáo với Trạm để có biện pháp xử lý. Không những vậy, mỗi lần đi tuần tra, các thành viên còn tuyên truyền tới người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không phát nương, làm rãy, không đốt lửa sưởi ấm trong rừng gây cháy rừng.

Theo ông Dưa: Rừng phòng hộ có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ môi trường, chống xói mòn, điều hòa khí hậu cho lòng hồ Cấm Sơn, hạn chế thiên tai. Hiểu rõ được tầm quan trọng của những cánh rừng phòng hộ nên những năm qua, những thành viên của tổ bảo vệ rừng thôn Đấp, xã Sơn Hải luôn bám đất, bám rừng, tăng cường tuần tra bảo vệ an toàn diện tích trên 200 ha rừng phòng hộ trên địa bàn.

Xã Sơn Hải có trên 900ha rừng tự nhiên do Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Cấm Sơn quản lý, bảo vệ. Để đảm bảo an toàn cho diện tích rừng phòng hộ, Ban quản lý đã thành lập 3 Tổ bảo vệ cộng đồng tại 3 thôn Tam Chẽ, Đấp và thôn Đồng Mậm, nòng cốt của các tổ là trưởng các ban ngành đoàn thể và một số hộ dân có uy tín trong thôn. Đây cũng là các thành viên của tổ phòng cháy, chữa cháy rừng. Do phần lớn diện tích rừng bám ven hồ và giáp ranh với huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn và một số xã lòng hồ nên giao thông đi lại gặp khó khăn, công tác bảo vệ rừng khá phức tạp. Tuy nhiên các thành viên trong tổ luôn gắn trách nhiệm với rừng, thường xuyên phổi hợp với cán bộ Trạm bảo vệ rừng Sơn Hải tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng phá, đốt rừng; những hành vi xâm hại hoặc nguy cơ cháy rừng đều được Tổ tuyên truyền và xử lý kịp thời.

Ông: Nguyễn Văn Canh, Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Cấm Sơn cho biết: Hiện nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn quản lý trên 10 nghìn ha rừng phòng hộ trên địa bàn 7 xã của huyện Lục Ngạn là Cấm Sơn, Tân Sơn, Phong Vân, Phong Minh, Sa Lý và xã Sơn Hải. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên gần 6 nghìn 600ha. Phần lớn diện tích rừng tự nhiên nằm rải rác tại những địa bàn giáp ranh. Xác định công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, do vậy, hàng năm Ban quản lý đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên, nâng cao ý thức phòng chống cháy rừng cho người dân. Riêng năm 2017, đơn vị đã tổ chức 13 cuộc tập huấn, tuyên truyền phòng chống cháy rừng, cho trên 600 lượt người dân tham gia. Đồng thời đầu tư trên 100 triệu đồng làm mới gần 9km đường băng cản lửa tại khu vực xã Tân Sơn, nơi có nguy cơ cháy rừng cao. Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng đã kiện toàn và duy trì hoạt động của 11 Tổ bảo vệ rừng tại địa bàn dân cư và đây cũng là lực lượng nòng cốt tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng tại chỗ. Do vậy, trên diện tích rừng phòng hộ do đơn vị quản lý, bảo vệ nhiều năm không để xảy ra cháy rừng.  

Huyện Lục Ngạn hiện có trên 45 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao được xác định tại 19 xã. Chính vì vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được huyện chú trọng; UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng như Hạt kiểm lâm và các chủ rừng luôn đề cao cảnh giác, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường lực lượng, phân công rõ trách nhiệm, thực hiện chốt, trực tại các Tổ, Trạm; trong đó phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của nhân dân và coi đây là lực lượng nồng cốt tham gia bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng...

                                                                                                             Vũ Đoàn - Nguyễn Hoàng

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.