Gặp người phụ nữ sán chí hiến gần 1ha đất làm đường giao thông

 

Với suy nghĩ, mình hiến một ít đất để cho con đường to, đẹp mọi người đi lại dễ dàng, năm 2012, bà Ninh Thị Thành, sinh năm 1960, ở bản Hố Bông, xã Kiên Lao đã tự nguyện hiến 0,8 ha đất lâm nghiệp của gia đình ngay dưới chân Đèo Cóc cho Nhà nước làm đường giao thông mà không suy tính thiệt hơn. Và rồi câu chuyện về người phụ nữ dân tộc Sán Chí có tấm lòng nhân văn ấy giờ đây vẫn được mọi người kể như một tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ở xã Kiên Lao, hẳn ai cũng nghe và biết đến bà Ninh Thị Thành, người  phụ nữ dân tộc Sán Chí, ở bản Hố Bông - một bản đồng bào dân tộc nằm xa nhất của xã Kiên Lao. Bởi không hẳn bà có gia cảnh khó khăn mà bởi bà đã làm một việc xưa nay hiếm ở nơi heo hút này là tự nguyện cắt đi gần 1ha đất rừng của gia đình mình hiến tặng cho nhà nước làm đường mà không một chút do dự. Ban đầu ý định của bà bị coi là gàn dở, bởi ở một thôn khó khăn như Hố Bông thì vật lộn với cuộc sống thường ngày đã là khó khăn, nhọc nhằn chứ đâu ai còn nghĩ đến chuyện hiến đất (tài sản quý giá) của mình để cho phúc lợi xã hội. Mọi người trong thôn ai nấy đều ái ngại, bởi gia đình bà thuộc diện cận nghèo, chồng mất sớm, một mình bà làm nụng nuôi 5 người con nhưng thật lạ các con của bà lại rất ủng hộ việc làm của mẹ mình.

                                                             

          Bà Ninh Thị Thành người hiến 0,8ha đất làm đường dưới chân đèo cốc

 

Không chỉ ủng hộ mẹ, các con bà Thành còn hăng hái chặt gần 700 cây Keo từ 2 đến 4 năm tuổi và phá bỏ vườn tre măng Bát Độ để địa phương giải phóng mặt bằng trên diện tích 0,8ha ngay dưới chân Đèo Cóc. Không chỉ hiến đất, bà Thành còn ủng hộ cây, que cho đơn vị thi công dựng lán chỉ huy công trường và tạo điều kiện diện tích mặt bằng san lấp làm nơi tập kết vật liệu. Trong suy nghĩ của mình, bà chưa  một lần đòi hỏi sự đền bù mà chỉ mong muốn giản dị: ủng hộ một phần tài sản của gia đình để có con đường to đẹp, để mọi người đi lại đỡ vất vả.

Xã Kiên Lao có trên 40% là hộ nghèo, thì trong đó gia đình bà Thành thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Đối với một hộ khó khăn và đông khẩu như bà Thành thì 1 thước đất sản xuất đã là quý chứ đừng nói đến gần 1ha đất như vậy là cả một tài sản lớn rồi. Nhưng bà Thành không nghĩ vậy.

Có thể nói, Dự án làm đường về trung tâm các xã miền núi được triển khai trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã đón nhận được sự đồng thuận lớn của đông đảo tầng lớp nhân dân trong huyện nói chung và người dân xã Kiên Lao nói riêng. Với tổng chiều dài tuyến đường khoảng gần 10km, chạy qua 5 thôn Cống, Ao Keo, Nóng, Họ và thôn Hố Bông đến đỉnh Đèo Cóc, ráp ranh với huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Dù không có vốn hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chính quyền xã Kiên Lao đã tuyên truyền, vận động trên 200 hộ dân hiến trên 51 nghìn 300m2 đất và hơn 600 công trình và cây các loại để giải phóng mặt bằng.

Có thể nói, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đang diễn ra ở huyện miền núi Lục Ngạn đã dần thu được kết quả nhất định. Bên cạnh những mô hình sản xuất mới thì những tấm gương như bà Thành và hàng nghìn hộ dân khác trong huyện dám hy sinh lợi ích của cá nhân vì lợi ích của cộng đồng đã tạo nên sức bật cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

 

Vũ Đoàn

 

 

Các tin khác

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.