Đồng chí Lê Ánh Dương làm việc tại Lục Ngạn

Ngày 29- 8, đồng chí Lê Ánh Dương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có buổi làm việc với UBND huyện Lục Ngạn về triển khai thực hiện công tác giáo dục và dạy nghề 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ và các giải pháp các tháng cuối năm 2016. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Lao động TB&XH; tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Trương Văn Năm- Phó Chủ tịch UBND huyện.
Đồng chí Lê Ánh Dương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với huyện Lục Ngạn.

Những năm qua được sự quan tâm của các cấp ngành Trung ương, của tỉnh và sự cố gắng của Huyện ủy, UBND huyện, cơ sở vật chất trường lớp học trên địa bàn huyện ngày càng khang trang. Đến nay toàn huyện có 1.260/1.575 phòng học kiên cố chiếm 80%; 90/101 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 89,1%. Về công tác dạy nghề, từ đầu năm đến nay huyện đã chỉ đạo mở được 3 lớp đào tạo nghề gồm may công nghiệp và sửa chữa máy nông nghiệp ở các xã Biên Sơn, Tân Mộc, Trù Hựu.... 

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch UBND huyện phát biểu làm rõ một số vấn đề với đoàn công tác.

Tại buổi làm việc, các sở ngành của tỉnh, UBND huyện đã tập trung thảo luận, đi sâu phân tích những hạn chế trong công tác giáo dục và dạy nghề của huyện thời gian qua. Mặc dù Lục Ngạn có đội ngũ giáo viên đông nhưng cơ cấu chưa cân đối; tỷ lệ phòng học chưa được kiên cố hóa tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao, khó khăn; các trường THPT trên địa bàn đang ở trong tình trạng quá tải; chất lượng giáo dục mũi nhọn vẫn còn ở mức khiêm tốn; sự chênh lệch giữa chất lượng giáo dục vùng cao và vùng thấp còn quá lớn; số lượng học sinh học nghề còn ít...

Đồng chí Vi Thị Anh Thùy- Phó trưởng Phòng GD&ĐT phát biểu thảo luận tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Ánh Dương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo huyện Lục Ngạn tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên đoàn công tác. Đồng thời yêu cầu huyện khắc phục những khó khăn, hạn chế, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề; đầu tư nhiều hơn nữa cho dạy nghề. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng gợi mở một số giải pháp huyện cần thực hiện, đó là phải rà soát lại đội ngũ giáo viên để bố trí cân đối giữa các vùng, miền; tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán, kịp thời động viên khen thưởng những giáo viên dạy đội tuyển; ưu tiên bố trí sắp xếp giáo viên người địa phương công tác ở địa phương. Về khắc phục tình trạng biến động giáo viên, huyện nên bố trí giáo viên miền xuôi lên công tác sau ít nhất 5 năm mới được chuyển sang huyện khác, đồng thời khống chế lượng giáo viên chuyển khỏi huyện không quá 1%. 

Các đại biểu đi thị sát điểm trường Suối Am- thôn Khuôn Kén xã Tân Sơn.

Đối với việc xây dựng cơ sở vật chất, huyện phải quan tâm giải quyết số phòng học tạm, học nhờ. Rà soát để giảm bớt phòng học cắm bản, phấn đấu đến năm 2020 không còn phòng học cắm bản trong cấp tiểu học. Huyện cũng nên sớm có giải pháp từng bước tăng tỷ lệ học sinh ở nội trú, ăn bán trú; tạo điều kiện thu hút thêm trường mầm non tư thục ở thị trấn; quan tâm phòng tránh thương tích cho học sinh; có giải pháp đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các trường học. Có những giải pháp phù hợp đào tạo nghề cho các cháu đã tốt nghiệp THCS, THPT nhằm hạn chế tình trạng xuất cảnh trái phép. Về những kiến nghị đề xuất của huyện, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các sở ngành xem xét tạo điều kiện giúp đỡ.Trước đó đồng chí Lê Ánh Dương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến khảo sát tại điểm trường Suối Am- thôn Khuôn Kén xã Tân Sơn. Đây là điểm trường dành cho 33 học sinh bậc Mầm non và Tiểu học Suối Am học tập. Tuy nhiên do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây mưa lớn sạt lở đất làm phòng học mầm non bị hư hỏng. Tại đây đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND xã Tân Sơn và huyện Lục Ngạn lựa chọn địa điểm phù hợp để xây dựng lại điểm trường dành cho bậc học Mầm non. Trước mắt phải di chuyển toàn bộ học sinh nơi đây ra khu lẻ thôn Khuôn Kén học tập trước ngày khai giảng năm học mới./.

 
Quang Huấn
 
 
 

Chuyên mục: 

Các tin khác

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.