HƯỚNG DẪN Chăm sóc một số loại cây trồng, vật nuôi

 HƯỚNG DẪN Chăm sóc một số loại cây trồng, vật nuôi
 
(Giai đoạn từ ngày 15 tháng 8 đến ngày 15 tháng 9 năm 2016)
 
 
I. TÌNH HÌNH THỜI TIẾT
   Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn trung ương: Là tháng chính mùa mưa bão nên những cơn bão và áp thấp nhiệt đới cùng với sự kết hợp của dải hội nhiệt đới và rãnh thấp tạo lên những trận mưa lớn kéo dài xảy ra trên diện rộng. Nhiệt độ trung bình dao động từ 26,5-27,50C, tổng lượng mưa lớn từ 300- 400mm, độ ẩm trung bình từ 80-85%.  
 
II. HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC CÂY TRỒNG
1. Cây hàng năm
1.1 Cây lúa
Trà cấy sớm: Lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, khuyến cáo nhân dân khi cây đẻ nhánh nên tháo bớt nước để thuận lợi cho chăm sóc và tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh tập trung, đạt dảnh hữu hiệu cao. Khi lúa đã đẻ đủ số nhánh (trung bình được khoảng 7-8 nhánh/khóm với lúa thuần, 10-11 nhánh/khóm với lúa lai) tiến hành đưa nước ngập sâu trở lại ruộng để nuôi dưỡng những nhánh đã đẻ và khống chế lúa đẻ nhánh lai rai;
Trà cấy tái giá: Đang tiếp tục cấy, khuyến cáo gieo cấy xong trước 25/8. Sau cấy 5-7 ngày, khi cây bén rễ hồi xanh cần tiến hành làm cỏ sục bùn và bón thúc lần 1 , 10-15 ngày sau bón thúc lần 1 tiến hành bón thúc lần 2;
Trà sớm chú ý các đối tượng sâu hại như: cuốn lá nhỏ, tập đoàn rầy... Trà cấy muộn cần diệt trừ ốc bươu vàng khi mật độ ốc > 2con/m2 bằng một trong các loại thuốc: Ticktack 12,2BR, Cldan Supper 700WP, Bayluscide 250EC... 
1.2  Cây lạc thu
Đã mọc được 2-4 lá,  khuyến cáo nhân dân tiến hành xới phá váng (xới nhẹ) kết hợp làm cỏ và bón thúc lần 1 cho cây;
Giai đoạn này cần chú ý các đối tượng sâu hại như: sâu xám, sâu khoang... Bắt diệt bằng thủ công khi mật độ thấp, khi mật độ cao dùng thuốc: Padan 95SP, Sherpa 25 EC, Ofatox 40EC... 
1.3 Cây cà chua
* Đối với cà chua sớm (trồng đến 15/9): Chọn đất trồng là đất thịt nhẹ, đất đã qua luân phiên với các loại cây trồng khác họ, xử lý bằng rắc vôi, lên luống cao tránh úng, chọn các giống tốt có độ thích nghi, năng suất cao, phẩm chất tốt như: savior, VL3500, Tre việt HT 140... cây con nên ươm bầu trước khi trồng.                 Cây mới trồng lên chú ý phun phòng trừ bệnh lở cổ rễ bằng một trong các loại thuốc trừ nấm như: Validacin 3SL, Alvil 5SC... 
 
2. Cây ăn quả
2.1 Cây vải
Cây vải đang trong giai đoạn phát triển hoàn thiện các đợt lộc, khuyến cáo nhân dân thường xuyên thăm vườn, bón phân thúc lộc, phun phòng trừ các đối tượng sâu gây hại lộc như: sâu cuốn lá, sâu róm, bọ xít, sâu đo...bằng các loại thuốc: Sixtoc 700EC, Riglle 50SC, Tasieu 1.9EC, hoạt chất Abamectin nước trong...
2.2 Cây nhãn
Trà nhãn chín muộn đang giai đoạn chuyển hóa đường. Để tăng cường chất lượng quả khuyến cáo nhân dân bón bổ sung phân kali cho cây, tưới nước khi thời tiết nắng hạn, chống néo các cành thấp không để quả chạm đất, bọc túi nilon quanh gốc cao từ 80-100cm để chống chuột gây hại; Trà nhãn chín sớm đang thu hoạch, đối với những vườn đã thu hái xong cần cắt tỉa cành, tạo tán, dọn sạch vườn kết hợp bón phân và phòng trừ các đối tượng sâu gây hại lộc.
2.3 Cây có múi (cây Cam canh, cây Bưởi, cam Vinh)
* Đối với cây mang quả: Theo dõi sự phát triển của quả trên cây để có các biện pháp chăm sóc như tưới nước giữ độ ẩm khi thời tiết nắng hạn, kết hợp bón phân cho cây, lựa chọn các loại phân bón tổng hợp NPK (Lâm Thao, Việt Nhật...) chứa hàm lượng Lân (P) và Kali (K) nhiều, hàm lượng Đạm (N) thấp, phun bổ sung các vi lượng qua các loại phân bón lá Botrac, HVP... cùng những lần phun thuốc trừ sâu; Chống níu quả đối với những cây sai quả;
* Đối với cây không mang quả: Chăm sóc các đợt lộc, tưới nước kết hợp bón phân và phun thuốc phòng trừ các đối tượng sâu bệnh như: sâu vẽ bùa, rầy mềm, bọ trĩ, nhện đỏ, bệnh loét sẹo... bằng các loại thuốc: Supracide 40EC, Sokupi 3.6AS, Pegasus 500SC, các loại thuốc gốc đồng ...;
Giai đoạn thời tiết nắng mưa xen kẽ, độ ẩm cao thường xuất hiện bệnh chảy nhựa: 
Biểu hiện của bệnh chảy nhựa: Xuất hiện ở gốc, cổ rễ hoặc gần vết ghép, làm vỏ và tầng sinh gỗ bị thối chảy nhiều nhựa, sau đó vỏ nứt dọc, chính vỏ lộ ra những mảng gỗ màu nâu, trên lá chảy nhựa có màu nâu đen và có mùi hôi. Trên quả đầu tiên xuất hiện những vết có màu nâu tối, sau đó lan rộng bên ngoài vỏ và bên trong quả làm quả bị rụng, thời tiết ẩm xuất hiện một lớp màu trắng trên vết thối; 
Phòng trừ: Không trồng cây quá sâu, tránh gây vết thương trên gốc rễ lúc làm cỏ, vệ sinh vườn cây; Dùng dao cạo phần vỏ cây bị bệnh, dùng thuốc Ridomil Gold 68WG hoặc Aliette 800WG pha với liều lượng 20g/lít nước, sau đó quét nước thuốc lên phần vỏ đã cạo(quét 2 lần/ngày) đến khi vết bệnh khô hẳn.
2.4 Cây táo
Giống táo Đào vàng, táo Xuân đang ra hoa, giống táo Đài Loan đang phát triển hoàn thiện thân cành chuẩn bị ra hoa, khuyến cáo nhân dân thường xuyên thăm vườn, bón phân thúc hoa đón quả bằng các loại phân NPK Lâm Thao, Việt Nhật hoặc Đầu trâu...lượng phân bón tùy thuộc vào tuổi cây, loại đất dao động từ 1-2 kg/cây. Thời điểm này nên hòa phân vào nước rồi tưới hoặc rắc phân sau đó tưới nước cho cây, không xẻ rãnh để bón vì xẻ rãnh ảnh hưởng đến bộ rễ táo gây vàng lá, rụng hoa. Những vườn chưa làm giàn cần làm giàn để chống gió bão và giữ quả cho cây;
Phòng trừ các đối tượng sâu bệnh như: Sâu ăn lá, bọ xít, nhện đỏ, rệp, bệnh phấn trắng ... bằng các loại thuốc như: Regent 800WG, Karate 25EC, Pegasus 500SC, Anvil 5SC... 
Lưu ý: Đối với những vườn cây ăn quả ở dưới thấp, vườn trũng khó thoát nước cần đào rãnh xung quanh vườn và rãnh giữa các hàng cây tránh hiện tượng ngập úng nhất là trên cây có lộc non, cây mang quả; Sử dụng các loại  thuốc BVTV theo khuyến cáo của Trạm Trồng trọt và BVTV huyện, sử dụng theo đúng nồng độ, liều lượng và thời gian cách ly theo khuyến cáo trên bao bì.
III. HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC CHĂN NUÔI 
Do đặc thù tình hình thời thiết mưa nắng xen kẽ làm cho đàn vật nuôi dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, chăm sóc cho đàn vật nuôi trong giai đoạn này người chăn nuôi cần chú ý áp dụng những biện pháp như sau:
Chú ý các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khi mới nhập đàn, tăng cường bổ sung chất điện giải để tăng sức đề kháng, chống strees do vận chuyển, đảm bảo cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi; vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi và khu vực xung quanh bằng vôi bột, hóa chất, xử lý chất thải chăn nuôi bằng các biện pháp như bể biogas, thu gom phân rác để ủ;
Cần tiêm phòng đầy đủ các loại vacine cho đàn vật nuôi theo quy trình; kiểm tra đàn thường xuyên khi phát hiện con ốm hoặc có biểu hiện khác thường như ủ rũ mệt mỏi kém ăn thì cần báo ngay cho cán bộ thú y để được tư vấn điều trị kịp thời tránh lây lan ra cả đàn; Khi trời mưa không thả gia súc, gia cầm sớm, định kỳ tẩy giun sán cho gia súc, gia cầm.
  - Đối với đàn trâu, bò, dê: Giai đoạn này các bệnh thường gặp là Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng, đậu dê...
Bệnh LMLM : Con vật bỏ ăn, sốt cao trên 400c, xuất hiện các mụn nư¬ớc ở mồm, chân và da chỗ mỏng, mụn n¬ước vỡ ra làm cho mồm bị loét, dịch viêm với n¬ước dãi chảy ra giống như¬ bọt xà phòng, sưng móng đau móng, đi lại khó khăn; Khi con vật bị bệnh dùng các quả chua nh¬ư chanh, khế sát vào các mụn loét trong miệng, các vết loét ở móng chân dùng n¬ước muối 10% rửa sạch sau đó dùng các thuốc sát trùng nhẹ như¬ xanh metylen, cồn Iod 5% bôi vào các vết loét  2-3 lần/ngày; phòng bệnh bằng cách tiêm vacine LMLM định kỳ 6 tháng 1 lần.
- Đối với đàn lợn: Các bệnh thường gặp trong giai đoạn này là Hội chứng ỉa chảy, tụ huyết trùng, dịch tả, liên cầu khuẩn...;
Hội chứng ỉa chảy: Xảy ra ở mọi lứa tuổi của lợn, đặc biệt đối với lợn sau cai sữa, lợn mới nhập đàn do strees vận chuyển và thay đổi khí hậu;
Dịch tả: Lợn có triệu chứng lúc đầu sốt cao, phân táo dính nhầy sau tiêu chảy nặng có khi ra cả máu tươi, phân lỏng màu vàng xám có mùi tanh khắm đặc trưng. Chỗ da mỏng ở bẹn, tai, mõm, bụng có những nốt xuất huyết nhỏ bằng đầu đinh ghim (như muỗi đốt) màu đỏ sau chuyển màu tím. 
- Đối với đàn gia cầm: Cần thực hiện tốt các biện pháp úm đối với đàn gia cầm mới nhập từ 01 ngày đến 03 tuần tuổi. Thời điểm này trên đàn gia cầm thường xuất hiện các bệnh tụ huyết trùng, Newcastie, dịch tả vịt...
Bệnh tụ huyết trùng: Trường hợp bệnh xảy ra nhanh, gà chết đột ngột. Trường hợp bệnh xảy ra chậm, thể hiện các triệu chứng sau: Gà ủ rũ, bỏ ăn, đi lại chậm chạp; Nước nhầy chảy ra từ miệng, đôi khi lẫn máu, màu đỏ sẫm; Ỉa chảy, phân lỏng màu socôla hoặc lẫn máu; Gà khó thở, gà chết do ngạt thở, xác tím bầm, mào yếm tích sưng to tím tái tụ máu; Nếu bệnh kéo dài gây viêm kết mạc mắt, tích sưng, khớp sưng đi lại khó khăn. Khi gia cầm bị bệnh, có thể dùng một trong các loại kháng sinh sau để điều trị: Tetracyclin, Ampicillin; amoxyxilin, marbrofloxacin...vv, liều lượng và thời gian dùng theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc; Bổ sung chất điện giải, B - complex, Vitamin C để tăng sức đề kháng.
IV. HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC THỦY SẢN                                                                                                 
Chăm sóc tốt các ao nuôi, đánh tỉa cá thương phẩm trong ao để mật độ thích hợp; Kiểm tra thường xuyên bờ ao, tu bổ lại chắc chắn ao nuôi để phòng nước tràn bờ khi mưa lũ. Bón vôi bột vào ao định kỳ tháng 2 lần;
Bệnh thường mắc trong giai đoạn này là bệnh viêm ruột (đốm đỏ) thường gặp ở cá trắm cỏ, là loại bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây hại qua mang, qua thức ăn, bệnh thường xảy ra vào mùa hè, mùa thu. Biện pháp phòng bệnh là không để cá bị sốc do môi trường nước thay đổi, bổ sung vitamin C vào thức ăn cho cá.
Đề nghị UBND các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các ngành, đoàn thể, ban quản lý các thôn tuyên truyền khuyến cáo nhân dân áp dụng vào sản xuất. Các thông tin, trao đổi liên hệ số điện thoại: 02403 883 442 hoặc 02403 683 644./.
Nơi nhận:
- Lưu: VT.
Bản điện tử:
- TT  HU, TT UBND huyện (B/c);
- Phòng NN&PTNT, Hội Nông dân;
- Trạm CN&TY, Trạm TT& BVTV, Đài TT-TH;
- UBND các xã, thị trấn. TRẠM KHUYẾN NÔNG
 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.