Đền thờ Lý Thường Kiệt và bài thơ Thần ở Lục Ngạn

Đền Ngọc Nương, tại thôn Ngọc Nương, thuộc xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; được UBND tỉnh cấp bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá theo quyết định số 2687QĐ/UBND ngày 25/12/2006; Hàng năm, ngày Rằm tháng Ba âm lịch, Lễ hội đền Ngọc Nương lại mở. Nhân dân trong làng ngoài xóm, du khách gần xa tụ hội vui trong không khí lễ hội chan hoà đầm ấm, thấm đậm nghĩa tình quê hương thân thiết, gắn bó bao đời.
Ông Trần Văn Thu, Trưởng thôn Ngọc Nương đọc diễn văn khai mạc

Ngôi đền uy nghiêm, toạ lạc trên ngọn đồi cao, nơi thờ danh tướng Lý thường Kiệt, chống quân Tống xâm lược và phối thờ Triệu Trinh Nương. Đền Ngọc Nương là công trình văn hoá, tín ngưỡng được xây dựng từ thời Nguyễn, nay được trùng tu tôn tạo khang trang, mở mang với sự hỗ trợ của UBND tỉnh và đóng góp của nhân dân cùng du khách thập phương trong vùng, với mức kinh phí trên 2 tỷ đồng.

Các đoàn đại biểu dâng hương tưởng niệm
Văn nghệ chào mừng
Thi đấu bóng chuyền trong lễ hội

Lễ hội hàng năm được mở để tỏ lòng thành kính các tiền nhân có công đánh giặc giữ nước, giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ. Đặc biệt, trong đền còn lưu giữ cây hương cổ nhất, chất liệu bằng gỗ mà chưa thấy nơi nào có. Ngoài tế lễ, các hoạt động văn hoá thể thao được mở để nhân dân vui hội, với những đêm giao lưu văn nghệ, các môn thể thao và trò chơi truyền thống: cờ tướng, tổ tôm, kéo co, vật, võ dân tộc và bóng chuyền cho các độ tuổi.

Theo bản thần tích về Lý Thường Kiệt hiện lưu giữ trong đền; “Lý Thường Kiệt (1019-1105) là con Lý Công Phụng, ông sinh ngày 15 tháng 3 năm Tân Sửu. Từ năm 13 tuổi đã tinh thông võ nghệ, năm 14 tuổi, cha mẹ đều qua đời. Năm 17 tuổi theo Lý Nguyên Phả vào triều được vua Lý ban sắc của triều đình đi đánh Tống, bình Chiêm, là một danh tướng, có công lớn trong việc đánh bại quân Tống vào năm 1075-1077”...Ông được cho là người đã viết ra “bản tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của dân tộc “Nam Quốc Sơn Hà” (bài thơ Thần). Ông cũng là vị tướng nổi tiếng trong số 14 vị tướng tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam. Bài Thơ “Nam Quốc Sơn Hà” hiện có 35 dị bản khác nhau. Tuy nhiên, theo sách giáo khoa, qua các thời đã phổ biến, hiện mọi người vẫn đinh ninh là của Lý Thường Kiệt và thuộc bài thơ này, nội dung vẫn thống nhất như mộc bản triều Nguyễn và trong “Đại Việt sử ký toàn thư”. Mỗi khi đọc lai lịch di tích và người được thờ, bài thơ được nhắc lên trong âm vang trầm hùng của chiêng trống và lòng ngưỡng mộ của muôn dân, đồng lòng khắc ghi trong tâm khảm lời tuyên ngôn giữ nước. 
Phiên âm Hán -Việt: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên phân định tại Thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Bản dịch của Trần Trọng Kim: Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành rành phân định tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. “Nam Quốc sơn hà”, dù của tác giả nào đi chăng nữa vẫn là của người dân Đại Việt, khẳng định về chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Tỏ rõ ý chí, cảnh báo ngoại xâm, cổ vũ việc bảo vệ chủ quyền của nhân dân Việt Nam trong bất kỳ thời khắc nào.
Lễ hội đền Ngọc Nương là tôn vinh vị anh hùng dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, thôi thúc, nhắc nhở thế hệ trẻ quyết tâm xây dựng và gìn giữ non sông Việt Nam yêu dấu.
Bá Đạt.

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.