Mật ong- Hương vị cuộc sống

 Lâu nay, mật ong của huyện Lục Ngạn đã trở lên nổi tiếng khắp các tỉnh thành trong cả nước bởi hương vị thơm ngon đặc trưng. Đó là mật được lấy từ loại hoa vải thiều trên vùng đồi, là chất đặc sánh, lại có thêm mùi thơm của hoa vải, có vị ngọt dịu và màu vàng óng ánh.
  
Nghề nuôi ong ở Lục Ngạn có từ lâu đời. Nhưng trước kia khi cây vải thiều chưa có nhiều, người dân chỉ tận dụng nguồn hoa rừng tự nhiên để nuôi nên quy mô nhỏ lẻ và năng suất mật thấp. Gần 20 năm qua, khi diện tích cây vải thiều của Lục Ngạn tăng mạnh thì nghề nuôi ong cũng được nhân rộng. Theo đó sản lượng mật do đàn ong của địa phương sản xuất ra hàng năm ngày càng lớn. Vì vậy, để tiêu thụ sản phẩm thuận lợi cũng như trao đổi kỹ thuật trong chăn nuôi, 9 hộ dân ở xã Nghĩa Hồ đã đứng ra thành lập Hợp tác xã nuôi ong xuất khẩu vào năm 2001. Đến nay, Hợp tác đã có 21 xã viên, với hơn hai nghìn đàn ong, mỗi năm cho hơn 200 tấn mật cung cấp cho khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và thị trường các nước Châu âu. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2008, Hợp tác xã đầu tư hơn 700 triệu đồng cùng sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước lắp đặt dây chuyền tinh lọc, chế biến mật ong theo công nghệ hiện đại của Đức với công suất thiết kế đạt 800 tấn/năm. Dây chuyền này áp dụng công nghệ hạ thuỷ phần để tách mật ong, giảm được hàm lượng nước trong mật từ 25- 26% xuống còn 18-19%. Nhờ đó, hàng năm các hộ chăn nuôi ong tham gia dự án và các xã viên của Hợp tác xã áp dụng công nghệ này đã sản xuất được mật đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Mật ong Lục Ngạn có đặc điểm là không lẫn đường mía, bảo quản ở điều kiện nhiệt độ 20oC trong vài năm vẫn không bị biến chất. Mật ong vải thiều Lục Ngạn có thành phần chủ yếu là các loại đường dễ hấp thụ, các loại men, các loại Vitamin nhóm B, Vitamin nhóm C, E, K… và nhiều loại chất cần cho cơ thể con người. Mật ong có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, có tác dụng tốt đối với các chứng bệnh: hô hấp, viêm họng, lở miệng, tuần hoàn, tiêu hóa, không gây béo phì, kích thích tiêu hóa, chống lão hóa, đẹp da… 
Ông Hoàng Anh Sáng là chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi ong xuất khẩu xã Nghĩa Hồ. Hiện nay gia đình ông cũng đang nuôi 400 đàn ong lấy mật, trong đó một số đàn được di chuyển lên các xã trên đèo, số còn lại xuôi về vùng Nam Định khai thác mật hoa cây sú vẹt. Vào mùa khai thác mật hoa vải thiều, ông Sáng phải huy động thêm nhân công, có lúc đến hơn 20 người để quay mật. Năm 2013, sản lượng mật của gia đình đạt hơn 30 tấn, cho thu nhập trên 500 triệu đồng. Không chỉ ông Sáng, hiện toàn huyện Lục Ngạn có hơn 400 hộ nuôi ong với tổng số hơn 7 nghìn đàn, tập trung chủ yếu ở xã Nghĩa Hồ (hơn ba nghìn đàn).  
Hiện nay sản phẩm mật ong Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá. Nhãn hiệu để phân biệt với các sản phẩm khác cùng loại là lô- gô có hình con ong mật kèm theo tên mật ong Lục Ngạn. Cùng đó, tháng Tám năm 2012 được UBND tỉnh Bắc Giang cấp chứng nhận "mật ong được bình chọn là sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2012".
Đây là niềm vui lớn đối với người nuôi ong Lục Ngạn, để từ đó góp phần nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, khẳng định nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, chỉ rõ tính chất và chất lượng đặc thù của mật ong Lục Ngạn so với sản phẩm của các địa phương khác. Thời gian tới, Hợp tác xã sẽ tiếp tục đa dạng các sản phẩm mật ong, quảng bá thương hiệu và mời gọi các nhà đầu tư để trực tiếp xuất khẩu mật ong./.
 
 
Quang Huấn
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  
 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.