Vải thiều Lục Ngạn Giữ uy tín với thị trường bằng chất lượng sản phẩm

Những năm qua, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) luôn quan tâm đẩy mạnh việc thâm canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng  quả vải thiều, đồng thời chủ động tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người trồng vải…
Thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho Lục Ngạn một vùng đất đai rộng lớn với những sườn đồi thoải dốc nằm giữa hai vòng cung Đông Triều và phần tiếp nối của vòng cung Bắc Sơn, lại có hai dải núi Bảo Đài và Huyền Đinh bao bọc nên khí hậu mang đặc trưng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 23,50C, rất phù hợp cho phát triển cây ăn quả, đặc biệt là vải thiều. Hiện, huyện Lục Ngạn có tổng số 22.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó riêng vải thiều đã chiếm 18.000 ha. Trong suốt hơn 20 năm qua, cây vải thiều đã trở thành tự hào đối với mỗi người dân Lục Ngạn. Là cây không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn giúp người dân vươn lên giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương…
                                                                    
Ảnh: Vườn vải thiều chín muộn của gia đình ông Lường Văn May ở thôn Hả, xã Tân Sơn cho giá trị kinh tế cao.
Thực tế, huyện Lục Ngạn đã trở thành “Kinh đô vải thiều” của cả nước. Tuy nhiên, để có được diện tích, sản lượng vải thiều lớn nhất cả nước cùng thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ngày càng vang xa, thì Đảng bộ - chính quyền và nhân dân địa phương đã nỗ lực rất nhiều. Và có lẽ không ở nơi đâu, cây vải thiều lại được người dân vun trồng, chăm sóc dầy công như ở Lục Ngạn. Để “biến” hàng chục nghìn ha đất trống, đồi trọc nghèo khó xưa kia thành miệt vườn vải thiều tươi tốt và trù phú hôm nay, những con người nơi đây giàu tâm huyết, cần cù lao động hăng say đầy sáng tạo. Họ sử dụng máy ủi, máy xúc cùng các công cụ như cuốc, thuổng, xà beng, xẻng… tạo những đường băng như các bậc thang trên các quả đồi, rồi quật lộn ngược ra đất thịt lên để trồng vải. Tiếp đó là những kiến thức khoa học kỹ thuật, những kinh nghiệm quý trong quá trình chăm sóc cây vải thiều như: kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, bón phân; kỹ thuật khoanh cành… đã nhanh chóng được cơ quan chức năng đúc kết lại và phổ biến rộng rãi cho người trồng vải: Đề án nghiên cứu “khắc phục hiện tượng cây vải thiều ra quả cách năm”; rồi biện pháp phòng, trừ sâu đục cuống quả vải đã được các nhà khoa học nghiên cứu thành công, giúp người dân áp dụng vào thực tiễn hiệu quả. Hội tụ các yếu tố: điều kiện đất đai, khí hậu mang đặc trưng riêng, sự quan tâm của cấp uỷ - chính quyền địa phương; cộng với tri thức của các nhà khoa học; cùng kinh nghiệm chăm sóc cây vải thiều của người dân địa phương đã kết tinh lại, tạo nên sản phẩm vải thiều Lục Ngạn thơm ngon nổi tiếng mà không có vải thiều nơi đâu có thể sánh kịp. Đó là quả vải to, chín đỏ, hạt nhỏ, cùi dầy, ăn thơm ngon và ngọt lịm… được người tiêu dùng ưa chuộng. Cũng vì thế mà thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ngày càng vang xa nên quả vải thiều ở nơi đây luôn tiêu thụ thuận lợi và được giá cao hơn nhiều so với các địa phương khác.
Đặc biệt năm 2005, Hội làm vườn Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tạo điều kiện giúp đỡ nên vải thiều Lục Ngạn đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp văn bằng bảo vệ độc quyền sở hữu công nghệ đối với Nhãn hiệu hàng hóa tập thể “Vải thiều Lục Ngạn” và chủ sở hữu là Hội làm vườn Lục Ngạn. Nhãn hiệu hàng hóa tập thể “Vải thiều Lục Ngạn” đã được bình chọn là thương hiệu nổi tiếng với người tiêu dùng tại Hội chợ Quốc tế thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam năm 2006. Và đến tháng 6 năm 2008, vải thiều Lục Ngạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ sở pháp lý lâu dài, góp phần làm tăng giá trị tích lũy và phát triển cho thương hiệu vải thiều Lục Ngạn.
Cũng từ khi ấy,  nâng cao chất lượng quả vải thiều Lục Ngạn được các cấp chính quyền và người dân địa phương quan tâm hơn. Các mô hình và Hợp tác xã sản xuất vải thiều sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP được thành lập và đi vào hoạt động thu hút ngày càng nhiều các hộ dân tham gia. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm cơ quan chức năng tổ chức khoảng 130 lớp tập huấn về quy trình sản xuất vải thiều VietGAP cho hàng nghìn hộ dân. Và tính đến hết năm 2013, diện tích vải thiều VietGAP của Lục Ngạn đã tăng lên đạt 7.500 ha. Thực tế, việc đẩy mạnh sản xuất vải thiều sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất (nhờ sử dụng lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hợp lý), nâng cao giá trị quả vải, mà còn bảo vệ sự an toàn cho người sử dụng và bảo vệ sức khỏe ngay chính người nhà hộ gia đình sản xuất vải thiều. Tâm sự về vấn đề này, anh Trần Văn Hành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Giáp Sơn – người tích cực giúp nông dân trong xã mở rộng diện tích sản xuất vải thiều VietGAP và vụ vải năm 2013, anh đã thực hiện thành công mô hình cho vải thiều ra quả trong thân cây chia sẻ: Từ khi xã Giáp Sơn áp dụng quy trình sản xuất vải thiều VietGAP, chất lượng và mẫu mã quả vải tăng lên đáng kể, cây vải thiều hầu như không mất mùa, tình trạng sâu đục cuống quả vải được phòng trị hiệu quả nên nông dân tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi và được giá cao hơn gấp hàng chục lần so với trước kia. Riêng mô hình cho cây vải thiều ra quả trong thân đã góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động nhưng chất lượng quả vải lại được nâng cao nên thị trường rất ưa chuộng. Kỹ thuật này đã được tôi gửi đi thi Hội thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông cấp tỉnh và đạt giải cao, hiện đang chuẩn bị thi tiếp cấp Trung ương. Thời gian tới tôi sẽ phổ biến rộng rãi các làm này cho người dân trong xã.
Những năm gần đây, không chỉ có người trồng vải ở những xã vùng thấp quan tâm đến việc thâm canh, nâng cao chất lượng quả vải thiều nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Mà cả bà con  đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao như Tân Sơn, Hộ Đáp, Cấm Sơn… đều cũng đã áp dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vải thiều. Theo đó, chất lượng quả vải thiều ở vùng cao được nâng lên rõ rệt. Quả vải to đều, chín đỏ đẹp, thơm ngon mát bổ nên đã kéo thị trường tiêu thụ về tận địa bàn xã,  người dân bán sản phẩm vải thiều thuận lợi và được giá cao. Điển hình tại xã Tân Sơn, trước kia do bà con tiêu thụ vải thiều phải vận chuyển hơn 30 km xuống thị trấn Chũ tiêu thụ nhưng ba năm gần đây, nhờ chất lượng quả vải được nâng cao nên đã có hàng chục tiểu thương tập trung về địa bàn xã thu mua vải thiều cho nhân dân.
Gia đình ông Lường Văn May, ở làng Hả, xã Tân Sơn có vườn vải thiều rộng gần 2 mẫu với 200 cây vải thiều cho thu hoạch. Trong ba năm gân đây, chưa khi nào vườn vải nhà ông May bị mất mùa, sản lượng luôn đạt từ 8- 12 tấn quả/năm. Không những vậy, do ông May đã biết cách chăm sóc quả vải thiều cho mẫu mã đẹp, chất lượng quả cao nên gia đình ông luôn bán được giá cao. Vụ 2013, vườn vải nhà ông cho thu hơn 10 tấn quả và bán được giá cao từ 28 - 30 nghìn đồng/kg. Ông May phấn khởi cho biết, trung bình mỗi cây vải cho thu hoạch được từ 1,2- 1,5 tạ quả, trị giá gần 4 triệu đồng bằng cả chỉ vàng. Trên đất đồi cằn cỗi này làm gì có cây nào cho giá trị cao hơn được nữa.
Quả thực, trong những năm gần đây, sản lượng vải thiều tươi của Lục Ngạn luôn đạt từ 70.000 đến 120.000 tấn. Nhờ chất lượng quả vải thiều ngày càng được nâng cao, cộng với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho thương hiệu “Vải thiều Lục Ngạn” bay xa nên thị trường tiêu thụ không ngừng được mở rộng. Chỉ riêng thị trường tiêu thụ vải thiều tại địa phương, mỗi năm đã thu hút từ 500 đến hơn 1.000 điểm thu mua vải thiều của tiểu thương ở khắc mọi nơi trong và ngoài nước đến thu mua vải thiều cho người dân Lục Ngạn. Giá cả thu mua sản phẩm vải thiều tại thị trường trong huyện  nhiều khi còn cao hơn cả thị trường ở Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh thành khác.
                                                              
                                                                   Ảnh: minh họa
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Lục Ngạn là địa phương có thế mạnh phát triển kinh tế cây ăn quả, trong đó cây vải thiều vẫn được coi là cây ăn quả chủ lực, trong ba năm gần đây, giá trị thu về từ vải thiều luôn đạt trên 1.000 tỷ đồng, chiếm vị trí chủ đạo trong nền kinh tế của huyện. Hiện vải thiều Lục Ngạn đã được tiêu thụ ở khắp các vùng trong cả nước và được xuất khẩu sang thị trường các nước như: Trung Quốc, Singapore, Campuchia, Lào… và một số nước Đông Âu. Để giúp nhân dân tiêu thụ vải thiều thuận lợi, hàng năm, UBND huyện đã phối hợp tích cực với các Sở, ban, ngành của tỉnh làm tốt công tác xúc tiến thương mại cho vải thiều Lục Ngạn nói riêng và vải thiều Bắc Giang nói chung. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân về quy trình sản xuất vải thiều VietGAP, hướng tới trung bình mỗi năm đưa diện tích vải thiều VietGAP (vải thiều chất lượng cao) tăng lên từ 1.000 đến 1.500 ha. Cùng đó, huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp phục vụ cho sản xuất vải thiều nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những địa điểm có vật tư nông nghiệp kém chất lượng; vào thời điểm trước vụ thu hoạch vải thiều, huyện sẽ tăng cường giải phóng hành lang an toàn giao thông, tu bổ đường giao thông liên huyện, liên xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá; trong thời điểm vụ thu hoạch vải thiều, UBND sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường bảo đảm an ninh trật tự và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước về địa phương thu mua, chế biến, tiêu thụ vải thiều thuận lợi. Đặc biệt là chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung vào thâm canh, không ngừng nâng cao chất lượng vải thiều nhằm giữ vững uy tín với thị trường./.
 
Bài ảnh: Lý Tưởng
 
 
 
 
 
Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.