Hạn chế việc lùi cân vô lý trong thu mua vải thiều Cách làm hiệu quả của xã ở Quý Sơn

Trước thực trạng việc trừ lùi cân vô lý của  các chủ thu mua vải thiều gây bức xúc trong nhân dân, UBND xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn đã có những cách làm hay sáng tạo để hạn chế thấp nhất tình trạng này. 
Tổ công tác đang kiểm tra 1 điểm cân tại thôn Nhất Thành, xã Quý Sơn

Năm 2015, xã Quý Sơn có 1700 ha vải thiều, với sản lượng ước đạt hơn 12 nghìn tấn, tăng 2 nghìn tấn so với cùng kỳ. Vụ thu hoạch vải thiều năm nay, trên địa bàn xã Quý Sơn có 40 điểm cân (đại lý thu mua vải thiều). Tập trung tại các thôn: Tân Thành, Nhất Thành, Cầu Cao, Tư 1, Tư 2 và thôn Bắc 1, Bắc  2... Ngay sau khi nhận được công văn chỉ đạo của UBND huyện về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến, tiêu thụ vải thiều, UBND xã Quý Sơn đã thành lập 6 tổ công tác nhằm hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều với 21 thành viên, do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Theo đó, 6 tổ công tác có nhiệm vụ tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức cho các chủ hộ gia đình, thuê điểm cân, thương nhân đến mua, bán tiêu thụ vải thiều....ký cam kết không bày bán hàng hóa, không đậu đỗ xe xuống lòng đường, không được trừ lùi quá 5kg vải/sọt và phải cân đúng, cân đủ... . Nếu người dân đi bán vải phát hiện điểm cân, tiểu thương nào không thực hiện đúng cam kết trên thì báo ngay cho tổ công tác để tiến hành lập biên bản và xử lý theo quy định. 

 

Ngoài ra, để các điểm cân cũng như tiểu thương trực tiếp thu mua vải thiều trên địa bàn thực hiện đúng cam kết, liên tục trong suốt thời gian diễn ra việc thu hoạch, tiêu thụ vải thiều, 6 tổ công tác đã thay phiên nhau, cắt cử 3 người/ngày thường xuyên đến các điểm cân kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghiêm quy định đã ký.... Cùng đó, nhằm kịp thời phát hiện những hành vi gian lận thương mại, nhất là chiêu trò dùng cân đồng hồ loại từ 120 Kg trở lên, có gắn chống đẩy cân nhằm mục đích ăn chặn số lượng vải, gây thiệt hại cho bà con.  UBND xã Quý Sơn đã đầu tư 1 chiếc cân đồng hồ loại 150Kg, giao cho tổ công tác thực hiện việc kiểm tra cân tại các điểm thu, mua vải trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện, nếu tổ công tác phát hiện điểm cân nào không chốt đúng số cân/sọt vải trùng khớp với số cân của tổ công tác chốt để kiểm tra. Tổ công tác tiến hành lập biên bản, tịch thu cân, đồng thời tuyên truyền rộng rãi để bà con nhân dân được biết và phòng ngừa. Kiên quyết không bán hàng cho điểm cân thiếu, ép giá và trừ lùi quá số cân cho phép....

anh Diệp Văn Hai – Trưởng công an xã Quý Sơn, kiểm tra cân điện tử tại Nhất Thành – Quý Sơn. 

Cũng như nhiều tiểu thương khác, năm nay khi đến thuê đặt điểm cân thuê của 1 hộ dân ở thôn Nhất Thành, xã Quý Sơn, bà Nguyễn Thị Hà, thương nhân thu mua vải thiều quê ở huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, đã được tổ công tác của xã Quý Sơn đến tuyên truyền, phổ biến nội dung và ký cam kết  thực hiện đúng quy định do Ban Chỉ đạo xã đề ra. Do làm ăn uy tín nên điểm cân của bà Hà luôn thu hút rất đông số lượng người dân đến bán vải thiều. Hiện bình quân mỗi ngày, bà Hà mua được 3 xe ô tô loại từ 12  – 13 tấn vải “hàng hoa”, giá từ 15  – 19 nghìn đồng/kg để đưa vào Đắc Lắc và Sài Gòn  tiêu thụ. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hà cho biết, đây là mùa vải thứ 10 bà có mặt tại Quý Sơn để trực tiếp lựa chọn, thu mua vải thiều của người dân. Bà rất phấn khởi vì công tác bảo đảm an ninh trật tự được chính quyền địa phương thực hiện tốt và không gặp phải phiền phức gì, vải Quý Sơn ngon, đẹp nên công việc kinh doanh của bà rất suôn sẻ. Đồng quan điểm với bà Hà, anh Trương Thái Bạch thương nhân thu mua vải thiều ở Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cũng có thâm niên 8 năm đến thu mua vải tại xã Quý Sơn về địa bàn Thái Nguyên tiêu thụ cho biết: Ngay từ đầu vụ vải khi đến đặt điểm cân tại thôn Cầu Cao, xã Quý Sơn anh đã được chính quyền xã Quý Sơn tổ chức ký cam kết không trừ lùi cân vô lý, gian lận thương mại trong thu mua vải thiều và luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của tổ công tác trong việc phân luồng, giải tỏa ách tắc giao thông vào giờ cao điểm nên việc kinh doanh của anh khá thuận lợi; mặt khác do chính quyền địa phương làm tốt công tác hỗ trợ nhân dân thu hoạch và tiêu thụ vải thiều nên đã thu hút được ngày càng nhiều thương nhân về Quý Sơn thu mua vải thiều. Tại đây, thương nhân được tạo điều kiện thuận lợi về ăn ở, đi lại và lựa chọn, mua bán vải thiều. Vì thế họ rất thông thạo địa bàn, mua bán sòng phẳng và chấp hành tốt các quy định của pháp luật.Từ cách làm này của xã Quý Sơn trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm hạn chế việc trừ cân, ép giá, gian lận thương mại vô lý trên địa bàn đã giúp việc tiêu thụ vải thiều của bà con nhân dân được thuận lợi.

 
Quỳnh Nga
 
 
 
 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.