Hơn 60 năm cây vải thiều về Lục Ngạn

Sau hơn 60 năm di thực về đất đồi Lục Ngạn (Bắc Giang), cây vải thiều đã gắn bó và trở thành niềm tự hào đối với người dân địa phương. Đây không chỉ là cây ăn quả chủ lực cho giá trị kinh tế cao, mà còn là cây làm cho huyện Lục Ngạn trở nên nổi tiếng khắp trong và ngoài nước.
Đưa cây vải thiều về Lục Ngạn
 

Lục Ngạn là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90 km. Huyện có diện tích rộng, chủ yếu là đồi, núi. Ngược dòng lịch sử trở lại những năm 1950 của thế kỷ trước. Khi đó, huyện Lục Ngạn còn nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí thấp. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề làm nông - lâm nghiệp: gieo cấy lúa, trồng khoai, sắn, đỗ tương… và trồng rừng. Cuộc sống của bà con tần tảo, vất vả hàng ngày bên nương sắn, ruộng ngô nhưng sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, năng suất lao động thấp nên cái đói, cái nghèo cứ bủa vây lấy gia đình họ.Vậy nhưng với bản chất cần cù, hăng say lao động sáng tạo, người dân nơi đây đã năng động tìm tòi, đổi mới giống cây trồng hiệu quả.Cũng giống như nhiều hộ dân khác ở huyện Lục Ngạn, gia đình ông Nguyễn Đức Trụ, thôn Thủ Dương, xã Nam Dương có quê gốc thuộc tỉnh Hải Dương. Năm 1953, khi rời quê cũ lên Lục Ngạn lập nghiệp, ông Trụ đã mang theo hạt vải thiều từ Hải Dương về quê mới trồng với mục đích chính là lưu giữ kỷ niệm. Đây được coi là một những hộ dân đầu tiên di thực cây vải thiều về Lục Ngạn. Khi mới trồng, gia đình ông Trụ cũng không nghĩ rằng cây vải thiều lại có thể phát triển xanh tốt và cho chất lượng quả thơm ngon trên vùng đất cằn khô sỏi đá này. Trải qua quá trình chăm sóc gần chục năm, rồi đất cũng chẳng phụ công người, cây vải thiều đã vươn lên sống mạnh mẽ, trổ lộc, sinh cành và đơm hoa kết trái. Từ đây, một giống cây ăn quả mới đã được ghi danh trên mảnh đất Lục Ngạn – cây vải thiều.  Cũng từ những cây vải đầu tiên đó, việc nhân giống và mở rộng diện tích trồng vải thiều tự phát tại một số xã vùng thấp trong huyện như Trù Hựu, Nghĩa Hồ, Quý Sơn, Nam Dương và thị trấn Chũ đã được hình thành. Tuy nhiên thời kỳ này, cây vải thiều ở Lục Ngạn chưa được người dân quan tâm chăm sóc hiệu quả (cây để phát triển tự do, cành lá xum xuê, quả nhỏ và thường năm được mùa, năm mất) nên giá trị kinh tế chưa cao. Theo số liệu thống kê, đến năm 1986, huyện Lục Ngạn mới có tổng số 92 ha cây ăn quả các loại, trong đó có 42 ha vải thiều, sản lượng vải thiều ước đạt 100 tấn. Đến những năm 1990, khi quả vải thiều thực sự đã trở thành hàng hóa cho giá trị kinh tế cao và huyện Lục Ngạn có chủ trương phủ xanh đất trống, đồi núi trọc thì phong trào trồng cây vải thiều mới được nhân dân ở các xã, thị trấn thực hiện hiệu quả. Xây dựng thành cây ăn quả chủ lực

 

Nhận thấy cây vải thiều có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trên đồng đất Lục Ngạn và giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập nên các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện xuống cơ sở đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng vải thiều. Theo đó, phong trào trồng vải thiều từ các xã vùng thấp đến 12 xã vùng cao phát triển nở rộ. Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt là hệ thống ngân hàng trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện cho nhân dân vay hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư vào cây giống cùng vật tư phân bón… nên chỉ trong thời gian ngắn, huyện Lục Ngạn đã “biến” hàng chục nghìn ha đất trống, đồi núi trọc cằn khô sỏi đá xưa kia thành miệt vườn vải thiều xanh non trù phú. Tính đến năm 2000, huyện đã có hơn 22 nghìn ha cây ăn quả các loại, trong đó có 19 nghìn ha vải thiều. Từ lâu, huyện Lục Ngạn đã được mệnh danh là “Vương quốc vải thiều”, hay “Kinh đô vải thiều” của cả nước.Cùng với việc tuyên truyền đẩy mạnh phát triển diện tích, các cấp, các ngành còn đặc biệt quan tâm đến việc giúp nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả. Nhờ có sự vào cuộc tích cực của các nhà khoa học từ Trung ương đến địa phương, cộng với kinh nghiệm chăm sóc cây vải thiều được đúc kết trong thực tiễn lao động thông minh và sáng tạo của nhân dân nên người dân Lục Ngạn đã thực hiện rất hiệu quả các kỹ thuật như: hạn chế cây vải thiều ra quả cách năm bằng việc bón phân khoa học, đúng thời điểm; sử dụng các biện pháp tỉa cành, tạo tán, khoanh cành; rồi thực hiện phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, đặc biệt là cách trị sâu đục cuống quả vải triệt để, đã giúp cho chất lượng quả vải thiều ở Lục Ngạn được nâng cao. Có lẽ hội tụ đủ các yếu tố: điều kiện đất đai, khí hậu mang đặc trưng riêng; sự quan tâm đặc biệt của cấp uỷ đảng, chính quyền và các nhà khoa học; cộng quá trình lao động cần cù, thông minh sáng tạo của nhân dân nên chất lượng quả vải thiều Lục Ngạn mới thơm ngon nổi tiếng không nơi nào sánh kịp: quả vải to đều, chín đỏ đẹp, ăn thơm ngon và ngọt lịm. Thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ngày càng nổi tiếng và được khách hàng ở trong, ngoài nước tin dùng, ưa chuộng. Năm 2005, vải thiều Lục Ngạn đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp văn bằng bảo vệ độc quyền sở hữu công nghệ đối với nhãn hiệu hàng hoá tập thể “Vải thiều Lục Ngạn”. Vải thiều Lục Ngạn còn được tôn vinh ở các hội chợ trong nước và được người tiêu dùng bình chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của cả nước. Thực tế, sản xuất vải thiều đã mang về cho người dân Lục Ngạn hàng trăm tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc phát triển diện tích vải thiều nhanh ở Lục Ngạn cũng không tránh khỏi một số vùng diện tích vải thiều ở trên đồi cao hoặc ở vùng trũng cây phát triển kém, cho chất lượng và giá trị quả không cao. Để tập trung nâng cao năng suất, sức cạnh tranh và giá trị của sản phẩm vải thiều, những năm gần đây, Huyện ủy – UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo cơ quan chuyên môn, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, đồng thời đẩy mạnh mở rộng diện tích sản xuất vải thiều sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng đó là việc cơ cấu lại vùng cây ăn quả phù hợp. Theo đó một phần diện tích vải thiều ở trên đồi cao đã được nhân dân trồng thay thế bằng rừng kinh tế; một số diện tích vải thiều ở vùng trũng thấp cũng đã được chuyển đổi sang trồng nhãn lồng và các loại cây ăn quả có múi cho giá trị kinh tế cao như cam đường Canh, bưởi Diễn, cam Vinh… . Đến nay, huyện Lục Ngạn có hơn 22.000 ha cây ăn quả, trong đó diện tích vải thiều còn 17.500 ha, và đã có 9.500 ha vải thiều được người dân sản suất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đẩy mạnh sản xuất vải thiều chất lượng nên giá trị sản phẩm không ngừng được nâng cao. Trong ba năm gần đây, nguồn thu từ vải thiều luôn đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Điển hình như năm 2014, sản lượng vải thiều của Lục Ngạn đạt 130.000 tấn, cho giá trị đạt 1.625 tỷ đồng.  Như vậy, từ vùng đất nghèo đói xưa kia, nhờ phát triển cây ăn quả, đặc biệt là vải thiều mà bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc.Có thể thấy, sự phát triển nhanh chóng vùng cây ăn quả Lục Ngạn đã tác động làm thay đổi cơ cấu trong nông nghiệp và các thành phần kinh tế nông thôn; mô hình kinh tế trang trại phát triển mạnh mẽ; huyện có đến 4.486 hộ dân có thu nhập từ 100 đến trên 500 triệu đồng/năm từ vải thiều, trong đó 83 hộ có mức thu từ 300 – 500 triệu đồng. Hiện cây vải thiều vẫn được xác định là cây thế mạnh chủ lực trong tập đoàn cây ăn quả của địa phương. Mở rộng thị trường tiêu thụ Cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất vải thiều hiệu quả nhằm không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hằng năm các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương đều quan tâm đến việc hỗ trợ nhân dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều thuận lợi. Trong đó, huyện thành lập Ban Chỉ đạo Hỗ trợ nhân dân tiêu thụ vải thiều; tham mưu với các ngành cấp trên tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại cho sản phẩm vải thiều; tích cực quảng bá thương hiệu vải thiều Lục Ngạn trên các phương tiện truyền thông đại chúng; bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông; chuẩn bị đủ lượng tiền mặt đáp ứng cho lưu thông tiêu thụ vải thiều; làm tốt công tác xuất nhập cảnh đối với các thương nhân đến giám sát việc tiêu thụ vải thiều, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức và tiểu thương về địa phương thu mua vải thiều cho nhân dân… . Đặc biệt năm vừa qua, được sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp từ Trung ương đến các địa phương nên sản phẩm vải thiều Lục Ngạn tiêu thụ thuận lợi. Hiện vải thiều Lục Ngạn đã có thị trường tiêu thụ ở các vùng trong cả nước, đặc biệt là ở các siêu thị tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh và được xuất khẩu sang thị trường các nước như: Trung Quốc, Singapore, Nhật, Campuchia, Lào và một số nước Đông Âu. Tuy nhiên phần lớn sản phẩm vải thiều vẫn được tiêu thụ ở thị trường truyền thống là trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Đặc biệt năm vừa qua, đã có 10 tấn sản phẩm vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản nhờ thí điểm ứng dụng công nghệ bảo quản CAS. Đây là thị trường mới có nhiềm tiềm năng. Cùng đó, vải thiều Lục Ngạn cũng được nhà chức trách của Mỹ cho phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đó là tin vui cũng là cơ hội để vải thiều Lục Ngạn tiến bước sang thị trường khó tính này.Để chủ động đưa sản phẩm vải thiều vào các thị trường mới như Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu; hiện nay, UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh đang phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đăng ký bảo hộ địa danh cho vải thiều tại Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU, Nga, Israel, Singgapore và một số thị trường khác; phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải thiều Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi MAP. UBND huyện Lục Ngạn đang phối hợp với các Cục, Vụ, Viện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều sau thu hoạch; quy hoạch vùng vải thiều phục vụ xuất khẩu; khảo sát đánh giá, cấp mã vùng trồng, quản lý dịch hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hướng tới bảo đảm yêu cầu của thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, EU, Nhật, Hàn Quốc. Đồng thời thực hiện nâng cao chất lượng công tác đào tạo tập huấn cho cán bộ, ban điều hành tổ hợp tác và làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân trồng vải áp dụng khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến, mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tiếp nhận triển khai mô hình trồng vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Hồng Giang với diên tích 60,38 ha để bảo đảm đủ điều kiện, nguồn hàng sẵn sàng phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Từng bước hình thành các đầu mối liên kết  nông dân với doanh nghiệp chặt chẽ, bền vững; thành lập các Hội, Hiệp hội sản xuất vải thiều để bảo đảm chỉ tiêu mã số vùng và hiệu quả trong sản xuất vải thiều.

 
Trần Quang Tấn
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn
 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.