Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2015-05-12

Ngày 11-5, tại huyện Lục Ngạn, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2015. Đồng chí Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Về dự hội nghị có đại diện một số cơ quan trực thuộc Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ; các sở, ngành của tỉnh, huyện Lục Ngạn; Sở Công thương các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, TP Hà Nội; Ban Kinh tế cửa khẩu Lào Cai, Tân Thanh; cùng nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông sản.

 toàn cảnh hội nghị xúc tiến thương mại cho vải thiều

Đ/c Bùi Văn Hạnh phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Công thương đã thông tin dự báo về tình hình sản xuất vải thiều năm nay. Theo đó, với thời tiết tương đối thuận lợi nên dự kiến vải thiều tiếp tục được mùa với sản lượng ước đạt hơn 160 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng vải sớm toàn tỉnh khoảng 25 nghìn tấn, vải muộn khoảng 135 nghìn tấn. Dự kiến thời gian thu hoạch vải sớm từ 20-5 đến 10-6, vải thiều chính vụ từ 15 - 6 đến 10-7, muộn hơn 10 ngày so với năm trước. Toàn tỉnh có gần 100 ha chăm sóc theo quy trình VietGAP, Global GAP bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường một số nước như: Mỹ, Pháp, Nhật, khu vực EU... Dự báo vải sẽ tiêu thụ nội địa khoảng 60%, xuất khẩu 40% trong đó sẽ tập trung tiêu thụ tại 3 thị trường chính là thị trường phía Nam, thị trường Trung Quốc, các nước ASEAN và một số thị trường mới như: Nhật Bản, Mỹ và EU. Ngay từ cuối năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xúc tiến xuất khẩu vải thiều năm 2015 và những năm tiếp theo. Mục tiêu năm 2015 sẽ xuất thử nghiệm những lô vải thiều tươi đầu tiên vào thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật… Đây là tiền đề quan trọng để vải thiều Bắc Giang mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị hàng hóa cho nông sản chủ lực này. 

Đ/c Trần Quang Tấn phát biểu tại hội nghị

Tiếp đó, đồng chí Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND Lục Ngạn cũng đã thông báo về tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều của Lục Ngạn năm 2014 và dự báo vụ vải năm 2015 trong đó khẳng định: Việc sản xuất vải thiều đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường khác đang được huyện chú trọng. Và các đoàn chuyên gia của Mỹ, Nhật Bản, Anh đến thăm vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu xã Hồng Giang đều cho rằng đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu. Dự kiến vụ thu hoạch và tiêu thụ vải thiều năm nay có khoảng 2 nghìn điểm cân và 1 nghìn thương nhân thu mua về Lục Ngạn nên huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể giao cho từng đơn vị chuyên môn triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và quản lý các đối tượng lao động thủ công giúp cho quá trình thu hoạch, mua bán vải thuận lợi nhất. 

Cũng tại hội nghị, đại diện Sở Công thương TP Hà Nội cho biết, năm 2014 tại Hà Nội, vải thiều tiêu thụ gần 30 nghìn tấn, chiếm 30% thị trường nội địa. Trong đó 20% của Bắc Giang, 10% của Hải Dương. Tới đây, Sở Công thương Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Công thương Bắc Giang tổ chức lễ hội vải thiều tại Hà Nội nhằm quảng bá nông sản này. Sở cũng có văn bản gửi đến cơ quan chuyên môn cho phép xe tải hạng nhẹ chở vải trực tiếp bán cho người dân nội thành. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang nên hướng dẫn thương nhân dán nhãn vải thiều trên phương tiện chuyên chở để người tiêu dùng dễ nhận biết.

Đối với xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc, theo Chi cục Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn), hằng năm vào vụ vải thiều, Chi cục luôn có kế hoạch ưu tiên làm thủ tục xuất khẩu, tránh ùn ứ song do nhiều nguyên nhân vẫn có tình trạng xe tồn đọng tại cửa khẩu. Để tháo gỡ những vướng mắc này, mới đây UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác liên ngành điều hành xuất khẩu nông sản; đồng thời đưa ra giải pháp chống ùn tắc, ưu tiên phân luồng phương tiện chở hoa quả có thời gian bảo quản ngắn.

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị ngành chức năng, chính quyền địa phương chỉ đạo sản xuất và thu hoạch vải thiều bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; duy trì và phát triển thương hiệu “Vải thiều Lục Ngạn” và “Vải sớm Phúc Hòa”; có biện pháp kỹ thuật giúp kéo dài thời gian thu hoạch và thời gian bảo quản sau thu hoạch cho quả vải thiều. Đồng thời các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý ổn định giá các mặt hàng phục vụ tiêu thụ vải như đá cây, hộp xốp, túi ni lông… không để tăng cao bất thường khiến các thương nhân ép giá vải thấp xuống.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Đồng chí Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải năm nay, cơ quan chuyên môn cần bám sát cơ sở, chung tay cùng người dân. Sở Công thương nghiên cứu, dự báo diễn biến thị trường, nhất là thị trường phía Nam để thông tin kịp thời; phối hợp tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại tại các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn và TP Hồ Chí Minh. UBND các huyện có diện tích vải thiều lớn có phương án khai thác chợ nông thôn hoặc công trình phù hợp để phục vụ thu mua vải; tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất đá lạnh, thùng xốp không đẩy giá lên cao; quản lý chặt chẽ đội ngũ thu mua, lao động thời vụ; ưu tiên cấp điện phục vụ mùa vải thiều. Các ngân hàng bảo đảm nguồn vốn, ưu tiên cho vay tiêu thụ vải thiều. Đồng chí cũng đề nghị, các cơ quan báo chí thông tin trung thực về tình hình vải thiều, góp phần giúp tiêu thụ vải thiều thuận lợi. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Hạnh trao Văn bằng Bảo hộ nhãn hiệu vải thiều tại 5 nước cho lãnh đạo huyện Lục Ngạn.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Hạnh trao Văn bằng Bảo hộ nhãn hiệu vải thiều Lục Ngạn tại 5 nước là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia cho đại diện lãnh đạo huyện Lục Ngạn.

 

Đức Thọ - Nguyễn Đoàn

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.