Hát đối đáp- điểm nhấn trong Ngày hội Văn hóa huyện

Một trong những nội dung quan trọng của Ngày hội Văn hoá Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn lần thứ XVIII năm 2015 được đông đảo khán giả đến xem đó là phần thi hát đối đáp của các câu lạc bộ dân ca các dân tộc trong huyện. 
Hát dân ca các dân tộc thể hiện sự ứng đối tài hoa của mỗi người với những lời hát ví von, bóng bẩy, tinh nghịch, xa xôi, ẩn chứa rất nhiều hàm ý; hát dân ca các dân tộc có một ý nghĩa quan trọng, nó như một sợi dây vô hình kết nối giữa các nhóm người mà có thể chưa quen biết với nhau; thông qua hát đối đáp, giao duyên tại lễ hội, biết bao đôi nam thanh, nữ tú đã bày tỏ tình cảm qua các làn điệu dân ca đằm thắm mà nên vợ, nên chồng...
Ngay từ sáng sớm, các thành viên ở các câu lạc bộ hát dân ca các dân tộc trong trang phục dân tộc mình đã tề tựu tại khu vực sân khấu trung tâm để dự thi hát đối đáp. Họ tới đây để ôn lại truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc, rồi cùng cất cao tiếng hát của dân tộc mình với âm hưởng thiết tha, dìu dặt, hòa quện vang vọng núi rừng.
Hát Sọong Cô của dân tộc Sán Dìu tại ngày hội

Hát dân ca các dân tộc là loại hình xướng ca đặc sắc có những làn điệu dặt dìu, réo rắt, được cất lên từ những lời ca tự biên tự diễn, những câu ca dân gian ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, thiên nhiên, công lao của ông bà, cha mẹ, răn dạy con người sống có đức, có nhân, có hiếu, ca ngợi lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp. Hát dân ca các dân tộc đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ ở  các gia đình, bản làng, thôn xóm. Tuy nhiên trước đây, việc tổ chức giao lưu giữa các câu lạc bộ chưa được thường xuyên; nhiều trẻ em không được cha mẹ dạy cho tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; những bộ trang phục được dệt từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ ít được mặc trong những ngày lễ hội, thay vào đó bằng những bộ trang phục của người kinh. Do bận rộn với cuộc sống, trai gái không còn có điều kiện tập trung để hát dân ca, nên các làn điệu dân ca bị mai một dần. Ngoài ra, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm, đầu tư một cách thỏa đáng đến việc hát dân ca của các dân tộc.v.v. 

Hát Sình Ca dân tộc Cao Lan xã Đèo Gia 
Anh Lục Văn Tích- CLB hát dân ca dân tộc Nùng xã Sơn Hải bên cây đàn tính

 

Xuất phát từ nhu cầu chính đáng của nhân dân các dân tộc trong huyện, UBND huyện có chủ trương đẩy mạnh việc bảo tồn và phát triển truyền thống văn hóa mang tính bản sắc của các dân tộc huyện Lục Ngạn. Trong đó khuyến khích việc khôi phục các lễ hội dân gian, văn hóa dân gian lồng ghép với tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Tại các lễ hội trên địa bàn huyện Lục Ngạn, hát dân ca các dân tộc đã trở thành quen thuộc trong đời sống đồng bào các dân tộc. Thấm nhuần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) “về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy loại hình văn hoá dân ca các dân tộc trong huyện đã thật sự được quan tâm. Huyện Lục Ngạn đã chọn hát dân ca các dân tộc là điểm khởi đầu và bồi dưỡng đội văn nghệ các câu lạc bộ, các nghệ nhân làm hạt nhân cho việc truyền bá, khôi phục truyền thống văn hóa các dân tộc. Đến nay, toàn huyện có 25 câu lạc bộ hát tiếng dân tộc, trong đó có 9 CLB hát tiếng dân tộc Sán Dìu, 11 CLB hát tiếng dân tộc Nùng, 2 CLB hát tiếng Sán Chí, 2 CLB hát tiếng dân tộc Tày, 1 CLB hát tiếng dân tộc Cao Lan. Đặc biệt, hát dân ca Sán Chí xã Kiên Lao và hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan xã Đèo Gia được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia càng có dịp tỏa sáng tại ngày hội. 
Bằng hướng đi phù hợp với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa các dân tộc trong huyện, chắc chắn nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc sẽ được giữ gìn mãi mãi cho muôn đời sau./. 
 
Quang Huấn

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.