Lục Ngạn phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao

 
Trong những năm qua để phát triển kinh tế của huyện, cấp ủy, chính quyền huyện Lục Ngạn đã xác định phát huy những lợi thế của địa phương: phát triển nông nghiệp (đặc biệt là cây ăn quả), phát triển kinh tế rừng, tăng tỷ lệ lấp đầy các cụm điểm công nghiệp và làng nghề nông thôn nhằm tạo điều kiện công ăn việc làm ổn định, giúp nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững. Và thực tiễn đã chứng minh, từ sự năng động của người dân mà trong mùa xuân mới này nhiều gia đình đã thoát nghèo.
Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lục Ngạn lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2010- 2015), Huyện ủy đã xây dựng 5 chương trình phát triển kinh tế xã hội trọng tâm giai đoạn 2010-2015. Cuối năm 2013, UBND huyện đã xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2014- 2020. Do xác định đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm nên kinh tế của huyện ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm 2012 (27,49%); 2013 (24,12%); năm 2014 (20,18).
Vải thiều là cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây ăn quả, làm nên thương hiệu uy tín và là niềm tự hào của người dân Lục Ngạn, đến nay cây vải thiều đã có mặt trên đất Lục Ngạn được khoảng 60 năm. Diện tích cây vải hiện có 17.500 ha chiếm 79,54% diện tích cây ăn quả của huyện. Cách đây mấy chục năm, phong trào biến đồi hoang thành đồi vải thiều được nông dân các xã vùng thấp của huyện sôi nổi hưởng ứng. Diện tích vải thiều của huyện thời kỳ cao điểm lên tới 24 nghìn ha.
Thời kỳ đầu, do phong trào trồng vải thiều tự phát, vai trò của khoa học kỹ thuật còn mờ nhạt, các nhà khoa học của tỉnh cũng chưa có đề tài nào nghiên cứu sâu về cây vải thiều, cho nên khi sâu bệnh xuất hiện, người trồng vải lúng túng, dùng thuốc bảo vệ thực vật phun tùy tiện, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sản phẩm. Thời gian thu hoạch vải thiều dồn dập, ngắn nhưng kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch chưa có, nên chất lượng vải thiều xuống cấp nhanh, ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị kinh tế của quả vải. 
Đánh giá đúng vị trí, tầm quan trọng của cây vải thiều ở huyện Lục Ngạn, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan cùng vào cuộc giúp Lục Ngạn nâng cao giá trị kinh tế của vải thiều, từng bước khắc phục tình trạng "được mùa rớt giá". Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Cây ăn quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện Nông nghiệp Việt Nam đưa quy trình sản xuất vải thiều VietGap vào ứng dụng. Từ vài hộ với diện tích một đến hai ha, đến nay đã có hàng nghìn hộ nông dân ở Lục Ngạn áp dụng thành thạo quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình VietGap với diện tích 8.500 ha. Nhờ vậy, chất lượng được nâng lên, quả vải ngọt hơn, mầu sắc đẹp hơn. Vải thiều áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap giá bán cao hơn vải trồng không áp dụng kỹ thuật VietGap từ 30 đến 50%. Hầu hết vùng vải áp dụng nghiêm túc quy trình kỹ thuật được khách hàng thu mua để xuất khẩu.
Hằng năm, trước vụ thu hoạch, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn cử các đoàn công tác đến các thành phố lớn khai thông thị trường tiêu thụ trong nước, đến các tỉnh biên giới Việt - Trung có cửa khẩu giao thương với thị trường Trung Quốc để trao đổi, thống nhất với chính quyền và các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc. Những giải pháp kịp thời của tỉnh và huyện đã khắc phục một phần khó khăn của người trồng vải thiều ở Lục Ngạn. Vụ vải năm 2015 huyện Lục Ngạn tuyên truyền để nhân dân tiếp cận với công nghệ CAS (Cenll Alive System)- công nghệ bảo quản tế bào do công ty ABI (Nhật Bản) nghiên cứu, sáng chế- trong bảo quản và các công nghệ bảo quản tiên tiến khác nhằm phục vụ cho xuất khẩu vải thiều sang các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, các nước Trung Đông… Đồng thời để tránh phụ thuộc vào một thị trường, huyện sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quản bá thương hiệu vải thiều, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Ngoài ra UBND huyện cũng đề nghị UBND tỉnh, các bộ, ngành liên quan có giải pháp hỗ trợ hiệu quả về giống, quy trình sản xuất, bảo quản… để bà con nông dân của huyện kéo dài thời gian thu hoạch và bảo quản vải thiều; xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều; UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, các tỉnh biên giới có cửa khẩu tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho huyện Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung trong việc tiêu thụ vải thiều… Do vậy mấy năm gần đây nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap, đặc biệt là sự quan tâm của các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác xúc tiến thương mại nên đã nâng cao giá trị của quả vải thiều, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển. Năm 2013 sản lượng vải thiều toàn huyện là 72 nghìn tấn, giá bán 18 nghìn đồng/1 kg, giá trị đạt 1.296 tỷ đồng. Năm 2014, thời tiết thuận lợi vải thiều Lục Ngạn được mùa; sản lượng đạt 130 nghìn tấn (tăng 58 nghìn tấn so với năm 2013) giá bán bình quân 12,5 nghìn đồng/1 kg nông dân huyện Lục Ngạn đã thu về hơn 1.600 tỷ đồng. Bên cạnh thị trường truyền thống là Trung Quốc, vụ vải năm qua huyện Lục Ngạn còn mở rộng thị trường ra các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapo thông qua xuất quả tươi và xấy khô.
 
Tuy nhiên, mặc dù tỉnh, huyện, các ngành hỗ trợ kỹ thuật, tìm thị trường... nhưng mỗi vụ, Lục Ngạn vẫn có hàng chục nghìn tấn vải thiều, thời gian thu hoạch ngắn. Từ thực tiễn trên, Lục Ngạn đã và đang tích cực triển khai đề án: Phát triển một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện (giai đoạn 2014 - 2020), với tổng vốn đầu tư trên 27 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 60%. Hiện nay diện tích cây có múi trên địa bàn huyện đạt hơn 1,2 nghìn ha, trong đó cam Canh, cam Vinh 580 ha, sản lượng ước đạt 2.600 tấn, giá trị đạt 104 tỷ đồng; bưởi Diễn, bưởi Da Xanh 359 ha, sản lượng ước đạt trên 4.400 tấn, giá trị đạt 30 tỷ đồng, còn lại là cây có múi khác.Theo các nhà khoa học, điều kiện đất và tiểu vùng khí hậu của Lục Ngạn rất thích hợp với nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: cam Đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn, táo Đài Loan.v.v. Qua so sánh cam Đường Canh cho thu nhập gấp 17 lần, cam Vinh gấp 9,6 lần so với cây lúa... Thực tế cho thấy, một số hộ gia đình ở Tân Mộc trồng cam đường Canh cho năng suất 27 tấn/ha, giá bán từ 45 đến 60 nghìn đồng/kg. Giá trị thu nhập trên một ha đạt 1,3 tỷ đồng. Bưởi da xanh được trồng ở các xã Thanh Hải, Hồng Giang... năng suất 12,5 tấn/ha; giá trị đạt trung bình 450- 500 triệu đồng/ha. Các cây táo Đài Loan, Thanh long ruột đỏ bước đầu trồng thử nghiệm cho kết quả tốt.Mục tiêu của Đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2014- 2020 là chuyển đổi 112,8 ha lúa một vụ không ăn chắc, 3.019 ha đất trồng cây ăn quả khác để đến năm 2020 tăng diện tích vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; tổng diện tích cây ăn quả 22.112,8 ha, diện tích vải thiều 16 nghìn ha, trong đó vải thiều VietGap 10.000 ha, các loại cây ăn quả khác 6.112,8 ha. Theo quy hoạch của đề án, Lục Ngạn chia thành các vùng cây ăn quả gồm: Vùng trồng và thâm canh cam đường Canh có 12 xã, diện tích 900- 950 ha. Vùng cam Vinh có 13 xã, với diện tích 600- 650 ha. Vùng bưởi Diễn có 13 xã, diện tích 620- 650 ha. Vùng bưởi da xanh ở 12 xã, diện tích 310- 320 ha. Táo Đài Loan có 150- 160 ha. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ 6 xã vùng cao trồng thí điểm thâm canh cây thanh long ruột đỏ. Trong quá trình thực hiện sẽ  liên kết chặt chẽ 4 nhà (nhà quản lý, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp) trong việc hỗ trợ và phát triển các vùng cây ăn quả tập trung.Một mùa xuân mới lại về, đồng thời đây cũng là mùa xuân thứ 5 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23. Với quyết tâm xây dựng Lục Ngạn thành vùng cây ăn quả tập trung, phong phú về chủng loại, có giá trị kinh tế cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn đã và đang tích cực đổi mới tư duy kinh tế, biến miền núi Lục Ngạn thành vựa cây trái tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang và trọng điểm của cả nước./.
 
 
Quang Huấn
 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.