Tuyên truyền sâu rộng, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Hội nghị T.Ư 6

(BGĐT) -  Ngày 6/12, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ hai. Hội nghị do Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu kết luận Hội nghị.

Tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang, đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì. Cùng dự có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh...

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến.

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển KT-XH 

Truyền đạt Chuyên đề “Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh: Trong hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm (2011-2020), toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng đẩy mạnh CNH, HĐH, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm. Tuy nhiên, vẫn chưa thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy CNH, HĐH; doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế. Quá trình đô thị hóa cũng chưa đồng bộ, chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với CNH, HĐH và xây dựng nông thôn mới.

Quan điểm chỉ đạo của T.Ư là: CNH, HĐH đất nước là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển KT-XH. 

Đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Mặt khác, phải khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương.

Quá trình thực hiện cần có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng; xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.

Nghị quyết đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như: Tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp…

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.

Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thông tin Chuyên đề về “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết: Những năm qua, phát triển và tổ chức không gian phát triển các hoạt động KT-XH, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ đất nước đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phát triển vùng, liên kết vùng chuyển biến tích cực, hình thành nhiều vùng kinh tế lớn, quan trọng cho phát triển đất nước. Bước đầu hình thành những hành lang kinh tế trên địa bàn các vùng, liên vùng, nhất là hành lang gắn với các đô thị lớn. Không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức không gian phát triển vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: Không gian phát triển bị chia cắt nhiều theo địa giới hành chính, liên kết vùng còn nhiều bất cập. Đầu tư phát triển còn dàn trải; chưa tập trung nguồn lực để hình thành rõ các vùng động lực có vai trò đi đầu, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế đất nước.

Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên các nguyên tắc, quan điểm đó là: Nhận thức, quán triệt sâu sắc, đầy đủ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021 - 2030); bám sát và cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; căn cứ vào thực tế phát triển đất nước, đặc biệt là tổ chức không gian phát triển quốc gia 10 năm gần đây, xu thế phát triển trong nước và quốc tế.

Không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức khoa học, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng trên cơ sở 6 vùng KT-XH hiện nay, khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và toàn vùng. Quy hoạch tổng thể quốc gia phải bảo đảm tính khả thi, tính kết nối cho các giai đoạn tiếp theo, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nền kinh tế.

Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, nước, rừng và các loại khoáng sản. Bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tập trung ưu tiên hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Việc học tập, nghiên cứu nghị quyết phải thường xuyên, toàn diện, xuyên suốt nhiệm kỳ

Phát biểu kết luận, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết đã được triển khai nghiêm túc, bài bản; phân tích, nhấn mạnh các nội dung quan trọng trong các nghị quyết đã được Ban Chấp hành T.Ư ban hành tại Hội nghị T.Ư 6.

Đồng chí đề nghị, việc học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, kết luận của hội nghị T.Ư phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, xuyên suốt nhiệm kỳ, đồng thời tích cực giới thiệu mô hình, điển hình hay trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt, quan tâm đổi mới mạnh mẽ việc triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận của T.Ư bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là các đảng đoàn, Ban cán sự Đảng ở T.Ư khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa nội dung các nghị quyết, kết luận của Hội nghị T.Ư 6, kế hoạch thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, khả thi, hiệu quả với phương châm “Chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20”.

Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nghị quyết; thông tin báo cáo kết quả thực hiện, kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở cơ sở.

Đồng chí Võ Văn Thưởng tin tưởng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tinh thần đồng lòng đoàn kết của nhân dân, các nghị quyết của Đảng sẽ sớm đi vào cuộc sống; tạo sự chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ trên các lĩnh vực, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Các đại biểu theo dõi hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Các đại biểu theo dõi hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn

Sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến toàn quốc, đồng chí Dương Văn Thái phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Bắc Giang. Để sớm đưa các nghị quyết vào thực tiễn, đồng chí đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh thực hiện nghiêm túc những nội dung chỉ đạo, kết luận của đồng chí Thường trực Ban Bí thư cũng như nội dung báo cáo viên đã trình bày, lưu ý trong quá trình truyền đạt các nghị quyết, kết luận. Đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nội dung như:

Khẩn trương rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết cho số đảng viên còn lại chưa được triệu tập tại hội nghị lần này và số đảng viên đã được triệu tập nhưng vắng hoặc không tham gia đầy đủ theo đúng yêu cầu tại Kế hoạch số 67-KH/TU ngày 16/11/2022 của BTV Tỉnh ủy; bảo đảm 100% cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh được nghiên cứu, học tập và hoàn thành xong trong tháng 12/2022.  

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung nghị quyết, kết luận Hội nghị T.Ư 6 đến đông đảo các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức và tăng cường đồng thuận xã hội. Các cơ quan báo chí tập trung thông tin tuyên truyền các nội dung nghị quyết và việc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức phổ biến, tuyên truyền nghị quyết đến đoàn viên, hội viên, các chức sắc, tôn giáo bằng hình thức phù hợp. 

Các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiên cứu tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để thảo luận, phân tích chuyên sâu các nội dung liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. 

Trên cơ sở các nghị quyết của T.Ư, Kế hoạch của Bộ Chính trị; Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của BTV Tỉnh ủy (sau khi ban hành), các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương phải khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn, bảo đảm khả thi, thiết thực, hiệu quả. Mục tiêu phấn đấu trong quý II/2023 hoàn thành việc ban hành các văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 ở tất cả các cấp.

Đồng chí Dương Văn Thái phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Dương Văn Thái phát biểu tại hội nghị.

Cùng thời gian, đồng chí Dương Văn Thái thông tin nhanh một số nét chính về tình hình của tỉnh trong năm 2022 và quán triệt một số nội dung cần tập trung trong thời gian tới. Đồng chí cho biết: Năm 2022, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức song với sự đoàn kết, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành; sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình KT-XH của tỉnh có bước phát triển rất tích cực, đạt nhiều kết quả ấn tượng. 18 chỉ tiêu chủ yếu năm 2022 đề ra đều cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức, nhiều chỉ tiêu nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. 

Quy mô nền kinh tế của tỉnh tiếp tục được mở rộng, lần đầu tiên vươn lên đứng thứ 13 cả nước và đứng đầu các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt; đời sống nhân dân ổn định, nhiều mặt được nâng lên.  

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực, đã tổ chức thành công đại hội chi bộ gắn với bầu cử trưởng thôn, tổ dân phố (tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên đạt 92,4%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX). Đặc biệt, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ngày càng được khẳng định; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, hình ảnh, vị thế của tỉnh được khẳng định và nâng lên tầm cao mới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh, năm 2023 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm bản lề thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, dự báo sẽ có không ít khó khăn, thách thức. Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trước mắt cần tranh thủ tối đa thời gian còn lại của năm 2022 đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 đã đề ra; khẩn trương xây dựng, ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác năm 2023 bảo đảm sát tình hình thực tế.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tổng kết, đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, cán bộ, đảng viên cuối năm. Tập trung chuẩn bị tốt cho Tết Nguyên đán Quý Mão. Đặc biệt cần quan tâm thực hiện tốt các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà, chăm lo Tết đối với các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, các trường hợp khó khăn... bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết.  

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý các địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường…

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; tập trung đấu tranh với các đối tượng lợi dụng pháp luật, nhận tiền của dân, lôi kéo, kích động nhân dân khiếu kiện phức tạp, gây mất ổn định tình hình địa phương.

Đồng chí Dương Văn Thái đề nghị, trên từng cương vị công tác, nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ, đảng viên phải tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong thời gian tới để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; xây dựng ngành, địa phương, đơn vị ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh. 

Theo Báo Bắc Giang

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.