Trồng cam ở địa hình khó, thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã tìm cách gia tăng giá trị của cây trồng bằng việc tập trung đầu tư phát triển cây có múi được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Thu nhập ổn định từ việc trồng quả sạch đã giúp đời sống người dân ngày càng khởi sắc. Điển hình như mô hình trồng cây có múi của gia đình bà Trần Thị Lan ở thôn Cầu Meo, xã Nam Dương đã thành công như thế.

Về thăm mô hình cam lòng vàng và cam ngọt rộng gần 2ha được sản xuất theo quy trình VietGAP của gia đình bà Trần Thị Lan ở thôn Cầu Meo, xã Nam Dương. Ở thời điểm đầu vụ, những quả cam lòng vàng đã có màu vàng óng, thơm lừng và mọng nước.

Nhận thấy cam lòng vàng có thể phát triển tốt trên đất đồi Lục Ngạn, thị trường tiêu thụ lại thuận lợi. Nhất là khi đã làm chủ được khoa học kỹ thuật gia đình bà mới mạnh dạn cải tạo gần 2ha đất đồi trồng 500 cây cam lòng vàng và 800 cây cam ngọt.

Vụ cam năm nay gia đình bà Trần Thị Lan, thôn Cầu Meo, xã Nam Dương ước thu 20 tấn quả.

 

Nhiều năm gần đây, vườn cam nhà bà Lan luôn cho thu hoạch ổn định với sản lượng đạt từ 15 đến 20 tấn quả/năm, giá trị thu về đạt khoảng 500 triệu mỗi vụ. Bà Lan chia sẻ: Nhờ việc áp dụng khoa học kỹ thuật cho quả cam chất lượng rất tốt, mẫu mã đẹp, đầu ra cũng ổn định hơn, dễ bán. Năm nay, thương lái đến tận vườn đặt mua từ đầu vụ nhưng gia đình chưa chốt giá.

Cũng như gia đình bà Lan, hiện nay nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Nam Dương đã thực hiện sản xuất thành công mô hình cam lòng vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thực hiện mô hình này, ngoài kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc vườn cam có sẵn các hộ gia đình còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP được hỗ trợ 1 phần phân bón cho cây. Theo đó, trong quá trình chăm sóc vườn cam như: bón phân, tưới nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật loại nào, trong thời gian nào đều được ghi chép cẩn thận trong sổ nhật ký. Không những vậy còn sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược thay thế cho thuốc hóa học trong phòng trừ sâu bệnh hại cho cây cam nhằm đảm bảo hơn cho người sử dụng.

Hiện xã Nam Dương có 470ha trồng cây ăn quả, trong đó: Diện tích cây có múi chiếm khoảng 60%, năm nay sản lượng ước đạt trên 3 nghìn 300tấn. Nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học vào sản xuất hàng năm UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2019, xã đã xây dựng mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích trên 10ha. Ngay khi triển khai áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP các gia đình được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại cho cây cam, nội dung quy trình sản xuất rau quả tươi an toàn, hướng dẫn cách ghi chép công việc, các biện pháp kỹ thuật tác động trên vườn cam và sổ nhật ký đồng ruộng theo dõi kỹ về độ ẩm, lựa chọn kỹ về dinh dưỡng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn để chăm sóc và kiểm tra chặt chẽ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là phương thức canh tác hiện đại, an toàn cho người trồng, sản phẩm cũng như không gây ỗ nhiễm môi trường, tiết kiệm khoảng chi phí về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Thân Văn Thi, cán bộ Khuyến nông xã Nam Dương, nói: Xã đã xây dựng kế hoạch để phát triển sản phẩm cây ăn quả, chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn cho bà con nông dân quy trình trồng. Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như mô hình tưới tự động. Hiện nay, diện tích trồng cam áp dụng hệ thống tưới tự động ở toàn xã khoảng trên 15ha.

Ngoài xã  Nam Dương, hiện tại toàn huyện Lục Ngạn có tập toàn cây ăn quả có múi với tổng diện tích gần 7.000 ha tập trung nhiều ở các xã Thanh Hải, Hồng Giang, Tân Quang, Trù Hựu, Phượng Sơn, Quý Sơn với các loại cây như cam lòng vàng, cam ngọt, bưởi ngọt, bưởi da xanh, ...Tuy nhiên, trong số đó, diện tích được cấp giấy chứng nhận VietGAP chưa nhiều. Vì vậy việc cấp giấy chứng nhận VietGAP cho cây có múi không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm được tiêu thụ ở các thị trường khó tính như siêu thị và xuất khẩu mà còn giúp cho người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm sạch, an toàn. Đây đang là xu thế phát triển cây ăn quả của huyện Lục Ngạn.

Để đảm bảo thị trường tiêu thụ giữ vững giá trị của các loại cây ăn quả, UBND huyện thường xuyên tuyên truyền vận động bà con phát triển các mô hình liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả, đồng thời xây dựng các kênh thị trường thông qua các phương thức hội chợ, tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến thương mại. Có chính sách khuyến khích các công ty ký hợp đồng với các hộ trên địa bàn tỉnh thu mua sản phẩm, tăng cường công tác tuyên truyền giới thiệu sản phẩm quả trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước./.

Phương Thảo

 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.