Thay đổi phương thức canh tác nhằm giảm chi phí đầu vào

Thời điểm này, nông dân trong huyện Lục Ngạn đang tập trung chăm sóc cây ăn quả, đặc biệt là vải thiều. Nhu cầu sử dụng lớn trong khi giá phân bón tăng mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp. Do đó việc, thay đổi phương thức canh tác, giảm dần phân bón vô cơ là giải pháp đang được nhiều nông dân tính đến...

Không phải đến bây giờ mà từ năm ngoái, giá một số loại phân bón đã biến động mạnh và tiếp tục tăng trong thời gian gần đây. Khảo sát thị trường trên địa bàn tỉnh cho thấy, giá đạm u rê và kali nhập khẩu tăng mạnh nhất. 

 Anh Ngô Văn Hùng, xã Thanh Hải sử dụng phân bón vi sinh để chăm sóc vải thiều.

 

Cụ thể, đạm u rê Hà Bắc đang được bán phổ biến ở mức 17 nghìn đồng/kg, tăng 10 nghìn đồng; kali Hà Anh giá 16,2 nghìn đồng/kg, tăng hơn 2 lần so với vụ xuân năm trước. Lân và NPK giá tăng ít hơn nhưng cũng ở mức 30 - 50% so với cùng kỳ năm trước. Super lân Lâm Thao tăng từ 3 lên 4 nghìn đồng/kg, NPK Lâm Thao 5.10.3 tăng từ 4 lên 6 nghìn đồng/kg, NPK Lâm Thao 12.5.10 tăng từ 6 nghìn lên 9 nghìn đồng/kg. 

Theo một số đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón, thị trường sản phẩm này biến động mạnh là do ảnh hưởng của tình hình thế giới, nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón tăng mạnh. Trung Quốc - nhà sản xuất, cung ứng phân bón hàng đầu thế giới hạn chế xuất khẩu phân bón để ưu tiên cho sản xuất trong nước. Giá cước vận chuyển, logistic cũng tăng lên...

Giá phân bón tăng mạnh tác động trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, làm không ít hộ dân lo lắng. Gia đình anh Lê Văn Thiết, thôn Thượng Vũ, xã Quý Sơn có gần 2 ha vải thiều. Năm 2021, anh mua cả phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hết khoảng 20 triệu đồng. Năm nay, do giá phân bón tăng cao, anh mới mua 5 tạ đạm, 2 tạ kali, 2 tấn lân đã hết hơn 20 triệu đồng. Nếu cộng cả hơn chục triệu tiền mua thuốc bảo vệ thực vật nữa sẽ hết khoảng 35 triệu đồng. “Đầu tư chăm sóc tốn như vậy nhưng chưa biết giá vải tới đây như thế nào, rất mong Nhà nước có biện pháp bình ổn giá phân bón để nông dân yên tâm sản xuất”, anh Thiết kiến nghị.

Cùng nỗi lo như anh Thiết, anh Vi Ngọc Tám, thôn Vành Dây, xã Giáp Sơn cũng đang hoang mang trước tình hình phân bón liên tục tăng giá như hiện nay. Để bón cho hơn 1ha vải thiều của gia đình, anh Tám phải chi ra khoảng 7 triệu đồng tiền mua phân bón cho cây trong giai đoạn đầu vụ. So với năm ngoái, số tiền mua phân lân tăng thêm gần 3 triệu đồng, chưa kể tiền mua phân đạm. "Dù giá phân bón liên tục tăng, gia đình tôi vẫn phải đầu tư chăm sóc cho cây vải"- anh Tám nói.

Để thích ứng với điều kiện phân bón tăng giá như hiện nay, không ít hộ gia đình trồng vải ở Lục Ngạn đã canh tác vải thiều theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại phân vi sinh. Thực tế, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển hướng chăm sóc theo mô hình canh tác hữu cơ cho hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình ông Trần Đình Én, thôn Tân Trường, xã Thanh Hải. Phân bón từ cá được ngâm ủ kỹ, phân gà hoai mục, đỗ tương ngâm và một số loại phân bón hữu cơ, sinh học được ông Én dùng để tưới cho cây. Ông dùng các loại khoáng để phòng côn trùng, ruồi vàng. 

Nhờ đó, vườn bưởi với hơn 700 gốc cho quả đều, mã đẹp và không nhiễm sâu bệnh. Sau 3 năm chăm sóc bưởi theo phương pháp hữu cơ, khu vườn của gia đình ông Én có nền đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Mỗi năm ông xuất bán ra thị trường khoảng 5 đến 6 vạn quả bưởi, thu khoảng 1,2 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, trước tình hình giá cả phân bón không ngừng tăng cao như hiện nay, chủ trương của huyện là vận động nông dân ứng dụng các mô hình sản xuất cải tiến, sử dụng các chế phẩm sinh học, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Dự báo, thời gian tới giá phân bón tiếp tục biến động, nhất là giá kali. Do vậy, người dân cần nắm chắc tình hình sinh trưởng và phát triển của cây trồng để sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý, chủ động chuyển sang sử dụng các loại phân bón khác thay thế phân hóa học nhằm hạn chế tác động từ việc tăng giá.

 

Quang Huấn

 

 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.