Quý Sơn kết nối tiêu thụ vải thiều cho nhân dân

Trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn đẩy mạnh tuyên truyền người dân áp dụng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap nên chất lượng, giá trị sản phẩm ngày càng nâng lên. Cùng đó, xã chỉ đạo thành lập các mô hình tổ, nhóm, Hợp tác xã (HTX) sản xuất, tiêu thụ, tạo liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

          Là thành viên HTX nông lâm nghiệp Tiến Hưng, thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn, gia đình chị Mã Thị Liên có hơn 2 ha vải thiều. Nhờ được chăm sóc đúng hướng dẫn nên vải thiều có mã đẹp, năm nay ước đạt khoảng 15 tấn quả. Chi Liên cho biết: Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng việc tiêu thụ vải thiều vẫn hết sức thuận lợi, hiện gia đình đã thu hoạch được hơn 70% diện tích. Đặc biệt, vải thiều của gia đình được HTX đến cân tại vườn, với giá cao hơn ngoài thị trường.

Người dân xã Quý Sơn thu hoạch vải thiều chính vụ.

HTX nông lâm nghiệp Tiến Hưng, thôn Đồng Giao có 12 thành viên. Với 15 ha vải thiều, năm nay sản lượng ước đạt 130 tấn quả tươi. Theo đó, mỗi thành viên HTX đều có trách nhiệm gây dựng và giữ vững thương hiệu bằng việc sản xuất ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp. Nhiều năm qua, HTX không chỉ liên kết tiêu thụ hết sản phẩm cho thành viên với giá bán cao, mà còn tiêu thụ hàng trăm tấn vải thiều cho người dân quanh vùng.

Năm nay do dịch Covid-19 nên việc thuê lao động gặp khó, do đó HTX đưa ra phương pháp mới là thu hoạch vải theo phương pháp đổi công, được các thành viên hưởng ứng. Đơn cử như hôm nay nhóm thành viên thu hoạch đổi công cho gia đình chị Liên, chỉ trong buổi chiều đã thu hoạch gần 1 tấn hàng, cung cấp đủ lượng hàng cho HTX cung cấp cho doanh nghiệp- “ông Tăng Bá Hải, Phó Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Tiến Hưng nói”.

          Cùng thôn Đồng Giao, gia đình ông Vũ Văn Mến là một trong 7 hộ dân được Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện chọn cấp mã vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu. Với 10 ha vải thiều, vụ này các hộ gia đình trong nhóm sản xuất dự kiến thu hoạch khoảng 80 tấn vải thiều tươi. Đến nay đã thu hoạch được khoảng 40% sản lượng với giá bán cao, ổn định.

Là trưởng nhóm sản xuất, nên cùng với việc hướng dẫn thành viên chăm sóc, ông Mến còn là đầu mối kết nối sản phẩm để xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu và Công ty Bamboo.     

Vải thiều của HTX nông lâm nghiệp Tiến Hưng.

 Xã Quý Sơn có diện tích trồng vải thiều lớn nhất huyện, với 2,1 nghìn ha, năm nay ước đạt khoảng 18 nghìn tấn quả. Những năm qua, UBND xã đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân sản xuất vải thiều an toàn, tham gia các tổ, nhóm, HTX sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đến nay xã đã thành lập được 8 HTX, 25 tổ nhóm sản xuất ở 25 thôn, với hơn 1,2 nghìn thành viên.

Bước vào vụ thu hoach vải thiều năm nay, UBND xã Quý Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ nhân dân thu hoạch, tiêu thụ vải thiều; cung cấp số điện thoại của lãnh đạo UBND và Trưởng Công an xã để nhân dân kịp thời liên hệ, phản ánh nếu có khó khăn vướng mắc, phát hiện vi phạm liên quan đến mua bán… Cùng đó, tổ chức ký cam kết đối với các chủ cơ sở thu mua không trừ, lùi cân, không gian lận thương mại, chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch trong mua bán vải thiều.

Ông Ngô Xuân Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Quý Sơn cho biết, cùng với các biện pháp trên, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi về chủ trương của UBND huyện Lục Ngạn trong hỗ trợ xây dựng lò sấy vải thiều. Theo thống kê, toàn xã có hơn 500 lò sấy, trong đó có 200 lò xây mới, qua đó giúp chính quyền và người dân chủ động hơn trong tiêu thụ vải thiều trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Với sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế; đặc biệt là sự ủng hộ của người dân, tin tưởng vụ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn xã Quý Sơn nói riêng, huyện Lục Ngạn nói chung sẽ thắng lợi.

 

Quang Huấn- Vũ Đoàn

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.