Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm Lục Ngạn

Sáng ngày 7/7, Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã về thăm cán bộ và nhân dân huyện Lục Ngạn. Đón tiếp nguyên Chủ tịch nước có các đồng chí: Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện ủy; Cao Văn Hoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy.

          Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội (KT-XH), công tác xây dựng Đảng của huyện với nguyên Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Việt Oanh, Bí thư Huyện ủy cho biết: 5 năm qua với quyết tâm, đồng lòng của cán bộ và nhân dân, huyện Lục Ngạn đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.

          Nổi bật, trong 3 năm, từ 2017 đến 2019 toàn huyện đã cứng hóa khoảng 1.500 km đường giao thông; tỷ lệ hộ nghèo đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng trên 20%, nay giảm còn 4,01%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 87 triệu đồng/người/năm. Quốc phòng- an ninh vững chắc.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo huyện Lục Ngạn

 

          Toàn huyện duy trì trên 15 nghìn ha vải thiều, trong đó trên 12 nghìn ha được sản xuất theo quy trình VietGap. Năm nay sản lượng vải thiều toàn huyện ước đạt 95 nghìn tấn, giá bán bình quân 33 nghìn đồng/1kg. Hiện vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia, Trung Quốc... sản lượng trên 60 nghìn tấn. Năm nay Nhật Bản là thị trường mới mở, sản lượng tiêu thụ khoảng 200 tấn, các thị trường khác khoảng 1 nghìn tấn, còn lại là Trung Quốc, khoảng 40% được tiêu thụ nội địa.

          Để giúp nhân dân tiêu thụ vải thiều thuận lợi trước đại dịch Covid-19, bên cạnh sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, huyện Lục Ngạn đã chủ động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho vải thiều. Xây dựng kịch bản tiêu thụ vải thiều sát với thực tế, giúp người nông dân yên tâm sản xuất và bán giá cao.

 Đồng chí Trương Tấn Sang động viên nhân dân sản xuất vải thiều an toàn

 

          Bên cạnh Vải thiều, Lục Ngạn còn có trên 7 nghìn ha cây có múi như cam, bưởi. Năm 2019 sản lượng loại cây này đạt khoảng 60 đến 70 nghìn tấn, giá trị đạt khoảng 1  nghìn tỷ đồng. Cùng đó là các loại cây ăn quả khác như Táo, nhãn, ổi... cũng cho giá trị kinh tế cao.

          Lục Ngạn có làng nghề truyền thống mỳ gạo Chũ, với khoảng 1 nghìn hộ sản xuất, sản lượng hàng năm đạt khoảng 15 nghìn tấn. Hiện tại ngoài tiêu thụ nội địa, tại các siêu thị, mỳ gạo Chũ đã xuất khẩu sang 13 nước trên thế giới. Trong xây dựng NTM, theo kế hoạch nhiệm kỳ 2015-2020 Lục Ngạn có 8 xã về đích, nhưng đến hết nhiệm kỳ đã có 12 xã đạt chuẩn NTM. Trong các xã NTM còn có thôn NTM kiểu mẫu... Cùng với phát triển kinh tế từ cây ăn quả, Lục Ngạn cũng đang định hướng, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế rừng....

          Huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng cấp cơ sở thành công, với tinh thần đoàn kết cao, làm tiền đề tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025...

          Trò chuyện với lãnh đạo huyện, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vui mừng nhận thấy, sau 5 năm thăm lại Lục Ngạn, kinh tế xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày cành cải thiện, hộ nghèo giảm sâu. Đồng chí Trương Tấn Sang tin tưởng, với những định hướng đúng đắn của đảng bộ, chính quyền, cùng sự năng động, sáng tạo của người dân, chắc chắn huyện Lục Ngạn sẽ phát triển mạnh hơn nữa, xứng đáng với tên gọi là “kinh đô” vải thiều.

Đồng chí Trương Tấn Sang thăm vườn vải của gia đình anh Ngô Văn Kiên, thôn Hóa xã Tân Sơn

 

          Tiếp đó, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đi thăm vườn vải thiều của gia đình anh Ngô Văn Kiên, thôn Hóa xã Tân Sơn. Gia đình anh Kiên có 2,5 ha vải thiều, vụ này ước đạt khoảng 30 tấn quả, hiện tại với giá bán hơn 35 nghìn đồng/1kg, vụ này anh có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Đồng chí động viên gia đình anh Kiên phát huy sự năng động, sáng tạo trong sản xuất; duy trì mô hình sản xuất an toàn bảo đảm vệ sinh thực phẩm./.

 

Quang Huấn- Phương Thảo

 

 

Chuyên mục: 

Các tin khác

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.