Người nghệ nhân sinh vật cảnh, thổi hồn vào tác phẩm nghệ thuật

Sau nhiều năm dành trọn đam mê với sinh vật cảnh (SVC), năm 2019, ông Nguyễn Đắc Bích, sinh năm 1957, ở thôn Áp, xã Tân Quang, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Lục Ngạn được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Sinh vật cảnh (SVC) Việt Nam. Đây là sự ghi nhận của Hội sinh vật cảnh Việt Nam dành cho những người yêu thích và truyền đạt kỹ thuật chăm sóc SVC ở địa phương.

Hiện ông Nguyễn Đắc Bích đang sở hữu vườn cây cảnh xanh mướt, có đủ loại dáng, thế độc lạ, đa dạng, với hơn 200 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật được tạo dáng, thế công phu bằng chính đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân. Trong số đó có những cây giá trị hàng trăm triệu đồng.

 Ông Nguyễn Đắc Bích bên tác phẩm cây cảnh được chăm sóc công phu

 

Cơ duyên đến với nghề cây cảnh rất tình cờ. Vào những năm 1995, khi vừa phát triển cây vải thiều, ông Bích đã sưu tầm và mua những cây cảnh đầu tiên về chơi trang trí cho mảnh sân nhà.  Ban đầu chỉ là sở thích chơi cây, nhưng khi đó thấy thị trường bày bán nhiều cây cảnh, cùng với niềm đam mê cây sẵn có, ông Bích quyết định sưu tâm thêm nhiều cây có dáng, thế lạ và nhân rộng rồi trở thành nghề cây cảnh nghệ thuật từ đó. 

Trong quá trình sưu tầm, tạo tác cây cảnh, ông Bích đã lặn lội nhiều nơi đến những vườn cảnh nổi tiếng để học hỏi kinh nghiệm từ người làm nghề đi trước và các nghệ nhân tâm huyết về phương pháp ươm giống, chăm sóc và cung cấp những giống cây cảnh đẹp, hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Không những vậy, ông thường đi gom trên rừng, thậm chí mua phôi cây (những cây nhỏ hoặc gốc nguyên sơ) về tự trồng, uốn thế trên cơ sở học hỏi từ những người giàu kinh nghiệm về chơi SVC. Rồi kết hợp việc học hỏi thực tế với nghiên cứu tài liệu trên mạng, mua sách dạy cách trồng, uốn, tỉa cây. Mỗi cây sanh, si, lộc vừng, duối, hoa giấy hay mai tứ quý…. đều mang đậm tình cảm và dấu ấn cá nhân. Mỗi cây được uốn, tỉa, cắt theo một dáng, kèm theo đó là câu chuyện về lịch sử, ý nghĩa của dáng cây được thổi hồn vào.

Nhờ sự tâm huyết, nhiều tác phẩm do anh uốn, cắt tỉa và tạo tác đã có giá trị nghệ thuật cao được nhiều người đam mê chơi cây cảnh đến thăm và trả giá cao: Như tác phẩm: “Tích thụ phát lộc”, “Cổ mộc đại thụ” và “Quần long hội tụ”. Đây là những cây duối đều hơn 300 tuổi có thế độc được ông sưu tầm về chăm tỉa cách đây gần 20 năm mà bản thân ông rất tâm đắc.

Theo ông Bích, một cây cảnh có giá trị phải hội tụ đủ ba yếu tố: Cổ - kỳ - mỹ. Nghĩa là cây phải già - dáng độc đáo - cành, tán đẹp. Do đó, người chơi phải có khiếu thẩm mỹ, cần cù, tỉ mỉ. Ông Bích cũng là một trong những người khởi xướng và thành lập Hội sinh vật cảnh liên xã khu vực Tân Quang, Phì Điền, Giáp Sơn. Trong quá trình sinh hoạt hội, Ông luôn là người tích cực tham gia xây dựng tổ chức hội lan toả niềm đam mê SVC cho các hội viên khác, nhờ vậy, đến nay Hội sinh vật cảnh liên xã Tân Quang, Phì Điền đã phát triển mạnh mẽ.

Ông Bh thường xuyên trao đổi kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh cho hội viên

 

Với niềm đam mê, sự đóng góp tích cực cho SVC, tại Đại hội Hội sinh vật cảnh huyện Lục Ngạn khóa V, nhiệm kỳ 2018 – 2023, ông Bích được bầu làm Chủ tịch Hội SVC huyện Lục Ngạn. Đến nay, Hội SVC Lục Ngạn có 260 hội viên, nhiều nhất tỉnh. Trong đó, xã Quý Sơn 70 hội viên; Hội SVC liên xã: Tân Quang, Phì Điền, Giáp Sơn có 30 hội viên… Riêng thôn Bồng 1, chỉ với hơn chục người chơi cây cảnh ban, đến nay đã có hơn 60 hội viên, hơn 100/136 hộ trong thôn làm nghề SVC. Từ nghề này, mỗi năm, người dân thôn Bồng 1 thu gần 5 tỷ đồng. Mỗi vườn SVC giá trị từ vài trăm triệu đến hơn chục tỷ đồng. 

Ông Bích mong muốn việc phát triển SVC sẽ rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của chính quyền địa phương, để tạo điều kiện cho SVC phát triển và trở thành một ngành nghề kinh doanh, gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng cây ăn quả của Lục Ngạn. Bởi nghề này ngoài làm đẹp cho đời, giữ môi trường sinh thái còn tạo việc làm, thu nhập cho người dân”.

 

Vũ Đoàn

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.