Người dân Lục Ngạn nhanh chóng khôi phục sản xuất sau lũ

Trận mưa lũ ngày 10/5 vừa qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân tại một số xã vùng cao của huyện, Bên cạnh sự thiệt hại lớn về tài sản; thì hàng trăm ha cây rau màu và cây ăn quả của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ngập úng và bùn đất vùi lấp. Ngay khi lũ rút, cơ quan chuyên môn của huyện đã chỉ đạo bà con khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục lại sản xuất.
 
 Đồng chí Lâm Nguyên Năng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân khôi phục diện tích cây vải thiều bị ngập sau lũ
 
Trận lũ ngày 10/5/2022 đã làm cho gần 300 cây vải (chủ yếu là Thanh Hà) của ia đình ông Ngô Văn Sáu, ở thôn Đồng Láy, xã Kim Sơn bị ngập trong nước. Trong số đó khoảng 150 cây vải đang phát triển quả non bị bùn đất vùi lấp; 60 cây bị bật gốc. Ngay sau khi nước rút, toàn bộ diện tích trên bị bám bùn đất, ông Sáu đã nhanh chóng sử dụng máy bơm nước thau rửa sạch bùn đất toàn bộ phần lá của cây vải để giúp cây quang hợp, nuôi quả và phục hồi sau lũ. Ông Sáu cho biết: sau lũ, lãnh đạo xã và cán bộ khuyến nông đã trực tiếp xuống động viên và kịp thời hướng dẫn các hộ lấy nước sạch rửa đất, bùn còn bám trên lá, vệ sinh vườn cây.
Ông Lục Văn Bột, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn chia sẻ: Để nhanh chóng giúp người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, sau lũ, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn rà soát, thống kê diện tích bị thiệt hại, đồng thời xuống hướng dẫn bà con các biện pháp thau rửa cây (nhất là vải thiều và diện tích sản xuất cây rau màu theo mô hình của nhà nước hỗ trợ), khơi thông rãnh thoát nước và vệ sinh tiêu độc, khử trung vườn, ruộng dần khôi phục lại sản xuất. Do vậy, đến thời điểm này, cơ bản các diện tích bị ngập có thể phục hồi đã được người dân khôi phục, và ổn định sản xuất. Số diện tích còn lại bị cát, đất vùi lấp và gãy đổ, xã cũng đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn thống kê cụ thể để báo báo huyện.
 
Gia đình ông Ngô Văn Sáu, thôn Đồng Láy, xã Kim Sơn sử dụng nước rửa sạch lá vải

 

Theo thống kê sơ bộ, mưa lũ đã khiến cho nhiều diện tích hoa màu và cây ăn quả của người dân bị ngập úng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng xuất, chất lượng sản phẩm. Nhiều diện tích rau màu ngắn ngày bị thiệt hại do bị ngập và bùn đất vùi lấp. Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xuống cơ sở hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp khắc phục, nhanh chóng khôi phục lại sản xuất. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông cơ sở kịp thời thống kê thiệt hại, đồng thời cầm tay chỉ việc cho bà con các biện pháp kỹ thuật như thau rửa bùn đất, vệ sinh ruộng, vườn, tăng cường chăm bón giúp cây nhanh phục  hồi sau lũ.
Thạc sỹ Lâm Nguyên Năng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp Lục Ngạn cho biết: Để giúp bà con nhanh chóng khắc phục những diện tích cây rau màu, cây ăn quả bị ngập úng do mưa lũ, Trung tâm đã có văn bản gửi UBND các xã, đồng thời khuyến cáo bà con một số biện pháp như: Đối với cây ăn quả: Bà con thực hiện khơi thông các rãnh thoát nước xung quanh vườn và rãnh giữa các hàng cây trong vườn; phun nước rửa các lá, quả bị bẩn. Những cây bị đổ nghiêng nên chống níu lại ngay và tỉa các cành dưới thấp, các cành quả sai để hạn chế thoát hơi nước, giảm áp lực xuống bộ rễ cây. Hạn chế bón các loại phân, khi cây ổn định, đất khô ráo có thể sử dụng các loại kích rễ để tưới, giúp bộ rễ khỏe mạnh và cây nhanh phục hồi.  Phun phòng trừ các đối tượng sâu bệnh theo định kỳ.
Đối với cây lúa: Những diện tích bị úng ngập sau khi nước rút khẩn trương vớt các loại rác còn mắc lại trên ruộng lúa. Chú ý phòng trừ các đối tượng như: Ốc bươu vàng, bọ trĩ, sâu ăn lá, sâu cuốn lá, bệnh nghẹt rễ sinh lý, đốm sọc vi khuẩn...
          Đối với các cây rau màu ( Dưa chuột, ngô, đậu tương, ớt, lạc...): Với diện tích bị đổ nghiêng, nước ngập cần: Khẩn trương nâng đỡ, chống níu, làm giàn lại cho cây. Đào rãnh thoát nước xung quanh ruộng và các rãnh giữa các luống để nước nhanh thoát hết ra khỏi ruộng. Thu hoạch ngay những quả đã đến tuổi thu hoạch; Cắt bớt những lá, cành, nhánh ở phần dưới gốc, té nước rửa các lá bẩn.
          Đơn vị cũng lưu ý; Đối với những ruộng có che phủ nilon, nếu khó thoát nước có thể rỡ bỏ hết nilon để mặt ruộng nhanh khô thoáng và bộ rễ phát triển ổn định lại; Phun phòng trừ bệnh sương mai, nấm mốc, giả sương mai bằng thuốc trừ bệnh, Ridomil Gold 68WG, Miravis 200sc... hoặc các thuốc BVTV có hoạt chất Pydiflumetofen, mancozeb...
Với sự tích cực của cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã và sự nỗ lực của người dân, đến nay, cơ bản các diện tích cây ăn quả và rau màu, nhất là các mô hình liên kết sản xuất rau màu xuất khẩu bị ảnh hưởng do mưa lũ đã được khôi phục trở lại, việc sản xuất của bà con dần đi vào ổn định.
 
Vũ Đoàn
 
Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.