Nâng tầm thương hiệu trái Cam Ngọt Lục Ngạn

Đến Lục Ngạn dịp này, du khách thập phương sẽ bắt gặp những vườn cam ngả vàng, ngút ngàn trải dài đang chờ thu hoạch. Nhiều năm qua, loại trái ngọt này là nguồn sinh kế quan trọng, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng ngàn hộ dân  nơi đây.

Lục Ngạn là vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc. Với diện tích trên 28 nghìn ha, sản lượng ước đạt 16.330 tấn/năm. Năm 2020, tổng thu nhập từ cây ăn quả của toàn huyện ước đạt trên 3.300 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của huyện đạt trên 130 triệu đồng/ha, trong đó: chỉ tính riêng diện tích trồng cam Lòng Vàng đã chiếm trên 1.700ha. Cây có múi được trồng tập trung ở các xã Hồng Giang, Tân Mộc, Thanh Hải, Giáp Sơn, Quý Sơn..., năm nay sản lượng cam, bưởi của toàn huyện ước đạt 60 - 70 nghìn tấn, tăng hơn 2 nghìn tấn so với năm trước.

Nhà vườn xã Tân Mộc  thu hoạch cam Lòng Vàng bán cho thương lái đem ra thị trường Hà Nội tiêu thụ.

 

Tại Lục Ngạn hiện nay đang phát triển ba giống cam chính là cam Lòng Vàng, cam Ngọt và cam V2. Ba giống cam này lần lượt ra trái từ tháng 9 đến khoảng tháng 2 và tháng 3 năm của kế tiếp. Mùa chín rộ là vào dịp Tết Nguyên đán. Điển hình trong trồng, chăm sóc và cho thu nhập cao từ  cam Lòng Vàng ở xã Nam Dương phải kể tới hộ bà Trần Thị Hợp, sinh năm 1972, ở thôn Nam Điện. Với gần 10 năm kinh nghiệm trồng Cam Lòng Vàng, hầu như năm nào vườn cam của gia đình bà Hợp cũng cho sản lượng lớn. Năm nay, vườn cây cam gần 1 ha của gia đình bà Hợp dự kiến thu về gần 60 tấn quả. Với giá bán trung bình từ 14 - 20 nghìn đồng/kg tùy loại, trừ mọi chi phí đi cũng đem lại cho gia đình bà Hợp trên 800 triệu đồng/vụ/năm. Không chỉ tích cực chăm sóc vườn cam đảm bảo chất lượng và mẫu mã đẹp, thời gian này gia đình bà Hợp và nhiều hộ làm vườn khác còn chủ động dọn dẹp, trang trí vườn để đón khách tham quan trong những ngày diễn ra Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn năm 2020.

Những năm gần đây, diện tích cây có múi của Lục Ngạn tăng lên nhanh chóng vì người dân thấy hiệu quả nên đã tập trung vốn đầu tư. Tuy nhiên, huyện đã khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích mà tập trung vào chăm sóc, nâng cao chất lượng; quy hoạch cụ thể về diện tích khu vực trồng và kiểm soát chất lượng để giữ gìn thương hiệu cam Lòng Vàng Lục Ngạn. Đồng hành cùng các nhà vườn, UBND huyện đã hỗ trợ, cấp nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm trái cây của các HTX và Hội Sản xuất cây có múi; cung cấp túi đựng hoa quả có in lôgô Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, bảo đảm 100% sản phẩm trái cây đều có tem, nhãn, địa chỉ của các nhà vườn rõ ràng, giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm…

Sản phẩm chủ lực cây có múi của huyện Lục Ngạn vẫn là cam lòng vàng, cam ngọt, bưởi da xanh, bưởi ngọt. Không chỉ cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân và các doanh nghiệp đang đồng hành để chung tay đưa trái ngọt của Lục Ngạn - Bắc Giang ngày một vang tiếng thơm xa.

Quỳnh Nga - Phương Thảo

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.