Lục Ngạn: Triển vọng từ Mô hình nuôi Đà điểu kết hợp với “vỗ” Dê thương phẩm

Với quyết tâm lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, những năm vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Khiêm, ở thôn Hạ Long, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn đã đầu tư mô hình chăn nuôi Đà điểu kết hợp với nuôi “vỗ” Dê thương phẩm đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, năm 2002, anh  Nguyễn Văn Khiêm (SN 1981) đã học nghề lái xe tải và đi làm tại Quảng Ninh. Cũng nhờ nghề lái xe đã giúp Khiêm có điều kiện được đi nhiều nơi, tiếp cận và học hỏi được nhiều mô hình làm kinh tế mới. Trong một lần đến thăm trại giống Đà điểu ở Ba Vì, Hà Nội, Khiêm đã bị thu hút bởi con giống gia cầm đẹp và to lớn này.

Với suy nghĩ quê mình đồng đất còn rộng, có nhiều điều kiện để phát triển mô hình kinh tế mới, đồng thời lập nghiệp ngay tại quê hương, nên đầu năm 2019, Khiêm đã bàn với vợ đầu tư kinh phí xây dựng chuồng trại nuôi Đà điểu. Ban đầu do chư có kỹ thuật chăm sóc, anh chỉ mua 50 con giống mỗi con có giá 2,2 triệu đồng về nuôi thử. Qua quá trình chăm sóc, anh Khiêm nhận thấy: Đà điểu là giống gia cầm có sức đề kháng tốt, hầu như trong suốt quá trình chăn nuôi chúng không có bệnh tật. Chuồng nuôi chỉ cần đổ cát làm nền và được rọn sạch thường xuyên. Thức ăn chủ yếu của Đà điểu là cỏ voi, các loại rau, củ và các loại hạt ngũ cốc… nên không tốn kém.

Anh Nguyễn Văn Khiêm chăm sóc đàn Đà Điểu

 

 Sau 10 tháng chăn nuôi, đà điểu cho sinh trưởng phát triển tốt, từ con giống ban đầu khoảng 1,5 kg/con đã đạt trọng lượng 90 kg – 1 tạ/con và được xuất bán. Gia đình Khiêm bán lứa đầu tiên (chủ yếu cho Trại giống bao tiêu đầu ra), trừ các loại chi phí tiền giống, thức ăn mỗi con thu lãi khoảng 3 triệu đồng.

Anh Khiêm chia sẻ: Nhận thấy chăn nuôi đà điểu không khó, sản phẩm đầu ra lại được bao tiêu sản phẩm nên các năm 2020 và 2021, gia đình Khiêm tiếp tục nhập thêm 100 con/lứa vào chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế khá.

Ngoài nuôi Đà điểu, để tận dụng gần 7 sào cỏ voi và nhân lực lao động của gia đình, đầu năm 2021, vợ chồng anh tiếp tục đầu tư 100 triệu đồng, xây dựng chuồng nuôi “vỗ” 100 con dê thương phẩm/lứa, để xuất bán cho các quán ăn, nhà hàng ở trong và ngoài tỉnh. Kinh nghiệm của anh Khiêm, việc nuôi “vỗ” dê thương phẩm việc quan trọng nhất là lựa chọn được con giống tốt. Dê mua về chuồng  nuôi “vỗ” là loại dê nhỡ, có trọng lượng trung bình 24 - 25 kg/con. Bảo đảm sau khoảng 3 tháng chăn nuôi, mỗi con tăng trọng lượng lên thêm từ 15 – 20 kg là được xuất bán. Do việc chăn “vỗ” dê chỉ nuôi trong chuồng nên ngoài việc cung cấp đủ thức ăn, nước uống sạch và muối để cung cấp đủ khoáng chất cho dê phát triển tốt.  Sau 3 tháng chăn nuôi “vỗ” dê thương phẩm,  mỗi con khi xuất bán có thể thu lãi từ 900 nghìn  đến 1 triệu đồng.

Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch Hội nông dân huyện Lục Ngạn cho biết: Chăn nuôi Đà điểu của gia đình anh Nguyễn Văn Khiêm là một mô hình chăn nuôi mới trên vùng đất Lục Ngạn. Tuy nhiên, Đà điểu dễ chăm sóc, bởi thức ăn chủ yếu là cỏ, rau xanh và các loại hạt ngũ cốc, nên phù hợp với điều kiện nuôi nhốt của bà con.

 

Có thể thấy, nhờ năng động, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, giờ đây vợ chồng anh Nguyễn Văn Khiêm đã thực hiện thành công mô hình chăn nuôi Đà điểu kết hợp với nuôi vỗ dê thương phẩm, cho nguồn thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm./.

Vũ Đoàn - Đức Thọ

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.