Lục Ngạn tăng cường kết nối, kích cầu du lịch

Lục Ngạn là huyện có tiềm năng phát triển về du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng cây ăn quả. Loại hình du lịch này có thể kéo dài cả năm, tuy nhiên thời gian qua, lượng khách đến huyện chủ yếu tự phát theo nhóm gia đình, bạn bè, số đoàn khách của công ty lữ hành đưa về còn ít. Để kích cầu, phục hồi du lịch, cấp ủy chính quyền huyện đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân. Cùng đó, liên tục mời gọi các công ty lữ hành quan tâm xây dựng tour, tuyến đưa khách tới huyện.

 Bà Nguyễn Thị Năm, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện đón tiếp Đoàn Du khách tại Hà Nội đến tìm hiểu giá trị văn hóa tại làng cổ Bắc Hoa.

 

Ngay từ đầu năm UBND huyện đã ban hành Đề án Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng huyện Lục Ngạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đánh giá đúng thực trạng tiềm năng, thế mạnh của địa phương để có định hướng phát triển cụ thể cho từng giai đoạn. UBND huyện cũng đã chỉ đạo Phòng chuyên môn tích cực tham gia các hội nghị bàn, triển khai giải pháp kích cầu du lịch do Hiệp hội Du lịch và Sở Văn hóa Thể thao tỉnh tổ chức để nghe đại diện các đơn vị trao đổi về các Giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch; chuẩn bị các điều kiện hoạt động du lịch trong tình hình mới; xây dựng, khai thác tour du lịch “Hành trình khám phá di sản văn hóa Bắc Giang" nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng...Cùng với đó, Lục Ngạn còn đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện để các Doanh nghiệp, đơn vị lữ hành đến tham quan tìm hiểu, mời gọi đầu tư cho lĩnh vực du lịch. Xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các Hợp tác xã mới thành lập có nhiều hoạt động tích cực thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, phối hợp với Sở văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh mở các lớp tập huấn, hướng dẫn các khu, điểm du lịch cách tuyên truyền, quảng bá; đầu tư cơ sở hạ tầng; đưa các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn để hút khách…Tổ chức các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch cho các Hợp tác xã mới tại các tỉnh phát triển mạnh về mô hình du lịch sinh thái từ đó về áp dụng vào thực tế tại địa phương, đơn vị; Tập trung cao trong công tác tuyên truyền, xúc tiến, giới thiệu, quảng bá du lịch; Quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp các công trình hiện có phục vụ phát triển du lịch và huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch...

 Bà con dân bản Bắc Hoa, Tân Sơn rất vui khi có đoàn khách về thăm bản

 

Bà Nguyễn Thị Năm, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện chia sẻ: Lục Ngạn là huyện miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, là một trong những vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với diện tích trên 28.000 ha cây ăn quả các loại. Vào vụ thu hoạch vải thiều, cam,  bưởi hằng năm, huyện Lục Ngạn thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch trải nghiệm. Ngoài ra, Lục Ngạn còn có nhiều sản phẩm truyền thống đặc trưng như: mỳ Chũ, rượu Kiên Thành, mật ong, phấn hoa, gạo nếp,...; là vùng đất giàu bản sắc văn hóa của 8 dân tộc sinh sống, có hệ thống các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể còn được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, việc đầu tư, khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên này còn rất hạn chế, lý do một phần là do ngành du lịch tại Lục Ngạn chưa phát triển, toàn huyện chưa có khu, điểm du lịch được công nhận; chưa thu hút được các nhà đầu tư, chưa có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các đề án, dự án phát triển du lịch nên chưa khai thác được tiềm năng phát triển du lịch của huyện.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, huyện cần có quy hoạch, đề án, dự án để phát triển du lịch khoa học, đồng bộ; cụ thể hóa các nghị quyết, đề án, kế hoạch của tỉnh, huyện về phát triển du lịch; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và các loại hình dịch vụ phục vụ phát triển du lịch; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện; phát huy vai trò quản lý, hoạt động đón tiếp khách du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời thu hút được đông đảo khách du lịch đến với Lục Ngạn, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch của huyện và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Cùng với đó là sự quyết tâm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch. Doanh nghiệp không thể làm du lịch một mình mà cần chia sẻ giá trị, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa các các cơ quan, doanh nghiệp, người dân làm du lịch. Cần có tư duy chuyên nghiệp, cách làm chuyên nghiệp, con người chuyên nghiệp. Đối với UBND các xã có điểm lựa chọn làm du lịch cần tích cực vào cuộc tuyên truyền để Nhân dân hiểu lợi ích thiết thực của xây dựng phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩn nông sản của Nhân dân, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Từ đó vận động Nhân dân tham gia đầu tư cơ sở vật chất du lịch và trực tiếp tham gia hoạt động du lịch.

Quỳnh Nga

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.