Lục Ngạn nâng giá trị vải thiều ở các xã vùng cao

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng vải, nhiều hộ dân ở các xã vùng cao huyện Lục Ngạn đã có những vườn vải có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Trước kia, mỗi khi đến vụ vải họ phải xuống các xã vùng thấp để làm thuê, nay họ thuê người về thu hái vải thiều cho gia đình mình.

 Vườn vải thiều xuất khẩu của gia đình anh Lục Văn Cặm, thôn Na Hem xã Hộ Đáp

 

Từ bẻ vải thuê đến thuê người hái vải

Gia đình anh Vi Văn Vũ, dân tộc Nùng ở thôn Khuôn Tỏ, xã Tân Sơn trồng khoảng 500 cây vải trên diện tích hơn 1 ha. Mặc dù trồng trên đồi cao nhưng cây nào cũng sai quả. Khi được hỏi về “bí quyết” làm cho vải sai trái, mã đẹp, anh Vũ trải lòng: Cách đây chừng 7 năm, do nhà đông anh em, kinh tế khó khăn nên học hết lớp 9 anh đã phải nghỉ học để cùng bố mẹ đi làm thuê, kiếm tiền nuôi các em. 

Trong những năm cùng người làng đi thu hoạch vải thuê tại các xã vùng thấp của huyện, anh luôn đặt câu hỏi: Tại sao diện tích vải thiều nhà mình nhiều mà chỉ thu hoạch được rất ít, giá bán thấp, trong khi các hộ ở vùng thấp diện tích chỉ bằng một nửa mà họ vẫn thu hàng trăm triệu đồng?

Từ suy nghĩ đó, anh đã quan sát, học hỏi cách làm của các chủ vườn chăm sóc cây vải để áp dụng vào vườn nhà mình. Theo đó, sau khi thu hoạch quả, anh cắt tỉa, tạo tán cho cây; đồng thời bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại, đúng thời điểm… nên năm 2015 vườn vải gia đình anh đạt hơn 5 tấn quả, thu về 100 triệu đồng. 

Có tiền, gia đình anh tiếp tục đầu tư chăm sóc tốt phân bón, thuốc trừ sâu nên sản lượng năm sau cao hơn năm trước, vụ này ước tính đạt hơn 10 tấn quả. Với giá bán hiện tại từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, vườn vải của gia đình anh Vũ sẽ cho thu khoảng 300 triệu đồng. Để thu hoạch kịp thời vụ, ngoài 3 lao động trong nhà, anh còn thuê 3 người tới làm công, với mức lương 300 nghìn đồng/người/ngày.

Giống như anh Vũ, ông Lường Văn Tài, dân tộc Nùng ở bản Na Hem, xã Hộ Đáp, ngoài tiếp thu kinh nghiệm sau những lần đi chăm sóc, thu hái vải thuê, ông còn xuống thôn Muối, xã Giáp Sơn học tập cách trồng vải thiều của bà con nơi đây. Ngắm vườn vải hơn 700 gốc của gia đình ông quả sai lúc lỉu, mới thấy được việc học nghề của ông đã thành công. 

Được biết, nhiều năm gần đây không chỉ gia đình ông Vũ, ông Tài mà hầu hết các hộ dân ở những xã trên đèo của Lục Ngạn đều được mùa vải. Ngoài yếu tố thời tiết, khí hậu thuận lợi, phần lớn là do khả năng làm chủ kỹ thuật chăm sóc vải của bà con. Kiến thức này có được, đa phần là nhờ người dân tự học hỏi trong thời gian đi trồng và bẻ vải thuê ở các xã vùng thấp. Ngoài ra, một số hộ ở bản Khuôn Nghiều, xã Hộ Đáp còn tự làm ròng rọc để vận chuyển phân bón lên đồi và chuyển vải về nhà, giảm chi phí và sức lao động.

Hướng đến xuất khẩu

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, tổng diện tích vải thiều của 12 xã vùng cao trong huyện khoảng 4,6 nghìn ha. Năm nay, sản lượng ước đạt hơn 50 nghìn tấn, giá trị khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng. Ông Vi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn thông tin, năm 2019, chỉ tính nguồn lợi từ vải thiều, trong xã có khoảng 50 hộ thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên; còn lại là các hộ có mức thu từ 100 đến hơn 200 triệu đồng. Cá biệt, có hộ ông Ngô Văn Nhuần ở thôn Hóa, trồng vải xuất khẩu với diện tích 2,5 ha, sản lượng khoảng 40 tấn. Hiện tại doanh nghiệp đang thu mua với giá 30 nghìn đồng/1kg, vụ này gia đình ông Nhuần cầm chắc trên 1 tỷ đồng.

Ông Tăng Văn Huy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn cho biết, những năm gần đây, nhờ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc nên giá trị thu về từ quả vải của các xã trên đèo tăng cao gấp nhiều lần so với trước. Người dân các xã vùng cao như: Tân Sơn, Cấm Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải, Phong Vân… còn tích cực áp dụng quy trình chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng, mẫu mã quả vải không ngừng nâng cao. 

Quả vải to đều, chín đỏ đẹp, vị ngọt đậm, vận chuyển không bị dập nát. Do điều kiện thời tiết và đất đai của các xã này có nhiều khác biệt so với xã vùng thấp nên quả vải nơi đây chín muộn hơn từ 10 - 15 ngày. Vì vậy, vải thiều muộn vùng cao Lục Ngạn ngày càng nổi tiếng, dễ tiêu thụ. Nhờ đó, vụ vải năm nay, Tân Sơn và Hộ Đáp là 2 trong số 6 xã trong huyện được cấp mã vùng sản xuất vải thiều xuất sang thị trường Nhật Bản.

Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con chăm sóc vải thiều sau thu hoạch. Cùng đó, huyện tiếp tục định hướng người dân sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP và GlobalGAP, lựa chọn các vùng sản xuất có đủ điều kiện để tiếp tục chỉ đạo chăm sóc phục vụ xuất khẩu./.

 

Quang Huấn

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.