LỤC NGẠN: KHỞI SẮC DU LỊCH CỘNG ĐỒNG

   Quý vị thân mến!     
Từ lâu loại hình du lịch trải nghiệm dựa vào nông nghiệp, nông thôn đã không còn là khái niệm mới mẻ đối với nhiều địa phương trong cả nước. Vài năm trở lại đây, huyện Lục Ngạn đã tận dụng thế mạnh vùng cây ăn quả để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn với hoạt động khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa, mang lại sinh kế cho người dân, góp phần thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn của địa phương.
Xác định những lợi thế, tiềm năng và cơ hội cho phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) và sinh thái, mới đây huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng huyện Lục Ngạn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030. Bằng các giải pháp, nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và địa phương, Lục Ngạn đề ra mục tiêu xây dựng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn với không gian du lịch chính là khu vực hồ Cấm Sơn và vùng cây ăn quả.
 
Các công ty, lữ hành du lịch đến tham quan, khảo sát tại huyện Lục Ngạn.

Lục Ngạn là huyện miền núi, có địa hình đa dạng đan xen giữa đồi núi thấp và núi cao, nhiều hồ đập. Thiên nhiên đã ban tặng cho Lục Ngạn trở thành một vùng cây ăn quả trù phú với nhiều sản vật trái cây nức tiếng trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, Lục Ngạn còn là địa phương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cũng là nơi sinh sống đan xen của nhiều đồng bào dân tộc anh em như: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Dao, Hoa... Đã có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: chùa Am Vãi, đền Từ Hả, hát shoonghao, làn điệu sli, lượn, hát then được công nhận và bảo tồn.

Thủ phủ Lục Ngạn được biết đến là “Vựa trái cây” lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích cây ăn quả trên 28 nghìn ha, tập trung nhiều loại trái cây đặc sản như: vải thiều, nhãn, các loại cây có múi (cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh…), trong đó, diện tích trồng vải trên 15 nghìn ha, các loại cây có múi với hơn 6.500ha, ngoài ra còn có táo, ổi, nhãn, thanh long quanh năm kết trái.
Để duy trì và khẳng định thương hiệu vùng cây ăn quả, những năm qua, Chính quyền địa phương cũng như người nông dân của huyện Lục Ngạn đã không ngừng tập trung thực hiện nhiều biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây của Lục Ngạn nhằm tạo đầu ra ổn định. Chất lượng trái cây ở Lục Ngạn ngày càng nâng cao, đậm vị, màu sắc mẫu mã đẹp hút mắt nên được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng, được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Có thể nói đối với tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, trong chu kỳ một năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để thu hút khách du lịch, trong đó: từ tháng 1 đến tháng 3 có cam V2 và táo xuân, tháng 5 và 6 có vải thiều, tháng 7 và 8 có nhãn, tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi các loại, táo Đài, táo lê...ngoài ra người dân Lục Ngạn còn có kỹ thuật, kinh nghiệm làm cho quả ổi, thanh long ra trái quanh năm. Ước tính, mỗi năm địa phương có khoảng từ 60 nghìn đến 80 nghìn lượt khách du lịch đến với huyện.
Thông qua đề án, huyện đề ra mục tiêu giúp người dân giảm nghèo phát triển kinh tế; bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của các dân tộc; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường nước khu vực Cấm Sơn; bảo vệ môi trường đồng thời góp phần phát triển ngành Du lịch theo hướng bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương; khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái, trải nghiệm và nét văn hóa của vùng đất con người Lục Ngạn; tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Mỗi dịp diễn ra Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, địa phương lại thu hút hàng ngàn lượt du khách về tham quan, mua sắm. Đồng thời, thăm thú tại các nhà vườn tiêu biểu đã được UBND huyện chọn lựa. Nét mới của hội chợ lần thứ 5 (năm 2020), UBND huyện đã lựa chọn 3 loại cây ăn quả có múi đẹp để đấu giá, trong đó có cây bưởi ngọt Lục Ngạn, cây cam lòng vàng, cây cam ngọt Lục Ngạn. Việc làm này có nhiều ý nghĩa trong việc giúp bà con có ý thức nâng cao chất lượng, sản phẩm cây trồng, chỉnh trang khuôn viên, qua đây giới thiệu quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, số tiền đấu giá được huyện mang đóng góp vào quỹ người nghèo.
Với vai trò, chủ thể là người dân cùng cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch. Thời gian tới, UBND huyện Lục Ngạn đẩy mạnh kêu gọi xúc tiến đầu tư, công tác xã hội hóa, hình thành hợp tác xã dịch vụ du lịch để tăng cường nguồn lực, đa dạng hóa các dịch vụ, các sản phẩm du lịch và tham gia vận hành có hiệu quả công tác du lịch tại địa bàn. Đồng thời, mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí, nhà hàng, nhà sàn và một số hạng mục công trình tại các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Cùng đó, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế - xã hội, và dự án đầu tư của các ngành để từng bước đầu tư các hạng mục hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ cho phát triển du lịch; hỗ trợ tu sửa nâng cấp nhà sàn văn hóa, nhà trưng bày sản phẩm; hỗ trợ một phần kinh phí cho các hợp tác xã, các hộ dân làm du lịch cộng đồng; xây dựng một số biển nội quy khu du lịch, biển báo, biển chỉ dẫn… Bên cạnh đó, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch; tổ chức các đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm của các địa phương khác trong cả nước; tổ chức các tour thử nghiệm mời các công ty lữ hành về khảo sát tại các điểm du lịch tại địa phương...Với những giải pháp trên, du lịch cộng đồng kết hợp sinh thái tại huyện Lục Ngạn hy vọng sẽ có bước khởi sắc trong tương lai./.
Phương Thảo
 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.