Lục Ngạn: Bước phát triển mới từ nghề sinh vật cảnh

Trong những năm qua, huyện Lục Ngạn được biết đến là vùng cây ăn quả trọng điểm, với những thương hiệu nổi tiếng như Vải thiều và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Nhưng ít ai biết rằng, vùng đất này, còn có những vườn sinh vật cảnh với những “tác phẩm” nghệ thuật có giá trị hàng trăm năm tuổi được chăm tỉa cẩn thận. Từ thú chơi của cá nhân, giờ đây, sinh vật cảnh đã và đang mở ra cho người dân Lục Ngạn một hướng đi mới cho phát triển kinh tế ở địa phương.

Năm 2002, sau gần 10 năm làm cán bộ kỹ thuật cầu đường, anh Quản Văn Long, sinh năm 1975, ở thôn Bồng 1, xã Thanh Hải đã bén duyên với sinh vật cảnh. Vốn có sẵn niềm đam mê từ rất trẻ, sau khi nghỉ làm, tích cóp được chút vốn, anh mua 2 cây Sanh dáng long ở Hà Giang về trồng chơi tại vườn nhà. Ban đầu chỉ là sở thích chơi cây, nhưng khi đó thấy thị trường bày bán nhiều cây cảnh, cùng với niềm đam mê, anh Long quyết định sưu tầm thêm, nhân rộng rồi trở thành nghề sản xuất, kinh doanh cây cảnh nghệ thuật từ đó. 

 Anh Quản Văn Long đang chăm sóc cây cảnh

 

Trong quá trình sưu tầm, tạo tác cây cảnh, anh đã lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm từ những người làm nghề đi trước trong thôn và các nghệ nhân tâm huyết về phương pháp ươm phôi, chăm sóc và cung cấp những cây cảnh đẹp, hợp với thị hiếu người chơi. Anh thường đi gom trên rừng, thậm chí mua phôi cây về tự trồng, uốn thế theo ý tưởng của mình. Vì thế mỗi tác phẩm đều mang đậm dấu ấn cá nhân, kèm theo đó là câu chuyện về lịch sử, ý nghĩa của dáng cây được thổi hồn vào trong đó. Không chỉ làm kinh tế cho gia đình, năm 2007, anh Long còn là một trong những thành viên đầu tiên đặt nền móng cho CLB sinh vật cảnh, nay là làng nghề sinh vật cảnh thôn Bồng 1, xã Thanh Hải.

Nhờ sự tâm huyết, niềm đam mê, nhiều tác phẩm do anh cắt tỉa và tạo tác đã có giá trị nghệ thuật với dáng, thế độc lạ, được nhiều người đam mê chơi cây cảnh đến thăm và trả giá cao. Năm 2019, anh Long được Trung ương Hội SVC Việt Nam tặng danh hiệu “ Nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam”.

Với tiềm năng về vùng đất đai rộng lớn, bên cạnh việc thuận lợi cho phát triển các loại cây ăn quả có giá trị, trong những năm gần đây, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển sinh vật cảnh gắn với sản xuất kinh tế cây ăn quả, vườn đồi, trở thành một trong những nghề mang lại thu nhập cao cho người dân.

 Ông Nguyễn Đắc Bích, Chủ tịch Hội SVC Lục Ngạn trao đổi kỹ thuật chăm, tỉa cây cảnh với hội viên

 

Xuất phát từ nhu cầu phát triển SVC, từ vài chục hội viên ban đầu, đến nay, Hội SVC Lục Ngạn đã phát triển 260 hội viên, nhiều nhất tỉnh. Riêng thôn Bồng 1, xã Thanh Hải được UBND tỉnh công nhận “ làng nghề SVC”, với hơn 40 hội viên, hơn 100/136 hộ trong thôn làm nghề SVC. Từ nghề này, mỗi năm, người dân thu gần 5 tỷ đồng. Mỗi vườn SVC giá trị từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.  Không chỉ chơi sinh vật cảnh, nhận thấy lợi thế của địa phương, một số hội viên trong huyện còn mạnh dạn đầu tư sản xuất cây con làm phôi. Thậm trí là sản xuất, kinh doanh những chậu bưởi, cam cảnh phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của khách hàng trong dịp Tết nguyên đán. Đây là cách làm mới, độc lạ của Hội SVC huyện Lục Ngạn.

Theo những nghệ nhân SVC, một cây cảnh có giá trị phải hội tụ đủ ba yếu tố: Cổ - kỳ - mỹ. Do đó, người chơi phải có khiếu thẩm mỹ, cần cù, tỉ mỉ. Nắm bắt được yếu tố này, trong quá trình hoạt động hội, Hội SVC huyện luôn chú trọng hoạt động trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm, tỉa, tạo dáng thế cây cho các hội viên. Tích cực tham gia trưng bày, triển lãm SVC có quy mô lớn trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Đắc Bích, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh huyện Lục Ngạn cho biết: Để tạo hướng phát triển bền vững, Hội đang dần mạnh dạn chuyển hướng hoạt động SVC thuần túy sang sản xuất, kinh doanh, dịch vụ SVC gắn với phát triển kinh tế vườn đồi kết hợp các nhà vườn cây ăn quả đẹp xây dựng tua tuyến du lịch sinh thái cộng đồng tại địa phương, vừa tạo điều kiện cho SVC phát triển và trở thành một ngành nghề kinh doanh, gắn với dịch vụ du lịch sinh thái vùng cây ăn quả của Lục Ngạn. Bởi nghề này ngoài làm đẹp cho đời, giữ môi trường sinh thái còn tạo việc làm, thu nhập cho người dân.

 

Vũ Đoàn - Quang Huấn

 

 

 

 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.