LỤC NGẠN ĐẨY MẠNH SÁP NHẬP THÔN, TỔ DÂN PHỐ

Lục Ngạn là huyện miền núi, diện tích tự nhiên rộng, số thôn, tổ dân phố lớn, nhiều thôn người dân tộc thiểu số chiếm gần 100%. Trong những năm gần đây, hoạt động của thôn, khu phố đạt được nhiều kết quả tích cực. Thôn, tổ dân phố đã thực sự trở thành nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.

Các thôn, tổ dân phố đã xây dựng và thực hiện Hương ước và các Quy ước phù hợp với phong tục tập quán địa phương, tuân thủ pháp luật; thực hiện dân chủ ở cơ sở, tích cực tham gia phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và các cuộc vận động khác do các tổ chức chính trị - xã hội phát động. Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân các thôn, tổ dân phố đã huy động một lượng rất lớn tiền của, đất đai, ngày công lao động để xây dựng được nhiều thiết chế cấp thôn và các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần vào kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo.

Tuy nhiên, do số lượng thôn, tổ dân phố lớn nhưng rất nhiều thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ (dưới 100 hộ/thôn, thậm chí nhiều thôn có quy mô dưới 50 hộ) dẫn đến số lượng cán bộ thôn hưởng phụ cấp và thu lao từ ngân sách Nhà nước quá nhiều, thậm chí lãng phí cán bộ; công tác huy động nguồn lực ở các thôn quy mô nhỏ để xây dựng các thiết chế thôn và các công trình công cộng khác rất khó khăn; đồng thời còn dẫn đến suất đầu tư quá lớn cho phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin.

Từ đó, nhiệm vụ sáp nhập thôn, tổ dân phố chưa đủ 50% tiêu chí về số hộ theo quy định trong địa bàn xã để thành lập thôn mới là thực hiện chủ trương lớn của Đảng thể hiện tại Nghị quyết kỳ họp lần thứ Sáu (Ban Chấp hành Trung ương khóa XII) "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" và "Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập"

Sáp nhập thôn trong địa bàn xã để thành lập thôn mới nhằm mục đích khắc phục sự manh mún của cộng đồng dân cư tại các địa phương trên, tạo điều kiện tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và thiết chế thôn, bản; tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm số người hoạt động không chuyên trách hưởng phụ cấp, thù lao từ ngân sách Nhà nước đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ; hiệu quả hoạt động của cán bộ thôn, bản.

Việc lấy ý kiến của nhân dân (cử tri) trong nhiệm vụ sáp nhập thôn, tổ dân phố phải tập trung thống nhất cao sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ xã đến cơ sở, sự chỉ đạo của UBND xã, trưởng, phó các thôn và sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội; đồng thời thực hiện đúng Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và tuân thủ các quy trình, quy định của Nhà nước.

Toàn huyện đồng loạt tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án, chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố vào ngày 21- 22/9/2019 (thời gian dự kiến: 01 buổi sáng, bắt đầu từ 7 giờ và kết thúc vào 12 giờ 00 phút).

Một số thay đổi sau khi sáp nhập thôn liên quan đến nhân dân, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các nội dung sau khi thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố để thành lập thôn mới, cụ thể như sau:

- Giao Công an huyện hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục cấp đổi sổ hộ khẩu sau khi sáp nhập; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Lục Ngạn hướng dẫn cụ thể trình tự thủ tục đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gửi các xã, thị trấn để hướng dẫn nhân dân.

- UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện theo từng thôn, tổng hợp danh sách, tập hợp hồ sơ chung gửi Công an huyện, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai để thực hiện, tránh để bà con làm đơn lẻ, đi lại nhiều lần.

- Phòng Tài chính - Kế hoạch chủ trì, phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, UBND các xã, thị trấn rà soát lại các thôn, khu phố đã xây dựng nhà văn hóa trước khi sáp nhập và có nhu cầu xây dựng nhà văn hóa với quy mô lớn hơn sau khi sáp nhập để đảm bảo nhu cầu sử dụng; báo cáo, đề xuất với UBND huyện cơ chế hỗ trợ cho các thôn, khu phố.

- UBND huyện sẽ hỗ trợ kinh phí cấp sổ hộ khẩu mới cho các hộ dân sau khi sáp nhập; xem xét cơ chế hỗ trợ của huyện và đề xuất với cấp trên xem xét, có cơ chế hỗ trợ chung cho các thôn có nhu cầu xây dựng lại nhà văn hóa với quy mô lớn hơn sau khi sáp nhập.

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.