Lục Ngạn đón chào xuân mới

Cứ mỗi khi hoa đào khoe sắc báo hiệu mùa xuân về là cả đất trời Lục Ngạn lại nhộn nhịp rộn tiếng ca vui đón chào xuân mới. Trên khắp các nẻo đường quê hương từ trung tâm thị trấn đến nông thôn, từ vùng thấp tới vùng cao; nơi đâu người dân cũng đều phấn khởi, mừng vui đón chào năm mới – xuân Canh Tý 2020.

 

 Thị trấn Chũ nhìn từ trên cao

Như vậy là cánh cửa của năm Kỷ Hợi đã khép lại. Mùa đông đã chính thức đi qua để nhường chỗ cho hơi ấm của một mùa xuân mới – xuân Canh Tý 2020. Theo quy luật của đất trời, vạn vật, mùa xuân là khởi đầu của năm mới; nói đến mùa xuân là nói tới niềm vui, mùa mang đến sức sống và hạnh phúc dâng trào. Thuận theo tự nhiên của vũ trụ bao la, cả huyện Lục Ngạn cũng đang vận động “chuyển mình” phát triển đi lên. Thị trấn Chũ mới đã mở rộng trên cơ sở sáp nhập thị trấn Chũ và xã Nghĩa Hồ, sẵn sàng trở thành thị xã trong tương lai gần. Nhiều con đường to đẹp tiếp tục được đầu tư nâng cấp, xây dựng; những khu đô thị mới đang được hình thành; nhiều căn nhà mới khang trang được xây dựng theo kiểu cách hiện đại.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các xã tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, nhiều công trình hạ tầng cơ sở được tăng cường, trong đó đặc biệt có 838 km đường giao thông nông thôn mới được đầu tư nâng cấp chủ yếu theo Nghị quyết 06 và 07 của HĐND tỉnh, góp phần làm chuyển biến căn bản bộ mặt nông thôn, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân đi lại và giao thương phát triển thuận lợi hơn.

Mùa xuân này, chúng ta tự hào về những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn đã đoàn kết, đồng lòng, phấn đấu đạt được trong năm 2019. Đó là chúng ta đã nỗ lực thực hiện hoàn thành và vượt kế hoạch 15/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản. Về kinh tế tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 11.861 tỷ đồng, đạt 103,5% kế  hoạch, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 16%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực.

Trong nông nghiệp, giá trị sản xuất/1ha đất canh tác nông nghiệp đã đạt gần 136 triệu đồng, tăng hơn 28 triệu đồng so với năm 2018. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 87,37 triệu đồng, tăng hơn 21 triệu đồng/người so với năm trước. Có được kết quả đó là nhờ chúng ta đã phát huy tốt tiềm năng đất đai và khí hậu được thiên nhiên ưu đãi để thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển đa dạng, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả vùng cây ăn quả. Đến nay, huyện Lục Ngạn đã có gần 28.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó vải thiều có 15.290 ha; tổng diện tích cây có múi 6.740 ha, trong đó có 4.142 ha cam; 2.252 ha bưởi và 346 ha cây có múi khác. … tổng giá trị thu từ cây ăn quả năm 2019 đạt trên 4.315 tỷ đồng, tăng 916 tỷ đồng so với năm 2018.

Trong phát triển kinh tế cây ăn quả, vải thiều được xác định là cây ăn quả chủ lực nên không ngừng được quan tâm đầu tư nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Hiện toàn huyện đã có 11.500 ha vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Chất lượng mẫu mã quả vải thiều Lục Ngạn không ngừng nâng cao, được khách hàng trong và ngoài nước ngày càng ưa chuộng. Vải thiều Lục Ngạn không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Malaysia… vv. Vụ vải thiều năm 2019, tuy sản lượng quả tươi ước chỉ đạt 98.200 tấn, giảm 43.030 tấn so với vụ trước nhưng với giá  bán bình quân đã đạt 36.000 đ/kg (cao nhất từ trước đến nay) nên tổng doanh thu đạt trên 3.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.275 tỷ đồng so với năm 2018. Đặc biệt huyện Lục Ngạn triển khai thí điểm thành công việc sản xuất vải thiều hữu cơ mang lại hiệu quả tốt. Mô hình này từng bước mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Nhưng đến với huyện Lục Ngạn ngày hôm nay đâu chỉ có riêng sản phẩm đặc sản vải thiều mà còn có hàng nghìn ha các loại cây ăn quả khác cũng cho sản phẩm thơm ngon đặc sắc như: cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh, nhãn lồng, táo Đài Loan…vv . Có thể thấy bức tranh nông thôn ở các vùng quê của Lục Ngạn hiện đã thể hiện sinh động bằng nhiều sắc màu đa dạng và phong phú, trong đó nổi bật là tập đoàn cây ăn quả có múi với tổng sản lượng đạt 58.560 tấn quả, cho giá trị ước đạt trên 1.200 tỷ đồng.

Những năm qua, để góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả, đồng thời tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cùng đó, nhằm giúp nông dân tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi, Huyện ủy – UBND huyện đã chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều biện pháp như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; quảng bá giới thiệu sản phẩm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, doanh nghiệp và tiểu thương về địa phương tiêu thụ sản phẩm.

Điển hình như việc phối hợp tổ chức thành công “Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội”; “Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng của huyện Lục Ngạn”. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu biểu đó, nhiều du khách thập phương đã hiểu rõ hơn về mảnh đất và con người Lục Ngạn, cùng thế mạnh cây ăn quả đặt trưng. Đồng thời mở ra cơ hội cho nông dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.

Cùng với đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp, những năm qua, sản xuất lâm nghiệp vẫn tiếp tục được UBND huyện Lục Ngạn quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ phát tiển. Năm  2019, toàn huyện đã trồng mới được hơn 1.700 ha rừng, đạt trên 122% kế hoạch; duy trì giao khoán gần 8.000 ha rừng cho 14 tổ chức, 1.441 hộ gia đình cá nhân quản lý, bảo vệ; sản lượng gỗ khai thác đạt gần 95.000 m3 cho giá trị kinh tế cao.

Mùa xuân này, ta cảm nhận thấy hơi ấm của những chiếc lò tráng mỳ vẫn luôn rực lửa, mang lại công việc ổn định cho cả nghìn hộ dân ở địa phương. Với sản phẩm mỳ Chũ thơm ngon nức tiếng gần xa. Sản phẩm làm ra của Hội sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Lục Ngạn đã trở thành đặc sản của quê hương; chất lượng mỳ gạo thơm ngon đã khẳng định uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng. Những năm gần đây, sản phẩm Mỳ Chũ liên tục được Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Bộ Công thương bình chọn và vinh danh là sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp tiêu biểu cấp quốc gia. Mỳ Chũ không chỉ được tiêu thụ rộng rãi ở khắp các tỉnh thành trong nước mà còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Sản phẩm Mỳ Chũ góp phần cùng với các sản phẩm như hàng may mặc, sản xuất gạch, thùng xốp, đá cây… đã đưa công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn của Lục Ngạn đạt giá trị 1.495 tỷ đồng.

Cùng với kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế, Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị của huyện tiếp tục được tăng cường. Lĩnh vực Văn hóa – giáo dục có nhiều tiến bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… . Năm 2019, việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục được đẩy mạnh, mang lại nhiều kết quả tích cực. Các phong trào thi đua yêu nước được cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng có sức lan tỏa lớn. Điển hình trong phong trào “Lục Ngạn chung tay xây dựng nông thôn mới”. Toàn huyện đã huy động trên 87 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục, công trình nông thôn mới. Trong đó ngân sách Trung ương trên 35,6 tỷ đồng; ngân sách tỉnh hơn 8,3 tỷ đồng; ngân sách huyện hơn 12,1 tỷ đồng; ngân sách xã trên 11,3 tỷ đồng và nguồn do nhân dân đóng góp gần 15 tỷ đồng.

Đặc biệt trong năm 2019, huyện Lục Ngạn đã tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, toàn huyện hoàn thành cứng hóa được 838 km đường giao thông nông thôn, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội. Kết qủa, năm 2019, huyện Lục Ngạn có thêm xã Tân Mộc, Tân Quang, Quý Sơn, Mỹ An và thôn Trại Thập, xã Tân Lập đạt chuẩn nông thôn mới; thôn ngọt xã Hồng Giang đạt chuẩn nông thôn mới kiểm mẫu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ta cũng nhận thấy công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bộc lộ hạn chế: Bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế và sụt giảm mạnh về chăn nuôi, việc hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch còn chậm; Tiến độ triển công tác giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư, xây dựng cơ bản ở một số dự án chậm so với yêu cầu; Công tác quản lý, kiểm tra đối với hoạt động quảng cáo, bảo vệ, trùng tu di tích lịch sử văn hóa ở cơ sở thiếu chặt chẽ, còn xảy ra sai phạm.

Cánh cửa năm Kỷ Hợi đã khép lại, năm mới Canh Tý đã bắt đầu. Trước thềm xuân mới, chúng ta có dịp cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được, nhận diện cả những khó khăn và thách thức. Để từ đó tiếp tục đoàn kết phát huy thành tích, ra sức thi đua khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu đưa huyện Lục Ngạn không ngừng phát triển đi lên, giàu mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng; đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao.

 

Đức Thọ

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.