Lục Ngạn… Những gam màu mới

Năm Canh Tý qua đi, trong bối cảnh vô vàn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, song với truyền thống đoàn kết, sức sáng tạo không ngừng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn đã dành được nhiều thành tựa quan trọng về KT-XH. Trong thời khắc giao hoà của đất trời vào xuân, chúng ta có quyền tự hào về kết quả đã đạt được trên mọi lĩnh vực của năm 2020 - Năm khởi đầu thực hiện kế hoạch năm năm mà Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XXV đã đề ra. Để rồi, bước sang năm mới Tân Sửu với tâm thế vững vàng sẽ là điểm tựa vững chắc để Lục Ngạn tự tin giành lấy những kết quả to lớn hơn, toàn diện hơn,  đưa Lục Ngạn phát triển nhanh và bền vững.

Trung tâm thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn

 

Năm cũ qua đi nhường chỗ cho một năm mới tốt đẹp hơn. Quy luật của đất trời vẫn vậy, vẫn hiền hoà và thân thiện cho vạn vật sinh sôi nảy nở. Duyên đất và tình người Lục Ngạn vẫn cần mẫn, chắt chiu cho những mùa vàng trái ngọt. Trong năm Canh Tý, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lục Ngạn vững một lòng vượt qua bao khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, để rồi giờ đây trước thềm xuân mới này, khi nhìn lại ta luôn tin tưởng và tự hào về những thành tựu mà chúng ta đã đạt được. Bức tranh vùng quê đang từng ngày khởi sắc với những gam màu tươi mới đang dần hiện hữu.

Cùng với cả nước, Lục Ngạn đã bước vào năm 2020 với bao khó khăn bởi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế; đời sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn; song với truyền thống đoàn kết và sự sáng tạo không ngừng, Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo hoàn thành và vượt 16/16 chỉ tiêu KT-XH của năm 2020, tạo nên mức tăng trưởng cao nhất tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24, nhiệm kỳ 2015-2020.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa chính trị sâu sắc, năm khép lại một nhiệm kỳ 2015-2020 với bao thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lục Ngạn phấn đấu đạt được, tạo nên sức vươn mạnh mẽ của vùng kinh tế đầy tiềm năng và cũng là năm khởi đầu thực hiện kế hoạch 5 năm (2020-2025) mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 25 đã đề ra.

Lục Ngạn…vùng đất đã viết nên bao huyền thoại, với những địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, những thắng cảnh nguyên sơ mà thơ mộng và hôm nay, cũng chính duyên đất và tình người trên mảnh đất này đã chắt chiu làm nên cho vùng quê biết bao những sản vật mang tiếng thơm Lục Ngạn bay đi khắp gần xa như: Vải thiều, Mỳ Chũ, rồi mới đây là hương vị ngọt ngào của Cam ngọt, cam lòng vàng, Bưởi ngọt, bưởi Da xanh và Táo Đài Loan...điều đó đã tạo dựng  nên cho Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, với hơn 28 nghìn ha cây ăn quả các loại, sản lượng hàng năm đạt từ 160 đến 170 nghìn tấn, giá trị thu về trên 4 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù trong điều kiện bất lợi của thời tiết và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội; song với sự chuyển hướng nhanh và tích cực trong công tác lãnh, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết của cán bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện, chúng ta đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép; “vừa phòng chống dịch covid-19 vừa phát triển kinh tế”. Trong bối cảnh đầy khó khăn như vậy, nhưng thị trường tiêu thụ vải thiều luôn được cấp ủy, chính quyền huyện phối hợp với các Bộ ngành Trung ương và tỉnh quan tâm khơi thông mở rộng, góp phần nâng giá trị vải thiều bình quân cao nhất từ trước đến nay, mang lại cho người dân Lục Ngạn nguồn thu nhập trên 3 nghìn tỷ đồng. Đặc sản Vải thiều không chỉ là kết tinh của sự cần lao mà giờ đây, thương hiệu vải thiều Lục Ngạn được tạo nên từ kinh nghiệm canh tác cùng với quy trình kỹ thuật sản xuất VIETGAP, GlobalGap đã đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ra các thị trường khó tính như Mỹ và các nước EU. Từ vài chục ha vải thiều ViệtGáp ban đầu, năm 2020, Lục Ngạn đã nhân rộng lên trên 12.000ha, với hàng nghìn hộ tham gia sản xuất. Cùng với đó, Bộ nông nghiệp Hoa kỳ  đã cấp 18 mã vườn trồng cho gần 400 hộ sản xuất vải thiều xuất khẩu vào thị trường Mỹ, với diện tích trên 217ha. Ngoài ra còn có 36 mã số vườn trồng và 229 cơ sở đóng gói đảm bảo các điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, năm 2020, lần đầu tiên vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu vào thị trường khó tính Nhật Bản, đây là kết quả của nhiều năm nỗ lực của cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang và huyện Lục, cùng sự hợp tác tích cực từ phía người dân và các chuyên gia nước bạn. Để đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe nhất khi vải thiều được xuất khẩu, phía Nhật Bản đã khảo sát cấp 18 mã vùng trồng cho 99 hộ, diện tích 98ha tại các xã Nam Dương, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hồng Giang, Tân Sơn và Hộ Đáp. Đồng thời cử chuyên gia trực tiếp giám sát khâu sản xuất, thu hái và thực hiện quy trình khắt khe nhất cho xuất khẩu quả vải. Điều đó

đã khẳng định thêm giá trị và chất lượng của sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, mở ra cơ hội tiến xa hơn cho sản phẩm vải thiều đối với thị trường đầy tiềm năng này.

Song song với công tác xúc tiến thương mại, việc chỉ đạo đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, chuyển dần từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang liên kết, hợp tác trong sản xuất, tạo thành chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả luôn là vấn đề được cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm. Với hàng trăm HTX, Chi hội và Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được hình thành đã từng bước tạo đầu ra ổn định và đưa thương hiệu sản phẩm cây ăn quả của Lục Ngạn bay xa.

Tiếp nối thành công của vụ vải thiều, Lục Ngạn lại bước vào vụ cây ăn quả có múi với nhiều khởi sắc. Để khởi động cho vụ mùa thắng lợi, năm nay, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tiếp tục tổ chức Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên huyện tổ chức đấu giá cây ăn quả đẹp và tổ chức các tua du lịch sinh thái - cộng đồng vùng cây ăn quả tại các vườn quả đẹp, chất lượng, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách đến thăm quan, trải nghiệm, từ đó mở ra một hướng đi mới phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái - tâm linh tại địa phương.

 Hệ thống giao thông kết nối vùng được đầu tư xây dựng

 

Hơn 30 năm trước, người Lục Ngạn rất đỗi tự hào vì đã biến vùng đất đồi cằn cỗi thành những vườn cây trái trù phú với cây vải thiều, để Lục Ngạn được ví như viên ngọc xanh, vùng phên dậu phía Bắc của tổ Quốc. Hôm nay, Lục Ngạn lại được biết đến với một vùng cây ăn quả trọng điểm với nhiều loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Cam ngọt, cam lòng vàng; bưởi da xanh, bưởi ngọt Lục Ngạn…chính những mặt hàng nông sản này, giờ đây đã trở thành sản phẩm đặc trưng, chủ lực không chỉ của Lục Ngạn mà cả của tỉnh Bắc Giang. Để rồi cùng với vải thiều, cây ăn quả có múi đã và đang tạo sức vươn lên mãnh liệt, sự phát triển không ngừng của vùng đất và con người Lục Ngạn. Sự đa dạng về các sản vật, cộng với bước tiến nhanh, mạnh về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, cùng thành quả hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới đã tô điểm cho bức tranh miền quê Lục Ngạn những gam màu ấm áp và tươi sáng đến diệu kỳ. 

Bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp đã góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn huyện lên gần 7 nghìn tỷ đồng. Giá trị sản xuất đạt trên 128 triệu đồng/ha. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,82%, giảm 2,91% so với năm 2019. Diện mạo nông thôn mới đang khởi sắc từng ngày. Đi đôi với đầu tư khai thác, tiềm năng, thế mạnh của ngành nông nghiệp, năm 2020, Lục Ngạn cũng đặc biệt quan tâm phát triển CN-TTCN và ngành nghề nông thôn, coi đây là một trong những mục tiêu lớn để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng đã dần tạo hành lang thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, mở mang ngành nghề, dịch vụ. Cùng với đó là sự vươn mình trỗi dậy của một số ngành, nghề thủ công đang chiếm được ưu thế trong tỷ trọng của ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp huyện nhà đã góp phần đưa nhanh giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lên trên 1.700tỷ đồng. Trong đó, giá trị thu được từ sản xuất mỳ gạo đạt trên 418 tỷ đồng.

Năm cũ qua đi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lục Ngạn đang ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Với mục tiêu đưa huyện Lục Ngạn “phát triển nhanh, bền vững” với nhiều chính sách an sinh xã hội được triển khai, cùng với đó là hàng loạt chương trình, dự án đầu tư của nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị đã tạo đà cho Lục Ngạn bứt phá đi lên. Điều đó thể hiện cụ thể ở tổng giá trị sản xuất các ngành năm 2020 đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,56% (cao hơn mức bình quân chung của cả tỉnh) ; sản xuất bình quân đầu người đạt trên gần 100 triệu đồng/người/năm.

Đời sống của nhân dân ngày càng khởi sắc

Mùa xuân này, về với Lục Ngạn ta cảm nhận được sự hiện hữu của một vùng quê đổi mới, với sức lan tỏa mạnh mẽ từ phong trào Lục Ngạn chung sức xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, cùng với chính sách đầu tư của nhà nước, cấp ủy, chính quyền huyện Lục Ngạn huy động hơn 125 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới; cùng đó vận động nhân dân hiến tặng gần 30 nghìn m2 đất và đóng góp hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, cứng hóa đường giao thông nông thôn. Cùng với đó là chính sách đầu tư của Nhà nước đã khơi dậy được nguồn lực trong nhân dân tham gia cứng hóa đường giao thông nông thôn, với tổng số gần 84 km, nâng tổng số đường giao thông được cứng hóa trong toàn huyện trong 3 năm lên 1.500km. Cùng với việc phát triển giao thông đối nội, huyện đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển các tuyến giao thông kết nối vùng như: tuyến đường ĐH81 từ Nam Dương đi Đèo Gia; tỉnh lộ 289 kéo dài đoạn Chũ đi Đồng Đỉnh (Lục Nam) qua các xã Nam Dương, Tân Mộc; tuyến đường Trần Phú từ Ngã tư bờ hồ Thanh Niên đi Trường THPT Lục Ngạn 1; đường tỉnh ĐT 289, đoạn Chũ đi Khuôn Thần, quan các xã Trù Hựu, Kiên Thành và xã Kiên Lao; tiếp đến là tuyến đường Kim Sơn - Phú Nhuận kết nối các xã vùng phía Đông của huyện gồm Tân Hoa, Kim Sơn, Biển Động và xã Phú Nhuận và mới đây là việc khởi công dự án cầu Chũ mới, rồi tuyến đường Nam Dương đi Mỹ An kết nối với đường 293. Sau khi tuyến đường hoàn thành sẽ tạo sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, khởi thông điểm ngẽn, tăng năng lực kết nối vùng từ Lục Ngạn đi các địa phương trong và ngoài tỉnh. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần nâng tỷ lệ tiêu chí nông thôn mới trong toàn huyện đạt 15/19 tiêu chí. Riêng 4 xã Phượng Sơn, Biên Sơn, Đồng Cốc và xã Biển Động và thôn Mai Tô, xã Phì Điền về đích nông thôn mới; 2 thôn Bồng 1, xã Thanh Hải và thôn Muối, Giáp Sơn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo đúng kế hoạch, nâng tổng số xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới lên 11 xã và 5 thôn nông thôn mới. Cùng đó, công tác bảo vệ môi trường, thu go, xử lý rác có bước chuyển biến tích cực. Việc thực hiện Chỉ thị 17 của BTV Tỉnh ủy được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Sau nhiều cố gắng, nỗ lực, kết thúc năm 2020, Lục Ngạn đã hoàn thành công tác đầu tư, khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung của huyện tại thôn Cai Lé, xã Kiên Thành, với tổng kinh phí trên 64 tỷ đồng và trở thành huyện đầu tiên của tỉnh có Nhà máy xử lý rác tập trung của huyện với công nghệ và hệ thống xử ý hiện đại. Cùng đó huyện quan tâm chỉ đạo xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các xã, thị trấn; thành lập hơn 250 HTX, tổ đội và tổ tự quản bảo vệ môi trường, tiến tới mục tiêu xử lý triệt để rác thải ra môi trường.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó có kết quả nổi bật trong phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh, với trên 87% gia đình văn hoá, 88,8% làng, tổ dân phố và 97,7% cơ quan, đơn vị đạt thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa; 12 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Hoạt động văn hoá quần chúng tiếp tục phát triển rộng khắp ở các vùng, miền gắn với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá các dân tộc. Cùng với đó là kết quả đáng mừng từ Đề án thực hiện lộ trình tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2020, bởi sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị đã góp phần nâng tỷ lệ bao phủ thẻ BHYT toàn huyện lên 99,52%, với hơn 225 nghìn người dân có thẻ BHYT, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chiến lược phát triển lâu dài. Trong năm, huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố trong toàn huyện lên 88%, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và phát triển sự nghiệp trồng người. Nhờ đó, chất lượng giáo dục được nâng lên đáng kể, với 89 trường học đạt chuẩn Quốc gia. Chất lượng giáo dục mũi nhọn năm sau cao hơn năm trước, với hơn 1.170 giải học sinh giỏi các cấp.

Mùa xuân này, về với Lục Ngạn ta tiếp tục cảm nhận được hơi ấm của tình đoàn kết cộng đồng, của cấp ủy, chính quyền huyện nhà đang lan toả bao trùm lên khắp các thôn bản, suởi ấm cho đồng bào nghèo. Cùng với chính sách an sinh xã hội, kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn ở 11 xã đặc biệt khó khăn của huyện; rồi những món quà tết được chia sẻ từ tình người Lục Ngạn đang tấp nập hướng về hộ nghèo, mang theo hơi ấm của cộng đồng gửi đến cho hộ nghèo trong những ngày giáp tết.

Bên cạnh những kết quả đạt được trên một số lĩnh vực, nhìn lại năm 2020 chúng ta cũng không khỏi chạnh lòng bởi kết quả đạt được ở một số lĩnh vực còn hạn chế như: công tác triển khai thực hiện một số dự án hạ tầng trọng điểm còn chậm; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản; quản lý bảo vệ rừng còn lỏng lẻo; Kết quả thực hiện Chỉ thị 17 còn chậm, có địa phương còn lúng túng; công tác cải cách hành chính; giải quyết đơn thư kiếu nại, tố cáo còn chậm, chất lượng hạn chế...Để tạo bước đột phá ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lục Ngạn lần thứ 25, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu: Đẩy mạnh thực hiện sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa; đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm cây ăn quả; quan tâm phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị. Tăng cường công tác quản lý đô thị. Tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, chú trọng các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tâm linh và du lịch trải nghiệm nhằm khai thác tốt lợi thế vùng cây ăn quả tập trung, các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết triệt để vấn đề thu gom, xử lý rác thải. Tập trung đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, khoáng sản; bồi thường giải phóng mặt bằng; cùng đó gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng .

Chia tay với năm Cánh Tý, chào đón năm Tân Sửu, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 với những thời cơ, vận hội và cả khó khăn mới, nhưng chúng ta có cơ sở để tin rằng, với truyền thống đoàn kết của một Đảng bộ cùng với ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 25 sẽ là điểm tựa để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lục Ngạn vượt qua mọi khó khăn, thử thách tạo thành “ Khát vọng” vươn lên đưa Lục Ngạn phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

 

Vũ Đoàn

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.