Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Hải nỗ lực giữ vững thương hiệu vải thiều Lục Ngạn

Với mong muốn sản xuất ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thanh Hải, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn được thành lập làm thay đổi phương thức canh tác cũ, sản xuất vải thiều theo tiêu chí an toàn, để bảo vệ sức khoẻ cho chính người nông dân và gia đình những người trồng vải.

Anh Ngô Văn Hùng, thành viên HTX nông nghiệp Thanh Hải thu hoạch vải thiều.

          Chúng tôi đến thăm HTX nông nghiệp Thanh Hải tại thôn Cầu Đền vào buổi chiều đầu tháng 6. Nếu như trước đây xuất phát từ trung tâm huyện Lục Ngạn vào đến thôn phải hết khoảng nửa giờ, thì nay chỉ hết hơn chục phút. Mấy năm trước đây, thực hiện Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh Bắc Giang, cán bộ và nhân dân thôn Cầu Đền đã chung sức, đồng lòng hiến đất, hiến công, hiến của để mở đường đẹp hơn, rộng hơn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Đặc biệt, mấy năm gần đây, vào mùa thu hoạch vải thiều, xe container còn vào tận thôn để thu mua sản phẩm cho bà con.

          Chỉ tay về phía quả đồi rộng với bạt ngàn vải thiều, anh Ngô Văn Liên ( SN 1985), là Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Thanh Hải khoe: Vùng đồi của thôn Cầu Đền với đất pha ghềnh gan trâu có tính mát. Vải thiều đã bén rễ ở vùng đất này thì năm nào cũng được mùa, quả sáng mã, chín muộn và bán giá cao hơn đầu vụ.

          Để minh chứng cho lời nói của mình, anh Liên dẫn chúng tôi đến thăm thành viên HTX Ngô Văn Hùng. Với khoảng 3 ha vải thiều, năm nay dự kiến vườn vải này cho thu hoạch khoảng 20 tấn quả. Theo anh Hùng, trước đây chăm sóc vải thiều theo phương pháp cũ khá vất vả. Sau khi vào HTX, việc chăm sóc vải thiều khoa học hơn, có sổ ghi chép rõ ràng. Đặc biệt, số vốn đầu tư ban đầu ít hơn, thu nhập cao hơn.

Một số doanh nghiệp đến khảo sát, ký kết thu mua vải thiều tại HTX nông nghiệp Thanh Hải.

          Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ khâu chăm sóc đến khâu tiêu thụ cần hình thành một liên kết chuỗi, HTX nông nghiệp Thanh Hải đã được thành lập. HTX có 13 thành viên, diện tích vải thiều gần 40 ha (bình quân mỗi thành viên khoảng 3 ha), năm nay sản lượng ước đạt 300 tấn quả tươi. Cùng đó, HTX còn được cấp 1 mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Nhật Bản với diện tích 10 ha, sản lượng dự kiến từ 60 đến 70 tấn. Niềm vui, vinh dự và trách nhiệm của người dân Lục Ngạn, các thành viên HTX bắt tay vào chăm sóc theo hướng dẫn, để sản phẩm làm ra đủ điều kiện xuất khẩu.

Theo đó, vải thiều của HTX được sản xuất bảo đảm uy trình, chất lượng được được bán với giá cao hơn; giữ vững được giá trị quả vải, không bị trừ lùi cân, ép giá, không bị phụ thuộc quá nhiều vào thương lái Trung Quốc.

Với quy trình thu mua, tiêu thụ của HTX, vải sẽ được thu hoạch và tập kết tại một điểm, sau đó doanh nghiệp sẽ đến chuyên chở, bà con không phải trực tiếp thồ những sọt vải nặng trĩu đến điểm thu mua, góp phần làm giảm bớt tình trạng tắc đường- một trong những nỗi lo của người dân Lục Ngạn mỗi vụ thu hoạch.

Một góc đồi trồng vải thiều của thành viên HTX nông nghiệp Thanh Hải.

Ngô Văn Liên thông tin, mặc dù mới chớm đầu vụ nhưng hiện nay HTX đã nhận được hàng chục đơn hàng từ thương lái các tỉnh, thành phố, siêu thị với sản lượng tiêu thụ dự kiến lên đến hàng chục tấn. “Để HTX ngày càng phát triển ổn định chúng tôi rất cần sự quan tâm của nhà nước bằng việc hỗ trợ bao bì, tem nhãn, với hình thức đẹp mắt, phù hợp để sản phẩm có chỗ đứng vững trên thị trường. Đặc biệt là hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin sản phẩm… anh Liên nói.

Xây dựng một mô hình hướng tới tăng cường kết nối cung- cầu, tạo thành chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; đồng thời, cung ứng sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng ra thị trường, đó là mục tiêu mà các thành viên trong HTX nông nghiệp Thanh Hải đang nỗ lực để góp phần giữ vững thương hiệu vải thiều Lục Ngạn.

 

Quang Huấn

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.