Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) Phát huy vai trò của người dân tham gia PCCC

Sáng 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng PCCC.

Dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm có các đồng chí: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Trần Văn Sơn; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư. Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. Dự và chủ trì điểm cầu huyện Lục Ngạn có đồng chí La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện.

Đồng chí La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện chủ trì điểm cầu huyện Lục Ngạn

 

5 năm qua, Bộ Công an đã tham mưu với Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều kết luận, nghị định và văn bản chỉ đạo, điều hành khác về công tác PCCC, CNCH. Lực lượng cảnh sát PCCC toàn quốc đã mở 2 đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn cho hơn 23 triệu lượt đối với hộ gia đình. Từ đó vận động 2,8 triệu hộ gia đình tạo lối thoát nạn thứ hai, trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy. Qua kiểm tra đã xử phạt gần 50 nghìn trường hợp với tổng số tiền 520 tỷ đồng; đình chỉ, tạm đình chỉ hơn 2,3 nghìn trường hợp.

Từ năm 2017 đến nay, lực lượng công an đã điều động hơn 200 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện tham gia chữa cháy, cứu nạn ở 18 nghìn vụ việc. Qua đó hạn chế được thiệt hại gây ra, cứu được gần 7 nghìn người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người.

Mặc dù vậy, số vụ cháy vẫn gia tăng, có vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân là do một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ, ngành còn xem nhẹ công tác PCCC, thiếu quan tâm, quyết liệt, thậm chí phó mặc công tác này cho lực lượng công an.

Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về CNCH chưa thường xuyên, liên tục; việc thanh tra, kiểm tra về PCCC, CNCH do lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chủ trì còn ít nên nhiều tồn tại, thiếu sót mang tính cốt lõi chưa được giải quyết dứt điểm.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả mà các bộ, ngành, địa phương; trân trọng ghi nhận sự hy sinh, quên mình của lực lượng công an nhân dân nói chung, cảnh sát phòng cháy nói riêng trong việc tham gia công tác PCCC và CNCH. Nhằm khắc phục những tồn tại, khó khăn nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ thị của Đảng đối với công tác PCCC cùng các văn bản, nghị quyết, nghị định, quyết định văn bản có liên quan. 

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác này, đồng chí giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ nghiên cứu sự cần thiết, tính khả thi xây dựng Luật PCCC và CNCH. Rà soát, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình về PCCC và CNCH phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng để nhân dân tự giác chấp hành pháp luật; phát huy vai trò của người dân trong việc nâng cao ý thức tự bảo vệ chính mình.

Siết chặt kỷ luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC; trước mắt, Bộ Công an chủ trì, phối hợp tiến hành tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về công tác PCCC, xử phạt nghiêm minh đối với các cơ sở hoạt động không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy.

Các bộ, ngành, địa phương quan tâm bố trí kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng; tập trung các nguồn lực xây dựng, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC và CNCH. Kiện toàn lực lượng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bố trí phù hợp lực lượng PCCC ở các địa bàn trọng điểm, mở rộng mạng lưới, bảo đảm bám địa bàn, cơ sở.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện. Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo...

Sau hội nghị trực tuyến toàn quốc kết thúc, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan cần rút kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót, chậm trễ trong ban hành các kế hoạch triển khai theo quy định. Trước mắt, Công an tỉnh tham mưu để UBND tỉnh ban hành kế hoạch tiếp tục thực hiện Nghị định 83. Các huyện, TP ban hành kế hoạch thực hiện. 

Rà soát lại quy chế phối hợp giữa các cấp, ngành trong tỉnh về công tác PCCC và CNCH. Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC các cấp từ tỉnh đến xã; tiếp tục củng cố lực lượng PCCC chuyên trách và bán chuyên trách, dự phòng; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, rút giấy phép hoạt động của những cơ sở không bảo đảm an toàn nhất là cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao như vũ trường, karaoke. 

Hướng dẫn chi tiết, cụ thể để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng quy định PCCC. Khẩn trương xây dựng nhân rộng mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, phấn đấu từ nay đến hết năm toàn tỉnh thành lập được tổ liên gia an toàn PCCC ở tất cả các thôn, tổ dân phố, nhất là ở khu đông dân cư, ven khu công nghiệp với nhiều nhà trọ công nhân. 

Đồng chí yêu cầu Công an tỉnh tăng cường vận động người dân, chủ cơ sở nâng cao ý thức PCCC. Đẩy mạnh tuyên truyền về kiến thức về PCCC, kỹ năng thoát hiểm, cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, thanh thiếu nhi, công nhân và nhân dân.

 

Vũ Đoàn

 

 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.