Hộ Đáp Tập trung sản xuất vải thiều chất lượng cho xuất khẩu

Với ưu thế quả vải thiều có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, thời gian chín muộn hơn so với vải thiều ở các xã vùng thấp khoảng 10 ngày nên những năm gần đây, thương hiệu vải thiều của xã vùng cao Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được nhiều thương nhân và người tiêu dụng biết đến. Thời điểm này, cán bộ và nhân dân xã Hộ Đáp đang tập trung chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP nhằm tạo ra sản phẩm tốt nhất đáp ứng cho nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Anh Lục Văn Cặm tưới nước cho cây vải thiều

 

Vụ vải thiều năm 2020, gia đình chị Hứa Thị Lan (dân tộc Nùng) ở thôn Na Hem, xã vùng cao Hộ Đáp là một trong những hộ được cấp chính quyền lựa chọn cấp mã vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn Global GAP để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Thời điểm này, vườn vải thiều rộng 1 ha có hơn 400 cây độ 10 năm tuổi của gia đình chị Lan đang trong giai đoạn quả non, bắt đầu làm cùi.

Chị Lan phấn khởi cho biết, do điều kiện thời tiết thuận lợi nên vườn vải nhà tôi năm nay ra hoa và đậu quả sai hơn năm trước. Dự kiến sản lượng năm nay sẽ đạt khoảng 7 tấn quả. Nhờ có sự quan tâm, hướng dẫn chăm sóc vải thiều của Cục Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cán bộ khuyến nông xã nên chúng tôi đã áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào chăm sóc quả vải thiều hiệu quả như: biện pháp tỉa cành, tạo tán; tưới nước tưới, phân bón và đặc biệt là khâu phòng trừ sâu bệnh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép.

Gần đó, gia đình anh Lục Văn Cặm (dân tộc Nùng) cũng có 1 ha vải thiều cho thu hoạch. Khi chúng tôi đến thăm, vợ chồng anh Cặm cũng đang tất bật với việc tưới nước và phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh cho cây vải. Trao đổi với chúng tôi, anh Cặm phấn khởi cho biết: Vụ năm 2019, vườn vải nhà tôi thu hoạch được 5 tấn quả bán với giá trung bình 33 nghìn đồng/kg nên cũng thu về được trên 160 triệu đồng. Thực sự nếu không có cây vải thiều thì chắc gia đình tôi chả bao giờ cầm được đến 100 triệu đồng. Vụ vải thiều năm nay, quả vải ra sai hơn nên ước sản lượng sẽ đạt 7 tấn. Được nhà nước quan tâm tâm hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật về quy trình sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản nên chúng tôi phấn khởi lắm. Hi vọng giá cả năm nay sẽ cao hơn năm trước.

Là người có kinh nghiệm chăm sóc vải thiều đạt chất lượng từ nhiều năm nên vụ vải 2020, anh Cặm được lựa chọn làm nhóm trưởng theo dõi việc sản xuất vải thiều Global GAP của nhóm có 5 hộ gia đình được cấp mã vùng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ngoài việc tập trung chăm sóc vải thiều của gia đình mình, anh Cặm còn thường xuyên đến các hộ trồng vải trong nhóm để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp chăm sóc vải thiều xuất khẩu, đồng thời ghi chép sổ sách những công việc liên quan đến quá trình chăm sóc quả vải thiều.

Năm 2020, thôn Na Hem có 17 ha vải thiều thuộc 13 hộ được lựa chọn sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Theo đó, cơ quan chức năng đã hướng dẫn bà con chia làm 3 nhóm (với 3 mã vùng), mỗi nhóm có 01 nhóm trưởng và các thành viên để tiện cho việc theo dõi, quản lý việc chăm sóc cây vải thiều.

Theo chị Lại Thị Yên, cán bộ khuyến nông xã Hộ Đáp, nhằm giúp cho bà con nắm bắt tốt kiến thức khoa học áp dụng vào sản xuất, từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tham mưu cho UBND xã tổ chức được 03 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc vải thiều VietGAP, Global GAP cho nông dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã trực tiếp đến nhà các hộ dân hướng dẫn bà con cách tỉa cành, bón phân, tưới nước và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.

Chị Lại Thị Yên, cán bộ khuyến nông xã Hộ Đáp hướng dẫn nông dân cách chăm sóc cây vải thiều

 

Hộ Đáp là xã vùng cao của huyện Lục Ngạn, xã có 6 thôn với tổng số 1.016 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc Nùng chiếm đến trên 75%. Toàn xã hiện có 650 ha vải thiều, trong đó đã có 320 ha đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong 5 năm gần đây, bà con đồng bào dân tộc Nùng tại xã Hộ Đáp đã nắm bắt tốt kiến thức khoa học áp dụng vào chăm sóc cây vải thiều hiệu quả. Do địa hình của xã có nhiều vườn đồi đất sỏi son và nghềnh non, cùng tiểu vùng khí hậu rất phù hợp cho cây vải thiều phát triển nên từ nhiều năm qua, bà con nơi đây đã tạo ra thương hiệu vải thiều muộn của vùng cao Lục Ngạn. Thông thường, vải thiều của xã Hộ Đáp chín muộn hơn so với các xã vùng thấp từ 8 – 10 ngày, quả vải khi chín có màu đỏ đẹp, cùi dầy ngọt lịm và thơm mát nên được tư thương ưa chuộng.

Ông Tô Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Đáp cho biết, năm 2020, sản lượng vải thiều của xã Hộ Đáp ước đạt  từ 2.200 – 2.300 tấn quả, tăng khoảng 200 tấn so với vụ năm 2019. Để sản xuất vải thiều đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, ngay từ đầu vụ, Đảng ủy – UBND xã đã chỉ đạo các đoàn thể và cán bộ khuyến nông tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vải hiệu quả. Đặc biệt năm nay, xã được ngành chức năng quan tâm lựa chọn cấp mã vùng sản xuất 17 ha vải thiều chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đây là niềm vui đối với bà con nông dân trồng vải của xã nhà. Hiện các hộ dân đang phấn khởi tập trung chăm sóc cho quả vải thiều đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Hiện đã có một số doanh nghiệp đến thăm, tìm hiểu vùng vải thiều xuất khẩu thôn Na Hem như: Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu; Công ty cổ phần AMEII Việt Nam đã trực tiếp lên các nhà vườn tại Lục Ngạn khảo sát, xúc tiến việc thu mua vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

 

Đức Thọ - Nguyễn Đoàn

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.