Hướng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại Lục Ngạn

Lục Ngạn là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái cộng đồng. Dựa trên nền tảng thế mạnh của mình, huyện đã định hướng phát triển du lịch để tạo bước đi phát triển bền vững.

Thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho Lục Ngạn một vùng đất đai rộng lớn với những vườn đồi thoải dốc, có tiểu vùng khí hậu đặc trưng mát mát mẻ và ôn hòa, nên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã phát huy tiềm năng lợi thế đó, xây dựng huyện trở thành một trong những vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, với nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng như: Vải thiều, cam, bưởi, táo, nhãn ổi... thơm ngon nức tiếng gần xa.

Đường lên Chùa Am Vãi, xã Nam Dương

          Không những vậy, quê hương Lục Ngạn giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc, có hệ thống các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, là nơi còn lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như chùa Am Vãi, đền Hả, hát Sloong hao, hát Sli, hát Then, hát Lượn. Nhiều danh lam, thắng cảnh khác nằm rải rác tại các xã, thị trấn. Nhiều điểm đến hấp dẫn cùng nét văn hoá truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc.

          Cùng với những giá trị đặc sắc về văn hóa, Lục Ngạn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: hồ Cấm Sơn; hồ Khuôn Thần, xã Kiên Lao; hồ làng Thum, xã Quý Sơn; suối Cặm, xã Sa Lý; suối Đấy, suối Tà Cang, xã Phong Minh... Đây là những địa danh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch trải nghiệm, sinh thái, nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, Lục Ngạn còn có 3 làng nghề truyền thống, có nhiều sản phẩm truyền thống đặc trưng như: mỳ Chũ, rượu Kiên Thành, mật ong, phấn hoa, gạo nếp,...; là những điều kiện thuận lợi để Lục Ngạn phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Lục Ngạn có đủ tiềm năng để thu hút khách tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng quanh năm, trải rộng các địa phương trong toàn huyện.

Để phát huy tiềm năng du lịch gắn với phát triển vùng CAQ bền vững, Huyện uỷ, UBND huyện Lục Ngạn đã ban hành Kế hoạch, Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tổng kinh phí thực hiện gần 200 tỷ đồng. 

Nhà vườn Lục Ngạn chăm cây chuẩn bị đón khách

Trong đó, tập trung xây dựng và phát triển các không gian du lịch sinh thái- cộng đồng vùng CAQ trọng điểm; không gian du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng- giải trí hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn; không gian du lịch văn hoá- tâm linh (khu di tích đền Hả, chùa Am Vãi và các đình, chùa lân cận)… liên kết không gian du lịch với các huyện, tỉnh, thành phố lân cận. Mục tiêu, mỗi năm thu hút 1,5 triệu lượt khách; tổng doanh thu từ du lịch, dịch vụ du lịch đạt khoảng 210 tỷ đồng; tạo việc làm cho từ 700 đến 1 nghìn lao động vài năm 2025.

Thực hiện các kế hoạch, đề án, bên cạnh củng cố các HTX đã có, huyện đã thành lập mới 15 HTX có ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Hướng dẫn giúp các HTX đi vào hoạt động ổn định, đồng thời tham gia ngay vào Kế hoạch tổ chức du lịch trải nghiệm mùa cam, bưởi năm 2021. 

Phòng Văn hoá và Thông tin, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp khảo sát, lựa chọn 13 nhà vườn trồng cam, bưởi, cảnh quan đẹp, đủ các điều kiện, như: Diện tích vườn rộng có sản lượng hơn 15 tấn quả/vụ; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; giao thông đi lại thuận tiện, bảo đảm phục vụ khách tham quan… Đó là các nhà vườn ở xã Quý Sơn, Tân Mộc, Thanh Hải, Tân Quang…

Để thực hiện kế hoạch đề ra, các cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp, nhanh chóng xây dựng các điểm, tour du lịch; kết nối các nhà vườn, HTX với DN lữ hành liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch của đơn vị mình, như: Lịch trình tham quan, mua sắm, ngủ, nghỉ… Đặc biệt là đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất để đón khách tại khu tham quan, đặc biệt là nhà vườn.

Bà Lường Thị Lan, bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn phơi vải nhuộm chàm may áo

 

           Cụ thể, du khách đến Lục Ngạn sẽ từ Tây yên tử đi thăm vườn Chùa Am Vãi, làng nghề mỳ Chũ (xã Nam Dương), sau đó trở về ăn cơm trưa tại làng văn hoá Đông Bắc, và tiếp tục đi thăm vườn quả tại các xã Thanh Hải, Quý Sơn, Tân Quang.

Hay từ trung tâm thị trấn Chũ đi thăm Chùa Am Vãi và làng nghề (xã Nam Dương); thăm làng văn hoá Đông Bắc, thăm làng nghề sinh vật cảnh (xã Thanh Hải); sau đó đi thăm bản Bắc Hoa (xã Tân Sơn) và hồ Cấm Sơn.

           Hoặc du khách có thể đi thăm vùng cây ăn quả xã Tân Mộc, làng nghề mỳ Chũ (xã Nam Dương), sau đó đi thăm bản Bắc Hoa (xã Tân Sơn); ăn cơm trên đảo, nhà nổi và thăm làng chài trên hồ Cấm Sơn…

        Tham gia các tuyến du lịch này, du khách được đến với Chùa Am Vãi, thoả lòng thành tâm hướng phật, được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi non hùng vĩ, bản làng thơ mộng. Thưởng thức dòng nước ngọt ngào tuôn ra quang năm từ những khe núi, đắm mình trong thiên nhiên cây cỏ ở khu rừng thưa tĩnh lặng sau chùa, tạm lánh xa những xô bồ của cuộc sống hiện đại, thư thái tìm về cõi tâm linh.

Tại làng nghề, du khách được tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất mỳ gạo Chũ; trực tiếp lựa chọn mua sản phẩm mỳ Chũ về làm quà cho người thân.

Bản Bắc Hoa được ví như một cô gái miền sơn cước, mộc mạc, bình dị mà nên thơ… hai bên đường đi là những đồi cây xanh mát, những ngôi nhà ẩn hiện trong những đồi vải điệp trùng. Nổi bật trên những vạt đồi vải xanh mướt mát là chòm những ngôi nhà mái ngói âm dương lô xô để lại nhiều ấn tượng cho những người có dịp đặt chân đến Bắc Hoa. Người dân tộc Nùng nơi đây vẫn giữ nguyên vốn văn hoá truyền thống là dệt vải, nhuộm chàm, may áo để diện trong các lễ hội truyền thống.

Hồ Cấm Sơn có phong cảnh non nước hữu tình; đồng thời chứa đựng bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng dân cư địa phương. Đến đây, du khách sẽ lên xuồng đi thăm đảo lớn, đảo nhỏ, sau đó có thể dùng bữa trưa tại đảo hay nhà nổi tuỳ lựa chọn.

          Đặc biệt, với tấm lòng mến khách, du khách khi đến với các HTX, nhà vườn đều được đón tiếp, hướng dẫn chu đáo. Tại đây du khách sẽ được thưởng thức những trái cam, bưởi thơm ngon được chính bàn tay người nông dân sản xuất ra theo quy trình ViettGap, GlobalGap. Cùng đó, được thoả thích chụp ảnh lưu niệm, tự tay thu hái cam, bưởi về làm quà cho người thân…

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên và sự đa dạng về vốn văn hóa đặc sắc cùng với sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền địa phương, nhà đầu tư và cả cộng đồng, du lịch sinh thái cộng đồng của huyện Lục Ngạn sẽ có bước đi bền vững và hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch thế mạnh của huyện, thu hút được nhiều du khách đến thưởng thức, trải nghiệm trong tương lai.

 

Quang Huấn

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.