Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả trên cây vải thiều thời kỳ phát triển quả non

 

 Thời điểm hiện nay, trên các trà vải, các đối tượng sâu đục cuống quả, bọ xít non, sâu đo, sâu róm tiếp tục gây hại. Trên cây có múi, các đối tượng nhện đỏ, nhện trắng, bọ trĩ, bệnh loét sẹo gây hại và tiếp tục gây hại với mật độ cao trong thời gian tới;

           Để phòng giúp bà con nông dân trừ tốt các đối tượng sâu bệnh hại trên cây vải giai đoạn này,Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, tuân thủ nguyên tắc 4 đúng.

Nguyên tắc thứ Nhất (Đúng thuốc): Cần lựa chọn đúng loại thuốc cho từng đối tượng sâu bệnh để hiệu quả phòng trừ cao, ví dụ: Sâu đo, sâu que cần chọn dòng thuốc sinh học, sâu róm, bọ xít, sâu ăn lá... cần chọn dòng thuốc hóa học, đặc trị...;

Nguyên tắc thứ Hai (Đúng nồng độ, liều lượng): Nồng độ pha và liều lượng phun phải tuân thủ theo nhãn mác trên bao bì khuyến cáo. Khi phối trộn nhiều loại thuốc trong một lần phun thì nên giảm nồng độ pha của từng loại  thuốc;

Nguyên tắc thứ Ba (Đúng cách): Đây là nguyên tắc quan trọng và quyết định lớn đến hiệu quả khi phun thuốc, cần chỉnh áp suất, độ nén của máy nén vừa phải, dùng vòi doa, chỉnh dạng phun sương (không dùng vòi phun dạng súng bắn), phun kỹ trên bề mặt xung quanh tán lá và phun vào bên trong tán lá, cành cấp 1, 2 ( trừ trưởng thành sâu đục cuống quả);

Nguyên tắc thứ Tư (Đúng lúc, đúng thời điểm): Để thực hiện tốt nguyên tắc này, bà con cần thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại để phun kịp thời, hiểu quả, với các loại bệnh hại thì phun phòng là chủ yếu; Thời gian phun thuốc nên chọn ngày mát trời, lặng gió và phun vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật Nông nghiệp huyện khuyến cáo: Khi pha thuốc và phối trộn các loại thuốc phun, bà con cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Không phối trộn thuốc với các loại thuốc khác như các dòng thuốc Gốc đồng, Cốc 85...

Kỹ sư: Nguyễn Thị Thanh Thúy, cán bộ Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật Nông nghiệp Lục Ngạn hướng dẫn cách phối trộn thuốc BVTV phun trên cây vải

 

Các hiện tượng gặp phải khi pha thuốc, phối trộn thuốc không đúng như: Hiện tượng kết tủa, nổi váng trên bề mặt phồm thuốc, chuyển màu, thu và tỏa nhiệt...Không nên phun thuốc bệnh với các dòng phân bón lá, vì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc bệnh.

Khi buộc phải phối trộn nhiều loại thuốc với nhau trong 1 lần phun cần lưu ý,  pha các loại thuốc dạng hạt, dạng bột, dạng cốm trước, sau đó đến dòng thuốc dạng nhũ dầu, sữa, thuốc dạng nước pha sau và phân bón lá nếu có thì pha cuối cùng.

Khi phối trộn nhiều loại thuốc với nhau cần: phối trộn các dòng thuốc có tác dụng khác nhau như: thuốc có tác dụng lưu dẫn phối trộnvới thuốc có tác dụng tiếp xúc, xông hơi phối trộn với nội hấp, vị độc phối trộn với lưu dẫn ...để hiệu quả phòng trừ cao;

Phối trộn các loại thuốc khác nhau, hoạt chất khác nhau để phổ tác dụng của thuốc rộng hơn, trị được nhiều đối tượng hơn, hiệu quả phòng trừ cao hơn;

Đối với các mã vải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản các hộ sản xuất cần lưu ý: chỉ sử dụng các loại thuốc trong danh mục theo khuyến cáo của Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 09 tháng 9 năm 2020), không sử dụng các dòng thuốc không khuyến cáo trên cây vải, các dòng thuốc có tồn lưu lâu trong nông sản như các hoạt chất: Tricyclazale, Difenoconazone, Nereistoxin, Quinalphos, Chlorpyrifos, Pyraclastrobin...

 

Vũ Đoàn

 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.