Giới thiệu và bán nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang tại Hà Nội

Nằm trong chuỗi các hoạt động tại sự kiện Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn năm 2019, ngày 1- 12, tại Siêu thị Thành Công, địa chỉ số 86, đường Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân (Thành phố Hà Nội), UBND huyện Lục Ngạn phối hợp với Sở Công thương tỉnh, Công ty cổ phần Đại Phát Hà Nội tổ chức khai trương gian hàng giới thiệu và bán nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang tại Hà Nội và quảng bá cam, bưởi sản xuất theo quy trình VietGAP có dán tem truy xuất nguồn gốc của huyện Lục Ngạn.

 

Các đại biểu cắt băng khai trương gian hàng

 

Dự lễ khai trương có đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo Sở Công Thương Thành phố Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội; lãnh đạo Sở Công Thương, một số sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, Thành phố. Ở huyện Lục Ngạn có đồng chí Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện.

Phát biểu tại lễ khai trương, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Bắc Giang là tỉnh có tiềm năng phát triển nông nghiệp với nhiều nông sản chất lượng cao, thương hiệu nổi tiếng được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng. Toàn tỉnh hiện có 52 nông sản chủ lực, đặc trưng. Các sản phẩm được giới thiệu và bày bán tại gian hàng nhân dịp khai trương như: Vải thiều sấy khô, cam, bưởi, mì Chũ (Lục Ngạn); rượu làng Vân, bánh đa Thổ Hà (Việt Yên); chè bản Ven, gà đồi (Yên Thế); giò, bánh chưng (Hiệp Hòa); thịt lợn sạch của một số hợp tác xã; mật ong hoa rừng, rau an toàn các loại… Trong quá trình sản xuất, Bắc Giang đã tích cực chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Phát biểu tại đây, đồng chí Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện thông tin: Lục Ngạn là huyện miền núi, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, cùng với sự cần cù, chịu khó của người dân đã tạo nên vùng trồng cây ăn quả hàng hóa chất lượng cao như: Vải thiều, nhãn, cam, bưởi, táo… Toàn huyện hiện có trên 27 nghìn ha cây ăn quả các loại, trong đó có trên 15,2 nghìn ha vải thiều, sản lượng bình quân đạt 100 nghìn tấn/năm. Cùng đó là hơn 6,7 nghìn ha cây có múi, sản lượng ước đạt khoảng 60 nghìn tấn; nhãn, ổi, táo cũng đạt hàng chục nghìn tấn quả/vụ. Ngoài ra, Lục Ngạn còn có một số sản phẩm truyền thống đặc trưng, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng như: Mỳ gạo, mật ong, giấm Kim Ngân sản xuất từ vải thiều, gạo bao thai Lục Ngạn, gạo nếp Phì Điền, rượu Kiên Thành... Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn năm 2019 được tổ chức hàng năm là dịp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cây ăn quả, và các sản phẩm đặc trưng của huyện, cũng như tìm cơ hội liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ra các thị trường trong và ngoài nước. 

Đồng chí mong muốn sau chương trình khai trương này sẽ thu hút được đông đảo nhất người dân Thủ đô và khách hàng đến với gian hàng để trải nghiệm và mua được sản phẩm cam, bưởi và các đặc sản chính hiệu của Lục Ngạn. Đồng thời tiếp tục thu hút được các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ ở Hà Nội đến Lục Ngạn để xúc tiến, kết nối hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã của huyện trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm...

Được biết, trong ngày đầu khai trương, bưởi da xanh Lục Ngạn được bán với giá gần 90 nghìn đồng/kg, bưởi ngọt 40 nghìn đồng/quả; cam ngọt 72 nghìn đồng/kg, gà đồi Yên Thế thịt sẵn đóng túi 180 nghìn đồng/con. Gian hàng trên được duy trì hoạt động thường xuyên. UBND tỉnh Bắc Giang giao cho Sở Công Thương hỗ trợ Công ty cổ phần Đại Phát Hà Nội tem dán truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho các nông sản, đồng thời là cầu nối giúp Công ty ký kết hợp đồng với các hợp tác xã, nông dân cung ứng sản phẩm chủ lực an toàn, bảo đảm chất lượng, rõ nguồn gốc của tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn để bán tại Hà Nội./.

 

Quang Huấn

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.