Giảm nghèo nhanh từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội

 

Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40 – CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” trên địa bàn huyện Lục Ngạn nên những năm qua, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội đã có chuyển biến tích cực. Ngân hàng đã bảo đảm nguồn vốn cho vay ưu đãi, thuận tiện đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.

 

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện cùng UBND xã Sơn hải thăm mô hình bưởi ngọt

của gia đình ông Vi Văn Thọ ở thôn Cầu Sắt

 

Gia đình anh Hoàng Văn Cạnh, (SN1978) ở thôn Cầu Sắt xã Sơn Hải vốn là một trong những hộ nghèo đặc biệt của địa phương. Cả hai vợ chồng đều không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập cả gia đình chủ yếu trông vào vườn vải thiều rộng hơn 1  mẫu tuy nhiên do thiếu kiến thức và vốn mua phân bón chăm sóc nên vải thiều năm được mùa, năm lại mất. Năm 2008, căn nhà cay đất bố mẹ xây dựng cho lúc vợ chồng ra ở riêng lại bị trận lũ lịch sử làm đổ. Cũng may, nhờ anh em họ hàng giúp đỡ anh Cạnh đã dựng lại căn nhà trình tường ở tạm. Giữa lúc cuộc sống khó khăn, năm 2014, thông qua Hội Nông dân xã Sơn Hải, anh Cạnh đã được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đầu tư vào chăm sóc vải thiều và cải tạo vườn tạp. Cùng đó, anh cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả do UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức. Sau khi được chăm bón đúng cách, trên 200 cây vải thiều của gia đình năm nào cũng được mùa, sản lượng đạt từ 5 đến 7 tấn quả. Điển hình năm 2018, vườn vải nhà anh Cạnh được mùa nhất, đạt 10 tấn quả. Năm 2019 mặc dù vải thiều mất mùa nhưng anh cũng thu được trên 3 tấn quả, sau khi bán trừ chi phí anh thu lãi gần 100 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập chủ yếu trên, đến nay, gia đình anh Cạnh không chỉ trả hết nợ, thoát được hộ nghèo mà còn xây dựng được căn nhà khang trang. “Nếu không được vay vốn của Ngân hàng CSXH có lẽ tôi sẽ không có cơ hội mở mày, mở mặt như ngày hôm nay- anh Cạnh chia sẻ”.

 

Cùng ở thôn Cầu Sắt, gia đình ông Vi Văn Thọ cũng được vay 50 triệu đồng từ năm 2015 của Ngân hàng CSXH với lãi suất ưu đãi. Với số vốn trên cộng với số tiền tích cóp được, ông đã mua 2.000 cây bưởi ngọt về trồng, đồng thời mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật về chăm sóc hơn 700 cây vải thiều. Vụ vải vừa qua gia đình ông Thọ thu hoạch 6 tấn vải thiều, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 150 triệu đồng. Bên cạnh đó với khoảng 3.000 quả bưởi ngọt, tới đây cũng sẽ đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khá. Năm 2017 gia đình ông Thọ đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

 

Đó mới chỉ là hai trong số hàng trăm hộ thoát nghèo của xã Sơn Hải sau khi được vay nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Theo ông Giáp Hồng Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hải, nếu như năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 76,6% thì nay tỷ lệ này giảm còn 40,4%, dự kiến đến năm 2020 giảm còn khoảng 30%.

 

Để triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40 đạt hiệu quả, Đảng ủy xã Sơn Hải đã xây dựng kế hoạch, giao cho các ban ngành, đoàn thể xã, chi bộ, ban quản lý các thôn tổ chức họp, bình xét. Hộ nào khó khăn hơn thì tạo điều kiện được vay trước, tập trung vào nhu cầu chính là: Trồng rừng, chăn nuôi, chăm sóc cây ăn quả. Cùng đó các hộ phải có cam kết sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Chỉ đạo các tổ chức nhận ủy thác thực hiện tốt kế hoạch tín dụng; phối hợp với Ngân hàng CSXH duy trì, thực hiện hiệu quả và nâng cao công tác giao dịch xã, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu, phục vụ hộ nghèo, đối tượng chính sách. Nhờ đó đến nay dư nợ toàn xã Sơn Hải đạt trên 22,5 tỷ đồng, tăng trên 12,3 tỷ đồng so với năm 2014; toàn xã quản lý 14 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 618 lượt hộ được vay, tổng số tiền tiết kiệm qua các tổ đạt 577 triệu đồng. Xã không có dư nợ quá hạn.

 

Cũng với cách làm trên, trong giai đoạn 2014- 2019 xã Giáp Sơn đã tạo điều kiện cho 856 hộ vay vốn. Đến nay tổng dư nợ toàn xã đạt trên 30,1 tỷ đồng, tăng trên 17,3 tỷ đồng so với năm 2014. Với 21 tổ tiết kiệm và vay vốn, hiện nay đã tiết kiệm được 761 triệu đồng. Mỗi năm xã Giáp Sơn giảm từ 4 đến 5% số hộ nghèo, đến nay tỷ lệ này còn 4,19%.

 

Để Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” đạt hiệu quả, UBND huyện Lục Ngạn ban hành kế hoạch, chương trình hành động, tạo điều kiện về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho Ngân hàng CSXH hoạt động, đồng thời hàng năm cân đối chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng kịp thời về các xã, thị trấn; chỉ đạo UBND xã, thị trấn, tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác phối hợp với Ngân hàng CSXH triển khai giải ngân, huy động tiền gửi, nhận tiền gửi tiết kiệm của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn... Chỉ đạo làm tốt công tác bình xét cho vay tại các thôn; xác nhận kịp thời, đúng đối tượng được vay vốn Ngân hàng CSXH.

 

Theo bà Tạ Thị Quý, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện: Công tác quản lý vốn vay đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo từ khâu bình xét cho vay đến việc giải ngân. Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Từ năm 2014 – 2019, huyện Lục Ngạn đã có 21.638 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay tổng số 641 tỷ đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, trong đó riêng đối tượng hộ nghèo được vay trên 230 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn cho vay được quản lý, sử dụng đúng mục đích như đầu tư vào chăm sóc cây ăn quả, chăn nuôi gia súc… nên đã phát huy hiệu quả tích cực. Đến nay có 6.556 hộ thoát nghèo; số học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học là 803 lượt; 278 lao động được tạo việc làm mới từ Quỹ quốc gia về việc làm; 8.408 công trình nước sạch và vệ sinh xây dựng và 645 căn nhà được xây theo Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

 

Từ việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội cũng ngày càng được nâng lên. Thông qua công tác uỷ thác, cơ chế, chính sách cho vay của Ngân hàng CSXH được các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền, phổ biến và triển khai đến hội viên.

 

Cùng với đó, hoạt động giao dịch tại xã và Điểm giao dịch xã hoạt động càng ổn định, nề nếp hiệu quả; được chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân đánh giá cao. Hoạt động này đã quảng bá được hình ảnh, văn hóa giao dịch của Ngân hàng CSXH, thể hiện được tinh thần trách nhiệm của Ngân hàng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; giúp họ tiếp cận dễ dàng với tín dụng chính sách của Chính phủ và dịch vụ tài chính được thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai.

 

Có thể thấy, nhờ việc triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40 mà hoạt động vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện đã tiếp cận tới hầu hết các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến vùng sâu, vùng xa, thôn, xóm, bản, làng trong toàn huyện; các chương trình tín dụng được triển khai đến nhiều đối tượng vay vốn, với thủ tục nhanh gọn, thuận tiện, phục vụ bà con tại chỗ, tại điểm giao dịch đặt tại UBND xã, thị trấn đã giúp hộ vay giảm bớt khó khăn về thời gian, chi phí đi lại, đỡ tốn kém. Qua đó góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 

Quang Huấn- Nguyễn Đoàn

 

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.