Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương kiểm tra công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ tiêu thụ vải thiều tại Lục Ngạn

Ngày 9/6, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kiểm tra công tác phòng, chống dịch (PCD) và hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ vải thiều tại huyện Lục Ngạn. Cùng đi có đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Công thương, Giao thôn- Vận tải. Tiếp và làm việc với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh có đồng chí Nguyễn Việt Oanh, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ; đồng chí La Văn Nam, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Cao Văn Hoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ; các đồng chí BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 huyện.
Quang cảnh buổi làm việc.
 

 

Theo báo cáo của UBND huyện Lục Ngạn, tính đến 16 giờ ngày 8/6, huyện có 242 trường hợp F0 liên quan tới địa bàn kể từ đầu đợt dịch đến nay. Hiện có 891 trường hợp F1 đang đi cách ly tại các khu cách ly tập trung; 2.491 trường hợp F2, 3.125 trường hợp F3 đang được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Toàn huyện có 125 công dân kết thúc áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung chuyển đổi biện pháp cách ly y tế theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú theo quy định.
Huyện tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác nhận danh sách người lao động đủ điều kiện trở lại làm việc. UBND huyện tạo mọi điều kiện để công nhân quay trở lại công ty làm việc nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định về PCD Covid-19 theo quy định. Toàn huyện đã tổ chức tiêm vắc- xin cho các đối tượng với 8 nghìn liều, đạt 114% kế hoạch được phân bổ.
Đồng chí La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện trình bày báo báo tại buổi làm việc.
 

Đến ngày 8/6, huyện có 238 điểm cân vải cố định lớn và hàng trăm xe tải nhỏ đến thu mua. Sản lượng từ đầu vụ đến nay đã tiêu thụ hơn 25,8 nghìn tấn, trong đó vải sớm 23,14 nghìn tấn, vải chính vụ hơn 2,67 nghìn tấn. Vải được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường phía Nam, hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và xuất khẩu sang thị trường Cam-pu-chia, Lào, Trung Quốc… qua cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn. Giá vải dao động từ 13- 30 nghìn đồng/kg. Nhìn chung việc tiêu thụ vải diễn ra khá thuận lợi. Huyện cũng khuyến khích người dân chủ động đăng ký xây lò sấy, đề phòng vải tươi không bán hết. Dự kiến công suất và sản lượng vải sấy tối đa của 2.820 lò sấy vải khoảng 50 nghìn tấn quả tươi.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành nêu nhiều ý kiến, trong đó tập trung bàn các giải pháp giúp Lục Ngạn PCD Covid-19 và tiêu thụ vải thiều hiệu quả. Đại diện Bộ CHQS tỉnh nêu, huyện đã phối hợp, cơ bản thực hiện tốt công tác PCD, quản lý các F trong các khu cách ly tập trung. Tuy nhiên, huyện vẫn cần duy trì nghiêm hoạt động trong các khu cách ly này, đặc biệt về lĩnh vực y tế và hậu cần. Lãnh đạo Sở Công thương cho rằng, hiện toàn tỉnh đã tiêu thụ thành công hơn 50 nghìn tấn vải sớm. Tuy vậy, Lục Ngạn cần chủ động phương án sấy vải bởi khả năng tiêu thụ vải tươi khó khăn do nhiều thị trường lớn trong nước như TP Hồ Chí Minh đang bị giãn cách…
 
Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc.
 

Qua kiểm tra thực tế và các ý kiến thảo luận, đồng chí Lê Ánh Dương lưu ý, người dân Lục Ngạn vẫn còn tư tưởng chủ quan trong PCD. Thể hiện ở chỗ, còn có người đi bán vải không đeo khẩu trang; các điểm cân chưa thực hiện nghiêm giãn cách; việc quản lý thương nhân, lái xe, người lao động đến địa bàn còn chưa chặt chẽ... Lục Ngạn cần phải đưa ra ngay các giải pháp để khắc phục một số vấn đề trong tiêu thụ vải, như: Thiếu nguồn nhân lực, đá cây để đóng vải thiều đi tiêu thụ, xe chuyên chở vải, bảo đảm an toàn giao thông…

Đồng chí yêu cầu huyện phải quản được người lao động, lái xe, thương nhân từ nơi khác đến, đặc biệt là từ Hữu Lũng (Lạng sơn) vì huyện này cũng đang thực hiện cách ly; thường xuyên nhắc nhở người dân tự giác thực hiện 5K; xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm vì ý thức người dân quyết định cho thành công của nhiệm vụ chống dịch.
Cùng đó, huyện phải quyết tâm xây dựng, giữ vững vùng an toàn dịch bệnh; thực hiện thành công "mục tiêu kép", chống dịch hiệu quả và phát triển kinh tế, trong đó ưu tiên cho tiêu thụ vải thiều. Dự báo trước khó khăn để khắc phục như: Thiếu lao động; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới vào thu hoạch vải như dòng dọc đưa vải trên núi cao xuống, nâng năng suất, giảm nhân công. Khuyến khích thương nhân vận chuyển vải đi sau đó đưa đá cây về.
Vận động các DN nhỏ tham gia vào việc kêu gọi thu mua, cung ứng đá cây đóng gói vải. Năm nay, hệ thống giao thông tốt hơn nhưng huyện cần phối hợp làm đủ các thủ tục giúp lái xe qua được các tỉnh để việc thông thương nhanh hơn; đồng thời phối hợp bảo vệ, quản chặt đội ngũ lái xe vì họ rất dễ mắc dịch khi di chuyển qua các địa phương khác.
Hạn chế ách tắc giao thông bằng cách tạo trào lưu thu mua vải tại vườn để giảm áp lực cho các tuyến đường. Điều này vừa giảm lượng xe máy chở vải đi bán, lại giảm nguy cơ tập trung đông người, tránh được lây lan dịch bệnh. Huyện cần mở thêm các kênh tiêu thụ như việc hợp đồng tiêu thụ vải với Tập đoàn công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam vừa qua, đồng thời mở ra các kênh tiêu thụ nông sản mới cho bà con. Ngoài ra huyện cần có lực lượng nắm tình hình, không để tư thương lợi dụng ép giá nông sản. Về phía tỉnh sẽ quan tâm hơn và đồng hành cùng huyện Lục Ngạn, ưu tiên các điều kiện cho huyện tiêu thụ vải tốt hơn, PCD hiệu quả hơn.
 
Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác thăm vườn vải thiều của gia đình anh Hoàng Văn Cảnh, thôn Bến Huyện, xã Nam Dương.
 

Trước đó, đồng chí Lê Ánh Dương cùng đoàn công tác đã đến thăm, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát dịch Covid-19 tại chốt PCD số 4 ở cầu Bò, xã Mỹ An; khu cách ly PCD Covid-19 tập trung xã Nam Dương đặt tại Trường Tiểu học xã Nam Dương; kiểm tra tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều tại một số gia đình ở thôn Bến Huyện, xã Nam Dương và dự Lễ ký kết hợp đồng, xuất hành cung ứng sản phẩm vải thiều giữa UBND huyện Lục Ngạn với Tập đoàn công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam.

 
 
Quang Huấn
 
Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.