Chủ động tìm “đầu ra” cho vải thiều

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên những chủ vườn vải thiều ở Lục Ngạn không khỏi âu lo khi vụ vải mới đang ra hoa, kết trái. Trước thực tế này, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cùng doanh nghiệp (DN) thu mua đã đưa ra giải pháp để tiêu thụ thuận lợi, giúp người dân yên tâm sản xuất.

 

 Ông Trần Văn Lân, thôn Lâm, xã Nam Dương chăm sóc vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản

 

Lục Ngạn có gần 15,3 nghìn ha vải thiều, năm nay huyện duy trì 218 ha vải được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, riêng thị trường Nhật Bản là 50 ha. Vừa qua, huyện phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật cấp 15 mã số vùng trồng cho 84 hộ dân, với diện tích 77 ha tại các xã: Hồng Giang, Quý Sơn, Giáp Sơn, Tân Sơn và Hộ Đáp. 

Qua kiểm tra thực tế, một số mã vùng trồng vải có tỷ lệ ra hoa thấp nên huyện phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, bổ sung các mã vùng trồng mới tại thôn Bắc Hai, xã Quý Sơn và thôn Lâm, xã Nam Dương, diện tích khoảng 18 ha để tập trung chăm sóc, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.

Dẫn chúng tôi thăm khu vực trồng vải thiều được lựa chọn xuất khẩu sang Nhật Bản thuộc thung lũng Hố Léc, thôn Lâm, anh Thân Văn Thi, cán bộ Khuyến nông xã Nam Dương cho biết, khu vực được lựa chọn rộng gần 11 ha với 12 hộ tham gia. Đây là năm đầu tiên thôn Lâm nói riêng, xã Nam Dương nói chung được lựa chọn vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản nên bà con rất phấn khởi.

Hộ ông Trần Văn Lân, thôn Lâm trồng gần 600 cây vải thiều từ năm 2001. Tranh thủ thời tiết có mưa nên ông cùng gia đình đang tập trung chăm sóc. Ông Lân chia sẻ, năm 2019 vườn vải này đạt gần 20 tấn quả, thu về gần 600 triệu đồng. Năm nay, cả vườn cho hoa đều lại được chọn chăm sóc để xuất vải sang Nhật Bản khiến ông rất vui. 

Ngay cạnh đó là vườn vải hơn 1ha của gia đình anh Trịnh Đình Hãnh. Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên năm nào vải cũng được mùa, lãi cao. Tuy vậy, anh Hãnh không khỏi lo lắng bởi nếu dịch Covid-19 kéo dài thì năm nay tiêu thụ vải sẽ khó khăn.

Được biết, lượng lớn vải của Lục Ngạn được xuất sang Trung Quốc. Ông Vi Văn Tư, Chủ tịch UBND xã Giáp Sơn cho biết, xã hiện có gần 1 nghìn ha vải thiều. Sản lượng năm 2019 đạt hơn 6 nghìn tấn. Năm nay, chỉ có 20ha vải của Giáp Sơn dự kiến xuất sang thị trường Nhật Bản (sản lượng khoảng hơn 200 tấn). Toàn bộ lượng vải còn lại sẽ tiêu thụ ở các thị trường khác.

Trước thực tế đó, UBND huyện Lục Ngạn vừa chỉ đạo cơ quan chuyên môn giúp các hộ trồng vải chăm cây để đạt năng suất cao; một mặt phối hợp với UBND tỉnh, cơ quan, ngành chức năng, các DN tìm thị trường mới tiêu thụ vải.

Theo đó, các nhà vườn cần tập trung theo dõi, cắt tỉa cành nhiễm sâu bệnh, giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi hoa; vệ sinh vườn sạch sẽ, hạn chế phát sinh gây hại của sâu bệnh. Người dân tuân thủ quy trình kỹ thuật, ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc thảo mộc, sinh học, tuyệt đối không được dùng thuốc trong danh mục cấm. 

Ngoài ra, người dân vùng trồng vải xuất sang Nhật Bản còn được tập huấn, phổ biến về quy trình canh tác, thu hoạch, đóng gói quả vải theo yêu cầu riêng của đối tác. Từ lúc vải chưa ra hoa, cho đến lúc thu hoạch, các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp chuyên trách của Lục Ngạn thường xuyên có mặt hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV.

Để việc tiêu thụ vải thuận lợi trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng Lục Ngạn cho hay, đơn vị đã tham mưu UBND huyện xây dựng ba kịch bản, gồm: hết dịch, dịch giảm và dịch tăng. Với kịch bản xấu nhất, huyện sẽ khuyến khích bà con sấy khô và thuê các kho lạnh tại các cảng hàng không, ga tàu, đường thủy… để bảo quản vải thiều xuất khẩu.

Bên cạnh đó, UBND huyện tiếp tục phối hợp với các Sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước, thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ, các thương nhân phân phối, chợ đầu mối tại các thành phố lớn, đặc biệt tại các tỉnh miền Nam; mời gọi các DN chế biến hoa quả, đồ uống đóng hộp về Lục Ngạn chế biến vải thiều. 

Được biết, hiện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn) đã lắp đặt xong dây chuyền sơ chế vải tươi theo công nghệ Juran của Israel. Đây là dây chuyền hiện đại được thiết kế khép kín từ sơ chế - khử trùng - bảo quản - đóng gói, bảo đảm đáp ứng 300 đến 400 tấn vải tươi đi Nhật Bản vụ này. 

Một số DN như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) và Công ty cổ phần AMEII Việt Nam cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm quả vải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Nhật Bản. Với sự phối hợp của ngành nông nghiệp, chính quyền, các DN và nông dân canh tác, vải thiều của Bắc Giang năm nay dự báo tình hình tiêu thụ vải thiều không bị tác động nhiều bởi dịch Covid-19./.

 

Quang Huấn

 

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.