Chăm sóc cây cam ngọt thời kỳ kinh doanh.

Những năm gần đây, cây cam được phát triển và dần khẳng định được giá trị về mặt kinh tế của nó trên đồng đất Lục Ngạn. Thời điểm này, kỹ thuật chăm sóc cam ngọt sau thu hoạch, chống rụng quả ứng dụng công nghệ hữu cơ đang được nhiều nhà vườn tập trung chú trọng.

Xã Mỹ An có tổng diện tích tự nhiên là 1 nghìn 542ha, trong đó có 900 ha diện tích cây ăn quả, cây có múi chiếm gần 40% với 347 ha.  Năm nay, sản lượng cây có múi của xã ước đạt 2 nghìn 800 tấn, trong đó cây cam lòng vàng đã thu hoạch xong với sản lượng hơn 600 tấn (giá bán bình quân 15 nghìn đồng/1kg), trên 400 tấn cam ngọt đã thu hoạch được khoảng 30% với giá bán dao động từ 35 đến 45 nghìn đồng/kg.

        Những ngày cuối năm 2021, cây cam ngọt ở xóm Trung Giang, thôn Tân Giang (xã Mỹ An) đang thời kì chín rộ. Không khó để bắt gặp những hàng cây tăm tắp, trĩu cành bởi những trái cam đỏ mọng, đua nhau chen chúc cạnh những tán lá xanh mướt, xum xuê bên lề đường. 

Anh Nguyễn Văn Giang, thôn Tân Giang (Mỹ An) tưới nước cho cây cam ngọt.

 

        Là một trong hơn 30 hộ trồng và cho bắt quả vụ này, năm nay 2 mẫu đất trồng trên 1 nghìn cây cam ngọt của gia đình anh Nguyễn Văn Giang cho thu trên 15 tấn quả. Vì cam chất lượng tốt, đã có thương lái đến đặt cọc nhưng anh Giang vẫn ung dung chưa quyết bán.

Chia sẻ bí quyết để năm nào cũng bắt quả mà cây không bị kiệt, anh Giang chia sẻ: Trong quá trình chăm sóc, hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật từ hóa học vừa hại đất, hại cây; chú trọng nguồn nước tưới đều, sạch. Đồng thời xác định thời điểm thu hoạch, không thu quá muộn vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng phân hóa mầm hoa của cây vào vụ sau.

Cây cam được đưa vào trồng trên đất Lục Ngạn từ những năm 2000 và được phát triển mạnh nhất vào những năm 2010-2015. Đến nay, tổng diện tích trồng cây có múi của huyện Lục Ngạn là 6.740 ha (trong đó: cam 4.142 ha; bưởi 2.252 ha và cây có múi khác 346 ha), sản lượng hàng năm khoảng 50 nghìn - 60 nghìn tấn (trong đó sản lượng cam năm nay khoảng 35 nghìn đến 40 nghìn tấn).

Đến nay, sản phẩm cây có múi huyện nói chung và sản phẩm Cam nói riêng đã khẳng định được vị thế trên thị trường nhờ mẫu mã, chất lượng ngon hơn ở những địa phương khác và được người tiêu dùng chấp nhận. Năm 2015, cam bưởi Lục Ngạn được Cục Sở hữu Trí tuệ xác lập và bảo hộ. Việc đăng ký Nhãn hiệu tập thể cây có múi Lục Ngạn đã nâng cao được vị thế của cây cam, bưởi Lục Ngạn; làm cho sản phẩm cam, bưởi Lục Ngạn ngày càng có uy tín cao trên thị trường, được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến.

Trong những năm qua, thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện Lục Ngạn coi nhiệm vụ phát triển diện tích cây ăn quả, trong đó có phát triển diện tích cây có múi và thâm canh diện tích cam trên địa bàn huyện là một trong những nhiệm vụ cơ bản trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Để hướng đến việc đưa Lục Ngạn thành vùng trái cây an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nâng cao được chất lượng sản phẩm quả việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được quan tâm. Các công nghệ tưới tiên tiến, công nghệ tưới tiết kiệm đối với cây có múi; ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học, các loại phân bón thế hệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường nâng cao giá trị sản phẩm được áp dụng rộng rãi. Đồng thời, chú trọng đổi mới hình thức sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị bằng cách phát triển Hội sản xuất và tiêu thụ trái cây có múi Lục Ngạn lớn mạnh và thành lập thêm các Hôi, Hợp tác xã, Tổ liên kết cây ăn quả. Có thể nói, năng lực tổ chức sản xuất và tiêu thụ trái cây cũng như các sản phẩm đặc trưng khác đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của khách hàng./.

Phương Thảo

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.