Cây cam ngọt khẳng định chất lượng trên vùng đồi Lục Ngạn

Những năm gần đây, vùng đất Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng với sản phẩm vải thiều thơm ngon,mát bổ mà còn trở thành vùng sản xuất cây ăn quả trọng điểm của khu vực phía Bắc với tập đoàn cây ăn quả trù phú chất lượng. Bên cạnh những sản phẩm như cam lòng vàng và các loại bưởi, thì cây cam ngọt Lục Ngạn (mà người dân thường gọi là cam canh) cũng đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.

Vườn cam ngọt của gia đình anh Lý Văn Năm, ở thôn Mịn Con, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn đang chuẩn bị bước vào thời kỳ tạo mã. Thời điểm này, anh Năm đang tích cực áp dụng quy trình chăm sóc vườn cam theo tiêu chuẩn VIETGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm. Với 2 mẫu đất vườn, ông Năm quy hoạch trồng Cam ngọt và Cam lòng vàng, trong đó phần lớn là cam ngọt. Năm 2018, vườn cam của gia đình được ngành chuyên môn của huyện cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VIETGAP. Việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây cam hoàn toàn có nguồn gốc hữu cơ, do đó cây không bị nhiễm sâu bệnh, hạn chế hiện tượng trai đất khi khai thác quá sức. Không chỉ vậy, nguồn nước tưới cho cây đều được đảm bảo sạch, hợp vệ sinh, như vậy cây cam luôn được bảo vệ khỏe mạnh và sạch bệnh. Sau khi áp dụng quy trình này vào sản xuất, sản lượng và chất lượng cam của gia đình ông Năm tăng lên rõ rệt. Bình quân mỗi năm ông thu về khoảng 400 triệu đồng tiền lãi. Vụ cam năm ngoái ông không bắt quả để dưỡng cây nên vụ này vườn cam cho sản lượng cao hơn so với năm 2018; với sản lượng đạt gần 30 tấn quả; trong đó khoảng 25 tấn cam ngọt.

Ông Vũ Công Thạc, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc chăm sóc vườn cam ngọt

 

Cũng như anh Năm, vụ cam năm nay, gia đình ông Vũ Công Thạc, ở thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc cho sản lượng lớn. Với gần 4ha đất canh tác, năm nay, gia đình ông cho thu hoạch gần 50 tấn quả; trong đó, riêng cam ngọt đạt gần 30 tấn. Do áp dụng quy trình sản xuát VIETGAP nên năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng cây cam vẫn cho sản lượng và chất lượng vượt trội so với năm ngoái. Ông Thạc chia sẻ: Để làm ra sản phẩm cam ngọt chất lượng trên vùng đất đồi này, thì người nông dân chúng tôi phải tốn rất nhiều công đầu tư thâm canh. Đặc biệt là việc áp dụng quy trình sản xuất VIETGAP, sử dụng nhiều phân vi sinh, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học và hướng thâm canh hữu cơ.

Ông Chu Văn Hòa, cán bộ khuyến nông xã Tân Mộc cho biết: So với cây có múi khác thì thâm canh cây cam ngọt đòi hỏi cần tuân thủ quy trình sản xuất khắt khe hơn, hơn nữa người dân Lục Ngạn xác định đây là loại cây trồng chủ lực tạo thu nhập ổn định. Do đó việc chủ động ứng dụng khoa hoc kỹ thuật vào sản xuất luôn được các nhà vườn trên địa bàn huyện quan tâm đẩy mạnh. Cùng đó, nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học vào sản xuất hàng năm UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sạch bệnh, an toàn. Chính vì thế, mặc dù sản lượng không ngừng tăng, xong chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hiện nay, toàn huyện Lục Ngạn có gần 7 nghìn ha cây ăn quả có múi; tập trung nhiều ở các xã: Tân Quang, Hồng Giang, Tân Mộc, Thanh Hải, Giáp Sơn, Quý Sơn..., trong đó diện tích cam ngọt chiếm khoảng trên 2 nghìn 180 ha.  năm nay sản lượng cam, bưởi của toàn huyện ước đạt từ 60 đến 64 nghìn tấn, tăng từ 5 đến 7 nghìn tấn so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng Cam ngọt hơn 28 nghìn tấn. Để chủ động cho công tác tiêu thụ, UBND huyện đã chú trọng việc đẩy mạnh thâm canh, nâng cao chất lượng, quan tâm xúc tiến tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức. Cam ngọt Lục Ngạn có ưu điểm quả chín bóng có màu vàng tươi, chất lượng thơm ngon, ngọt mát. Với những ưu điểm đó nên cam ngọt luôn được thị trường đón nhận và dần khẳng định giá trị trên vùng đất Lục Ngạn.

Vũ Đoàn - Quang Huấn

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.