Các dân tộc thiểu số huyện Lục Ngạn đoàn kết, hội nhập và phát triển

Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã có nhiều chính sách nhằm quan tâm, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Cùng với sự phát triển chung đó, công tác dân tộc miền núi của huyện Lục Ngạn cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ sự quan tâm thường xuyên của các cấp, các ngành Trung ương và địa phương, đến nay, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn miền núi đang khởi sắc từng ngày, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố bền chặt.

 

Trung tâm xã vùng cao Tân Sơn hôm nay

 

Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 30 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã vùng cao, với  116 thôn đặc biệt khó khăn. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 49% với các dân tộc như: Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu, Hoa, Dao, Cao Lan sinh sống đan xen ở 380 thôn bản, khu phố... Do địa hình đồi núi nên điều kiện sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được huyện Lục Ngạn triển khai kịp thời, đúng đối tượng, đã và đang từng bước phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

 

Thực hiện các chương trình, Dự án phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số, huyện Lục Ngạn đã thực hiện có hiệu quả Chương trình 135 qua các giai đoạn; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt khó khăn; đồng thời lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi tích cực, diện mạo nông thôn mới đang từng ngày khởi sắc, đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng lên rõ rệt.

 

Đặc biệt, Đề án hỗ trợ sản xuất cho 13 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% được huyện Lục Ngạn triển khai, tổ chức thực hiện bảo đảm dân chủ, công khai, đúng đối tượng được hưởng lợi. Trong 5 năm qua, Lục Ngạn đã tiếp nhận và đầu tư trên 106 tỷ đồng xây dựng 374 công trình các loại cho các xã đặc biệt khó khăn và xã khu vực II có thôn bản đặc biệt khó khăn. Trong đó có 24 công trình đường giao thông, còn lại là công trình trường học, Điện, Trạm y tế... UBND huyện cũng đã đầu tư trên 6,5 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng 38 công trình. Nhìn chung các công trình được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng đều phát huy được hiệu quả, góp phần đắc lực cho sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Thực hiện Quyết định 102, ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã thực hiện hỗ trợ cho trên 45,5 nghìn lượt hộ nghèo thuộc các xã đặc biệt khó khăn và xã khu vực II thuộc vùng khó khăn, với tổng kinh phí trên 18,5 tỷ đồng. Từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khu vực khó khăn đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất giảm nghèo bền vững.

 

Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số vùng ĐBKK trong huyện. Trên cơ sở đó, Ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho trên 6.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo, và hộ nghèo là dân tộc thiểu số vay với số tiền gần 300 tỷ đồng... Nhờ vậy, nhiều hộ khó khăn đã có vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng cây ăn quả và phát triển kinh tế từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện xuống còn 10,55% năm 2018. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Bộ mặt nông thôn vùng cao khởi sắc từng ngày.

 

Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bà con các dân tộc thiểu số đã đoàn kết, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Điển hình như gia đình anh Đặng Văn Hương, người dân tộc Dao, ở thôn Na Lang, xã Phong Minh. Những năm 2008 - 2009, khi thương lái Trung Quốc phát hiện tại các khu rừng Phong Minh có loài cây Trà Hoa vàng nên bắt đầu thu mua hoa và cây với giá cao. Người dân ở thôn Na Lang, xã Phong Minh đổ xô đi hái hoa, đào cây bán. Gia đình anh Hương khi đó kinh tế còn khó khăn cũng theo chân mọi người lên rừng tìm cây hoa quý. Sau vài lần bán cây cho thương lái, anh Hương bắt đầu tìm hiểu và biết lá, hoa được chế biến thành một loại trà có nhiều tác dụng. Với suy nghĩ, không thể để giống cây bản địa quý hiếm bị cạn kiệt, nên anh đã đưa loài cây này về trồng trong vườn nhà. Từ năm 2010 đến năm 2013, anh cùng vợ con không quản ngại trèo đèo lội suối vào rừng sâu tìm kiếm, chuyển về gần 2 nghìn cây Trà Hoa vàng trưởng thành để trồng dưới tán cây Vải thiều của gia đình. Để cây bén rễ đất đồi, anh Hương tìm hiểu qua sách và nhờ cán bộ khuyến nông địa phương hướng dẫn rồi tự chế phân bón từ mùn cưa, lá cây, chất thải gia súc. Cây Trà hoa vàng là loài ưa bóng mát, vì vậy anh đã che chắn, tránh ánh nắng trực tiếp cho cây... Năm 2014, anh Hương vui mừng khi Trà đã đơm bông và cho thu hoạch vụ đầu tiên được 18 kg, giá bán 1,2 triệu đồng/kg.

 

 Những năm sau đó, sản lượng hoa tăng dần từ vài chục kg đến hàng tạ. Vụ hoa năm 2017, gia đình anh thu hoạch hơn 2 tạ, lãi 200 triệu đồng. Vụ hoa năm 2018 cho sản lượng 6 tạ, thu trên 300 triệu đồng. Năm 2019, vào thời điểm này trà đang đơm nụ, anh Hương ước sản lượng khoảng 800 kg. Thấy hiệu quả từ cây Trà Hoa vàng mang lại, anh Hương đã không ngần ngại vận động bà con trong thôn phát triển loại cây quý hiếm này. Vì vậy hiện nay, thôn Na Lang và xã Phong Minh đã  có 40 hộ gia đình trồng trên chục ha cây Trà hoa vàng xen lẫn cây ăn quả, tổng số khoảng 20 nghìn cây.

 

Năm 2018, anh Hương đứng ra thành lập Hợp tác xã Trà rừng hoa vàng xã Phong Minh gồm 15 xã viên để đứng ra chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho bà con trong thôn. Không chỉ làm giàu cho gia đình, với vai trò trách nhiệm là người đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, anh Đặng Văn Hương tích cực tuyên truyền, vận động và giúp đỡ nhiều hộ dân trong thôn trồng Trà hoa vàng để thoát nghèo. Hiện nay, anh Hương đã nhân giống thành công loại cây này để cung cấp ra thị trường, phục vụ nhu cầu của bà con trong và ngoài huyện.

 

Ông Thăng Văn Báo, người uy tín thôn Muối, xã Giáp Sơn luôn được người dân trong thôn tin tưởng bầu làm trưởng thôn nhiều năm nay. Nhờ sự gần gũi, cách tuyên truyền, vận động hiệu quả nên đồng bào dân tộc Sán Dìu trong thôn đã nhiệt tình hưởng ứng xây dựng thôn trở thành thôn nông thôn mới. Chỉ tính riêng năm 2017, người dân đã đóng góp hơn 2 tỷ đồng để làm gần 30 km đường bê tông. Hiện nay, hơn 90% các trục đường chính trong thôn đã được bê tông hóa, trong đó có trên 2km đường thôn rộng 7m. Để người dân đồng thuận, ông Báo và Ban công tác mặt trận thôn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để họ thấy lợi ích của việc làm đường. Ngoài ra, đảng viên, hội viên của các đoàn thể phải là những người đi trước, làm trước để bà con noi theo.

 

 Không chỉ nhiệt tình với công việc, ông Báo còn đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình. Với hơn 2 ha đất vườn trồng vải thiều và bưởi ngọt mà mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 350 đến 400 triệu đồng. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Báo đã vận động nhân dân trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nhờ trồng cây ăn quả, đến nay, nhiều hộ trong trong thôn đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, hiện thôn chỉ còn 9 hộ nghèo.

 

Thành tích lớn nhất của ông Thăng Văn Báo là đã chung sức, đồng lòng cùng nhân dân đưa thôn Muối về đích nông thôn mới vào năm 2017. Ghi nhận những thành tích đó, từ năm 2011 đến nay, ông Thăng Văn Báo đã được UBND các cấp tặng nhiều giấy khen, nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất đối với ông chính là sự tin yêu, quý trọng của nhân dân.

 

Cũng như ông Báo, ông Trương Văn Hạnh, dân tộc Sán Dìu, thôn Bắc 1 xã Quý Sơn. Với vai trò là một trưởng thôn nhiều năm, ông Hạnh luôn là tấm gương để người dân noi theo; không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, ông còn thể hiện tốt vai trò quy tụ, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc tham gia xây dựng nông thôn mới. Là thôn có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó có 50 hộ là đồng bào di dân TB1, ông Hạnh đã tập hợp được khối đại đoàn kết, xây dựng xóm làng ngày càng phát triển. Kinh tế ổn định, việc vận động bà con trong thôn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi cũng thuận lợi hơn. Bằng sự hỗ trợ, chung tay của người dân, đến nay thôn đã có nhà văn hóa khang trang; cứng hóa trên 8 km đường trục thôn, liên thôn, trong đó 6 km được cứng hóa theo Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh Bắc Giang. Tính từ năm 2011 đến nay nhân dân đã hiến trên 7.300 m2 đất để làm đường, phá bỏ tường rào mở đường thông thoáng, hiến ngày công, hiến của để cùng chung tay làm đường bê tông… Cùng với đó, ông Hạnh còn tham mưu cho chi bộ thôn thành lập Ban soạn thảo để xây dựng quy ước của thôn. Từ khi thôn có quy ước, các hủ tục lạc hậu đều được xóa bỏ, các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy. Nếp sống mới được hình thành trong tư duy của người dân.

 

Cùng đó, nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế nên tỷ lệ hộ nghèo của thôn Bắc 1 giảm còn dưới 1,6%; số hộ khá giàu chiếm 60%. Thôn Bắc 1 nhiều năm đạt danh hiệu văn hóa, với tỷ lệ gia đình văn chiếm trên 90%.

 

Dân tộc thiếu số huyện trong Ngày giao lưu Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn năm 2019

 

Có thể nói, với sự hỗ trợ của Đảng và nhà nước, sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp đã tiếp thêm sức mạnh giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lục Ngạn hăng hái thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Đời sống vật chất được nâng lên, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm. Sự nghiệp giáo dục và y tế có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, 89/96 trường học học đạt chuẩn Quốc gia; 29/30 xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đến hết tháng 6 năm 2019 đạt 99,2%. Đây sẽ là điều kiện tốt để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân vùng cao nói chung, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao rõ rệt, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, khối đại đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố và tăng cường.

 

Để chính sách đến được với đồng bào một cách hiệu quả nhất, căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của từng địa phương và nhu cầu của người dân, UBND huyện đã phân bổ chi tiết vốn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các thôn, bản ĐBKK thuộc các xã khu vực II. Giao cho UBND các xã làm chủ đầu tư thực hiện dự án, chỉ đạo các thôn, bản tổ chức bình xét, lựa chọn đối tượng hưởng lợi, bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân  kiểm tra... UBND các xã lựa chọn danh mục công trình thiết yếu thông qua thường trực HĐND xã, đồng thời lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, tổng dự toán, lựa chọn nhà thầu trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt theo đúng quy định. Điển hình như các xã Cấm Sơn, Tân Sơn, Phong Minh, Sa Lý, Hộ Đáp…

 

Thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách, xã hội huyện Lục Ngạn đã cho 477 hộ vay vốn chuyển đổi nghề với số tiền vay vốn trên 7 tỷ đồng (cho vay 15 triệu/ 01 hộ). Các hộ vay vốn chuyển đổi nghề đều đã được nhận hỗ trợ từ nguồn vốn trung ương với số tiền 05 triệu /01 hộ). 03 hộ vay vốn mua đất sản xuất với số tiền vay vốn là 45 triệu đồng; các hộ vay vốn mua đất ở, đất sản xuất đều đã nhận được hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương với số tiền 15 triệu đồng/01 hộ. Cùng đó, với 1,3 tỷ đồng, UBND huyện cũng đã hoàn thành việc xây dựng công trình nước sạch tập trung tại thôn Khuôn Vố xã Tân Lập. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu giúp cho bà con dân tộc thiểu số vùng ĐBKK sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh.

 

Thực hiện các Nghị quyết số 07, Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh, Nghị quyết số 09 của HĐND huyện về chính sách hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đương liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn. Phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ. Riêng năm 2018 toàn huyện cứng hóa được 279 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí đầu tư hỗ trợ 200 tỷ đồng; trong đó các xã khu vực II, khu vực III có thôn ĐBKK cứng hóa được 120 km với tổng số vốn đầu tư, huy động là 85 tỷ đồng (nhân dân đóng góp 20 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 65 tỷ đồng).

 

Đặc biệt trong năm 2018, thôn Suối Chạc, xã Phong Vân là thôn DTTS có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện đã được đầu tư xây dựng 8,75 km đường bê tong, với tổng kinh phí trên 6,5 tỷ đồng, trong đó, UBND tỉnh hỗ trợ trên 2,7 tỷ đồng, UBND huyện hỗ trợ trên 1,9 tỷ đồng; nhân dân đóng góp gần 1,9 tỷ đồng. Để thi công tuyến đường này đã có nhiều hộ dân tự nguyện hiến từ hàng chục đến hàng trăm m2 đất, tạo điều kiện cho công trình sớm hoàn thành. Tuyến đường này hoàn thành đưa vào sử dụng đã làm thay đổi bức tranh thôn Suối Chạc, giúp nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi. Đặc biệt sẽ góp phần đắc lực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

 

Đi đôi với thực hiện các chương trình, dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS luôn được Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt. Hàng năm, nhân dịp Tết Nguyên đán, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức đi thăm, tặng quà cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, trong giai đoạn 2014- 2019, UBND huyện đã tổ chức gặp mặt người có uy tín nhân dịp đầu xuân cho 830 lượt người có uy tín. Chủ tịch UBND huyện đã khen thưởng cho 76 lượt người có uy tín có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc; tặng 913 suất quà cho người có uy tín. Chỉ đạo các xã rà soát bình xét người có uy tín; Phòng Dân tộc phối hợp cùng với Đảng ủy- HĐND- UBND- MTTQ các xã động viên người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tới nhân dân; động viên con cháu lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, đoàn kết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thông qua việc tổ chức Giao lưu Văn hóa, Thể thao các dân tộc của huyện và một số xã trên địa bàn đã góp phần tôn vinh và khơi dậy những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn.

 

Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện Lục Ngạn, những khu vực vùng cao, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc chưa được thu hẹp; chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo ở một số nơi còn thấp; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào còn hạn chế...

 

Để các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và tỉnh thực sự là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay, huyện Lục Ngạn đang tích cực đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thân của đồng bào các dân tộc, nhất là các xã đặc biệt khó khăn.

 

Từ kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế xã hội đối với đồng bào dân tộc, các xã có thôn bản đặc biệt khó khăn đã từng bước tạo tiền đề cơ bản để các địa phương có những chuyển biến rõ rệt về mọi mặt. Từng bước giải quyết một phần nhu cầu bức thiết về cơ sở hạ tầng ở các thôn bản đặc biệt khó khăn; trang bị phương tiện và kiến thức làm kinh tế nông, lâm nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ thay đổi dần tập quán canh tác manh mún, lạc hậu, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên để làm được điều đó, trước hết, phải tiếp tục thực hiện và phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ của chính phủ cho đồng bào dân tộc thiểu số như chính sách văn hoá, y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi; Tập trung hỗ trợ về sinh kế cho đồng bào thông qua trợ giúp các điều kiện và dịch vụ sản xuất, đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập; Tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhất là đầu tư cho các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để người dân được cải thiện đời sống./.

 

Quang Huấn- Vũ Đoàn

 

  1.  

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.